• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thảo luận về chính sách đặc thù cho 4 địa phương: ĐB Quốc hội đề nghị thành lập Sở quản lý riêng về di sản

Thời sự 22/10/2021 13:48

(Tổ Quốc) - ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng, với đặc thù riêng biệt, tỉnh Thừa Thiên Huế nên thành lập Sở quản lý riêng về lĩnh vực di sản.

Trong buổi thảo luận tổ về các Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế vào sáng nay (22/10), đã có nhiều ý kiến nêu quan điểm khác nhau về việc nên hay không ban hành các Nghị quyết.

Đề nghị thành lập Sở quản lý riêng về di sản

Nêu việc các di sản ở Huế vẫn giữ được nguyên vẹn cho đến thời điểm này, ĐBQH Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) đề nghị nên thành lập Sở quản lý riêng về di sản.

ĐB Quốc hội đề nghị thành lập Sở quản lý riêng về di sản - Ảnh 1.

ĐBQH Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau).

Theo ĐB này, nếu chúng ta xác định khung chính sách, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế hoàn toàn có thể thông qua việc thành lập một sở quản lý về di sản, hoặc ghép vào một sở khác với chức năng tương đương như vậy.

Ngoài ra, ĐB Lê Thanh Vân đề nghị chỉ nên ban hành một Nghị quyết chung, bởi tờ trình nêu 9 nhóm chính sách thì chỉ có Thừa Thiên Huế có nhóm chính sách riêng về di sản, 8 nhóm chính sách còn lại đều có tác động chung đến cả 4 tỉnh.

Đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, ĐBQH Phan Viết Lượng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước) cho rằng, đây là địa phương có nhiều đặc thù riêng biệt. Nhiều giá trị dần mai một do thời gian do thời tiết nơi đây khắc nghiệt, rất khó lưu giữ các di tích, di sản. Trong khi đó, nguồn lực để phục vụ cho cho việc bảo tồn, gìn giữ chưa đáp ứng yêu cầu, không chỉ ngân sách mà cả con người.

"Khi dự thảo Nghị quyết này, cơ quan khảo sát nhận thấy nhiều cơ quan, địa phương muốn đóng góp để giúp Huế tu bổ. Dự thảo cũng đã quy định chặt chẽ, Quỹ bảo tồn di sản Huế là do Chính phủ quy định, giao cho Huế quản lý, sử dụng" - dựa trên những phân tích này, ĐB Phan Viết Lượng đồng ý với việc ban hành Nghị quyết.

Câu chuyện cát cứ địa phương là vấn đề không tốt

Bày tỏ lo ngại xu hướng nhiều địa phương xin cơ chế đặc thù, ĐBQH Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) cho rằng, nếu quá nửa các địa phương trong cả nước xin cơ chế đặc thù sẽ dẫn đến việc chẳng có gì là đặc thù nữa. Được biết, sắp tới Thành phố Cần Thơ cũng xin cơ chế đặc thù.

ĐB Quốc hội đề nghị thành lập Sở quản lý riêng về di sản - Ảnh 2.

ĐBQH Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum).

Theo vị ĐB này, việc các địa phương xin cơ chế đặc thù chứng tỏ quy định pháp luật chưa sát với thực tiễn từng địa phương. Chính vì vậy, giải pháp lâu dài chính là cần sớm tổng kết, sửa đổi chính sách tổng thể để tạo khung pháp lý, phương tiện để tất cả các địa phương đều triển khai, thực hiện được

ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Đoàn TP Hà Nội) kiến nghị Quốc hội không nên ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, thí điểm đặc thù, vì chỉ có Hà Nội là Thủ đô nên mới cần, còn các tỉnh thành phố khác là cần bình đẳng như nhau trong phát triển.

"Cần hướng đến việc xây dựng cơ chế chung để áp dụng cho quy mô toàn quốc gia. Trong bối cảnh khó khăn do dịch hiện nay, chúng ta không nên tạo áp lực chi phí cho người dân, đặc biệt là thông qua việc tăng thu từ người dân thông qua phí và lệ phí" - ĐB Vũ Tiến Lộc kiến nghị.

Lấy dẫn chứng về việc, trong dịch bệnh vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 để các địa phương thống nhất một phương án, ĐBQH Bùi Hoài Sơn (Đoàn TP Hà Nội) bày tỏ băn khoăn về việc ban hành các chính sách để các địa phương khác với Trung ương. Câu chuyện cát cứ địa phương là vấn đề không tốt đối với sự phát triển của xã hội hiện đại.

Theo ĐB Bùi Hoài Sơn, điều chúng ta cần và hướng đến chính là một chính quyền Trung ương mạnh để thống nhất về nhận thức, hành động, lúc đó luật phát mới thực hiện tốt được.

"Khi chúng ta nghĩ đến 4 tỉnh này thì cũng cần nghĩ đến các tỉnh khác nữa, ban hành cơ chế đặc thù thì có tạo ra những mâu thuẫn giữa các địa phương hay không? Sau 4 tỉnh này thì liệu có tạo ra "phong trào thí điểm" hay không?" - ĐB Bùi Hoài Sơn bày tỏ lo ngại.

Phải thí điểm một số chính sách mới

Lý giải vì sao cần có cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho một số địa phương, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, dù thể chế nước ta là một khuôn khổ thống nhất cho toàn quốc nhưng vẫn phải thí điểm một số khuôn khổ chính sách mới. Trên cơ sở kết quả thí điểm này chúng ta sẽ tổng kết, đánh giá và nhân rộng trên toàn quốc. Việc thí điểm vì mục tiêu chung cho sự phát triển của quốc gia.

ĐB Quốc hội đề nghị thành lập Sở quản lý riêng về di sản - Ảnh 3.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại tổ thảo luận.

Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu địa phương nào có điều kiện phát triển, đầu tàu, động lực thì có những cơ chế chính sách đột phá mạnh hơn để tạo điều kiện cho phát triển. Việc này sẽ tạo sự lan tỏa cho những địa phương khác, cho cả vùng, thậm chí cho cả nước. Còn với những địa phương, địa bàn khó khăn nước ta sẽ có những cơ chế chính sách đặc thù giúp họ vươn lên, rút ngắn khoảng cách phát triển với địa phương khác.

Trong đó TP Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Thừa Thiên Huế là những địa phương đều có Nghị quyết riêng của Bộ Chính trị về phát triển.

Riêng Hải Phòng là một trong những tam giác phát triển của phía bắc (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh), cực tăng trưởng mạnh. Trong thời gian gần đây Hải Phòng có những bứt phá mạnh mẽ cả về GDP, thu ngân sách, kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, đầu tư nhiều cho các xã. Còn với những huyện có khả năng lên quận cũng được đầu tư mạnh mẽ.

Với Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Quốc hội cho biết, trước đây Bộ Chính trị đã có Nghị quyết phấn đấu đưa địa phương này trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Quá trình tổ chức thực hiện, Huế đã có tốc độ phát triển tốt. Tuy nhiên, phần đặc thù nông thôn của Huế có xuất phát điểm khó khăn, khó đạt được tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương.

Do đó, trên cơ sở tổng kết đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết Bộ Chính trị đã có đề xuất, có quyết sách xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố di sản trực thuộc Trung ương với cốt lõi là Cố đô Huế. Do đó các tiêu chí về dân số, thu nhập không nhất thiết như các thành phố trực thuộc khác. Đây là cơ chế chính sách đặc thù cho thành phố di sản.

Còn với tỉnh Thanh Hoá, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tỉnh đang phấn đấu trở thành một trong tứ giác phát triển của phía bắc bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và Thanh Hoá. Do đó, lúc này Thanh Hoá chỉ thiếu cơ chế để tổ chức thực hiện và phát triển./.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ