(Tổ Quốc) - Trong năm 2023, các đội tuyển thể thao Việt Nam sẽ tham dự nhiều đại hội thể thao lớn, hứa hẹn một năm đầy sôi động, hấp dẫn.
Trong năm 2023, mục tiêu đầu tiên được hướng tới của ngành thể thao Việt Nam là Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 32 (SEA Games 32) tại Campuchia. Đại hội lớn nhất khu vực được tổ chức vào tháng 5/2023.
Sau thành công lớn tại SEA Games 31 được tổ chức tại Việt Nam với 205 HCV, ngành thể thao Việt Nam đề ra mục tiêu giữ vững thành tích top 3 toàn đoàn.
Ngay sau kỳ đại hội này, từ ngày 23/9 - 8/10, các VĐV của Việt Nam sẽ tham dự Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19 (ASIAD 19) tại Hàng Châu (Trung Quốc). Ở kỳ đại hội trước, được tổ chức năm 2022 ở Indonesia, Đoàn Thể thao Việt Nam đã giành được 38 huy chương (4 HCV, 16 HCB và 18 HCĐ). Dù ít hơn 1 HCV so với mục tiêu đề ra, nhưng đây được xem là kỳ đại hội thành công nhất của TTVN đến thời điểm đó. Từ thành công đó, Thể thao Việt Nam tiếp tục đề ra mục tiêu giành 3-5 HCV tại ASIAD 19. Dù vậy, đây cũng là mục tiêu được đánh giá là rất khó khăn.
Theo ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, một trong những khó khăn nhất về vấn đề đặt mục tiêu cụ thể: "Nguồn lực đạt HCV hiện nay rất hiếm nhưng chúng ta vẫn tiếp tục tìm kiếm, đầu tư cho các VĐV để tiến đến ASIAD. Mỗi kỳ ASIAD chúng ta có trên 20 HCB, 30 HCĐ nhưng để chuyển thành 1, 2 HCV là cả vấn đề. Để chuyển hóa từ mốc HCB, HCĐ sang HCV cần tập trung đầu tư cao, trọng điểm để VĐV có khả năng tranh chấp. Chúng tôi cũng đặt mục tiêu chỉ tiêu cụ thể cho các VĐV".
Ngoài 2 mục tiêu lớn trên, Thể thao Việt Nam cũng sẽ chuẩn bị lực lượng tham dự Đại hội Thể thao bãi biển thế giới tại Indonesia và Đại hội Thể thao trong nhà và võ thuật lần thứ 6 tại Thái Lan cũng như các sự kiện thể thao quốc tế khác trong năm 2023.
Trong buổi làm việc với ngành thể thao diễn ra vào ngày 6/1 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã nhấn mạnh, trong năm 2023, ngành thể thao phải quyết liệt trong vấn đề đào tạo, lựa chọn VĐV, đội tuyển. Phải gắn chỉ tiêu cho từng trung tâm theo hướng thế mạnh từng vùng.
"Ví dụ như bơi không phải thế mạnh của Hà Nội thì phải tập trung đầu tư ở Cần Thơ. Căn cứ vào đó để giao kinh phí, chỉ tiêu đi kèm. Không thể cào bằng trong vấn đề này" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, từ SEA Games 32 cần tiếp tục chuẩn bị tinh thần cho ASIAD, Olympic. Trong đó, Tổng cục TDTT cần chú ý phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Olympic Việt Nam.
Bóng đá có một năm sôi động
Trong khi đó, các đội tuyển bóng đá Việt Nam cũng sẽ trải qua một năm 2023 với các giải đấu khá dày đặc.
Ra quân sớm nhất trong năm 2023 và cũng là mở màn cho năm mới là đội tuyển U20 Việt Nam. Dưới sự dẫn dắt của HLV Hoàng Anh Tuấn, U20 Việt Nam sẽ thi đấu tại VCK Giải U20 châu Á tại Uzbekistan từ 1-18/3. Những đối thủ cạnh tranh với U20 Việt Nam tại vòng bảng là Australia, Qatar và Iran.
Tiếp đó từ ngày 3-11/4, đội tuyển nữ Việt Nam sẽ tham dự vòng loại thứ nhất bóng đá nữ Olympic Paris 2024. Những cô gái vàng của Việt Nam nằm ở bảng C với các đội gồm: Nepal, Palestine và Afghanistan.
Ngay sau đó, vào tháng 5, thầy trò HLV Mai Đức Chung sẽ hành quân tới Campuchia với mục tiêu bảo vệ tấm HCV tại SEA Games 32. Cùng mục tiêu với đội tuyển nữ là đội tuyển U23 Việt Nam.
Sau SEA Games 32, từ 22/7, đội tuyển nữ Việt Nam tham dự vòng chung kết Giải vô địch bóng đá nữ thế giới 2023 tại Australia-New Zealand. Ở vòng bảng, đội tuyển nữ Việt Nam sẽ đối đầu với đội tuyển Mỹ (đương kim vô địch), Hà Lan (Á quân 2019) và 1 đội chưa xác định.
Sau đó 2 tháng, từ 23/9 - 8/10, thầy trò HLV Mai Đức Chung sẽ đồng hành cùng đội tuyển Olympic nam tham dự ASIAD 2022 tại Hàng Châu, Trung Quốc.
Cũng trong năm 2023, đội tuyển Việt Nam sẽ tham dự VCK Giải vô địch châu Á (Asian Cup) tổ chức tại Qatar. Dù vậy, cho đến nay thời gian thi đấu chính thức Asian Cup 2023 chưa được Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) chốt lịch./.