(Tổ Quốc) - “Chạy chức, chạy quyền toàn “vào ban đêm như bóng ma” chứ không như chiếc ô tô đi ban ngày mà cảnh sát có thể theo dõi được. Khoa học ngày càng hiện đại nhưng chưa sản xuất ra cái máy nào đo được việc chạy chức, chạy quyền cả...”, Thiếu tướng, PGS.TS. Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) nhận định.
- 08.07.2019 Lựa chọn nhân sự khóa XIII: "Không phải chỉ nhìn vào lý lịch, con cháu ai..."
- 27.05.2020 Bài 4: PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: "Đánh giá cán bộ để lựa chọn nhân sự khóa XIII phải trung thực, khách quan, loại bỏ việc "chạy phiếu bầu"
- 27.06.2019 Không để lọt vào cấp ủy khóa mới những trường hợp chạy chức, chạy quyền, "lợi ích nhóm"
Thiếu tướng, PGS.TS. Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an). (Nguồn: VietnamNet)
Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 được chính thức thảo luận tại hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khoá 12 vào cuối tháng 12 năm ngoái. Tại đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, trong công tác cán bộ thì việc quy hoạch cán bộ là khâu mở đầu, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả yêu cầu trước mắt và lâu dài...
Thực hiện kế hoạch của Bộ Chính trị, tất cả 116/116 địa phương, cơ quan, đơn vị được Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược phân bổ cơ cấu, số lượng đã khẩn trương, nghiêm túc triển khai kế hoạch, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao.
Việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự cấp ủy khóa mới hiện nay có nhiều thuận lợi vì cùng với các tiêu chuẩn nêu trong Chỉ thị số 35-CT/TƯ, Trung ương đã ban hành các nghị quyết, quy định nêu rõ các tiêu chuẩn chung như: Nghị quyết số 26-NQ/TƯ ngày 19-5-2018 của Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ"; Quy định số 89-QĐ/TƯ ngày 4-8-2017 của Bộ Chính trị về "Khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp"; Quy định số 90-QĐ/TƯ ngày 4-8-2017 của Bộ Chính trị về "Tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý".
Căn cứ những văn bản này kết hợp với Chỉ thị số 35-CT/TƯ, cấp ủy các cấp phải cụ thể hóa các tiêu chuẩn nhân sự phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của cấp mình.
Trao đổi với báo chí về quy hoạch Ban chấp hành Trung ương khóa 13 nhân hội nghị Trung ương 9, khóa 12, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh việc coi trọng tiêu chuẩn về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, sự gương mẫu của bản thân và gia đình cán bộ. Ông khẳng định: Giữ vững nguyên tắc, phát huy dân chủ trong xem xét, quyết định nhân sự quy hoạch, không vì số lượng mà hạ thấp tiêu chuẩn. Quy hoạch cấp chiến lược nhất quyết không để lọt những người suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hoá; cơ hội chính trị; xu nịnh, chạy chức, chạy quyền, tham vọng cá nhân, không trong sáng;…
Trao đổi với Báo Điện tử Tổ Quốc, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, để lựa chọn được người tài, đức thì công tác nhân sự của Đảng phải dân chủ và dân chủ từ chi bộ trở lên, không được áp đặt. Để cho đảng viên thảo luận, công khai, dân chủ. Theo Điều lệ Đảng thì Đảng phải nghe dân.
Ông Lê Văn Cương nhấn mạnh, việc lựa chọn nhân sự khoá mới, về tư tưởng chỉ đạo thì đã quá rõ ràng. Tuy nhiên, lần này, Bộ Chính trị cần có cuộc đánh giá tổng kết về 9 kỳ đại hội đã qua (kể từ đại hội 3) để làm rõ xem tại sao vẫn lọt vào những cán bộ tham nhũng, làm trái pháp luật như thời gian qua…
"Để minh bạch thì phải bầu có số dư. Bầu chủ tịch xã, hội đồng nhân dân xã thì theo tôi đưa ra 3 người để từ đó bầu chọn. Tương tự, với vị trí chủ tịch huyện, với cấp thành phố, cấp tỉnh.. cũng phải bầu có số dư. Từng người phải trình bày chương trình hành động của mình. Như vậy mới tránh được nhóm lợi ích. Tôi cho rằng làm như thế này sẽ công khai minh bạch, tránh được chạy chức, chạy quyền...", ông Lê Văn Cương nói.
Cũng theo ông Lê Văn Cương, việc chạy chức, chạy quyền toàn "vào ban đêm như bóng ma" chứ không như chiếc ô tô đi ban ngày mà cảnh sát có thể theo dõi được. Khoa học ngày càng hiện đại nhưng chưa sản xuất ra cái máy nào đo thử được việc chạy chức, chạy quyền hay cơ hội...".
Về vấn đề giám sát quyền lực, ông Lê Văn Cương cho rằng, khâu lựa chọn nhân sự là vô cùng quan trọng, song cũng cần phải điều chỉnh bổ sung tăng cường hệ thống giám sát quyền lực quốc gia. Tìm được những người tài, đức rồi thì tiếp đến phải giám sát con người, giám sát quyền lực. Việc này rất cần thiết và phải vô cùng chặt chẽ.
Cùng quan điểm với Thiếu tướng Lê Văn Cương, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - chia sẻ rằng, đánh giá cán bộ phải công tâm, khách quan, trung thực, phải loại bỏ được việc "chạy phiếu bầu", chay vào cấp ủy.
"Tiếp theo là phải đánh giá thế nào cho đúng là người đó thực sự giỏi. Có những người yếu kém nhưng lại thân quen, "cánh hẩu" thì có khi lại được đánh giá tốt. Vì thế, khâu đánh giá cán bộ là rất quan trọng", PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh.
Theo ông, cái khó ở đây là đòi hỏi phải có sự lãnh đạo chặt chẽ từ trên xuống dưới, phải có đánh giá công tâm, công khai, thể hiện vai trò lãnh đạo của tập thể. Sau đó, kiểm tra, giám sát, bồi dưỡng giáo dục thường xuyên thì mới có cán bộ tốt được.