(Tổ Quốc) - PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng: "Cái khó nhất là đánh giá cán bộ sao cho công tâm, khách quan, trung thực, phải loại bỏ được việc "chạy phiếu bầu", chạy vào cấp ủy vì khâu này rất tinh vi".
Ông Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng: "Cái khó nhất là đánh giá cán bộ sao cho công tâm, khách quan, trung thực.
Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng quy định rất rõ về công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử cấp ủy. Theo đó, việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự cấp ủy khóa mới phải quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và tiêu chuẩn cán bộ nêu tại Quy định số 89-QĐ/TW, Quy định số 90-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XII.
Phóng viên Báo Điện tử Tổ Quốc đã phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng về điểm mới tại Chỉ thị 35 này:
-Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng là sự thay đổi về nhân sự có điểm nổi bật là giảm 5% số lượng cấp ủy viên cấp tỉnh, cấp huyện so với số lượng tối đa đã được Trung ương xác định ở nhiệm kỳ 2015 – 2020. Ông nhận định gì về sự thay đổi này?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Việc giảm số lượng cấp ủy viên cấp tỉnh, cấp huyện cũng là để thực hiện tốt chủ trương của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về xây dựng hoàn thiện hệ thống chính trị, trong đó có Đảng, nhà nước, mặt trận, đoàn thể và cũng là tinh giản biên chế. Tinh giản biên chế là rút gọn bộ máy lại, mà trước hết, cơ quan lãnh đạo của các tổ chức Đảng phải thu gọn.
Kỳ này Bộ Chính trị quy định các cấp ủy phải giảm 5% số lượng cấp ủy viên. Điều này theo tôi cũng là thực hiện nhất quán chủ trương của Hội nghị Trung ương 6. Số lượng cấp ủy viên ít đi, nhưng lại không ảnh hưởng đến chất lượng, vai trò lãnh đạo của của cấp ủy. Tuy nhiên, ở đây đòi hỏi phải lựa chọn người đủ tiêu chuẩn để đưa vào quy hoạch cấp ủy.
Theo tôi, phải gắn với Nghị quyết Trung ương 6, Nghị quyết Trung ương 7 về vấn đề xây dựng đội ngũ cấp chiến lược. Cấp chiến lược thì vừa rồi Bộ Chính trị cũng đã quyết định danh sách cán bộ quy hoạch Trung ương khóa XIII. Còn tổ chức đại hội cán bộ các cấp thì sẽ phải lựa chọn thế nào cho xứng đáng.
Ở đây có một điểm rất quan trọng, đó là nếu chúng ta tổ chức tốt, lựa chọn tốt đội ngũ cấp ủy, tỉnh, huyện thì đây sẽ là điều kiện rất tốt để tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ 13, chúng ta sẽ lựa chọn được ban chấp hành Trung ương đủ mạnh để có thể lãnh đạo nhiệm kỳ tới, đảm bảo tương lai phát triển của đất nước trong nhiều năm tới chứ không phải chỉ một nhiệm kỳ.
-Như đã nói ở trên, điểm nổi bật của Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị là giảm 5% số lượng cấp ủy viên - Vậy theo ông, điểm mới này sẽ mang lại hiệu quả như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Theo tôi, ở đây là tính chủ động của lãnh đạo cấp Trung ương , Bộ Chính trị đối với Đảng bộ các cấp và kỳ này cũng nhận thức sâu sắc hơn vai trò của Đảng bộ các cấp.
Nói đến chỉ đạo Đảng bộ các cấp cũng cần phải nhấn mạnh thêm rằng, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói đừng nên chỉ có chăm chăm vào công tác nhân sự mà quan trọng là phải tổng kết địa phương mình, tỉnh mình, huyện mình, cơ sở của mình như thế nào để đưa ra được những giải pháp, chủ trương, chỉ đạo cụ thể nhằm phát triển địa phương mình hay ngành của mình. Có như vậy thì chỉ đạo của Chỉ thị 35 mới toàn diện, chứ không phải chỉ có chăm chăm vào nhân sự.
Do vậy, theo tôi cần phải chú ý thêm ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Khi đó, tổng kết kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng… ở địa phương của mình sẽ bật lên được những mặt tích cực. Và cũng qua đây nhìn thấy được những gương mặt tốt, từ đây lựa chọn nhân sự sẽ chính xác hơn và đảm bảo yêu cầu mà Chỉ thị 35 đã nêu ra.
-Khóa này, có một số trường hợp bị cách chức, bị kỷ luật... Chúng ta nên xem đây là trường hợp để rút ra bài học sự về công tác nhân sự, thưa ông?
+ Nhân sự là vấn đề rất lớn và quan trọng. Có thể lúc đại hội, chúng ta lựa chọn nhân sự đưa vào cấp ủy, thậm chí đưa vào Trung ương là đúng người. Nhưng sau khì vào cấp ủy, vào Trung ương, vào Bộ Chính trị thì người ta mới bộc lộ hạn chế trước đây, hoặc sau này mới nảy sinh những sai phạm, tiêu cực.
Cho nên việc lựa chọn nhân sự rất khó khăn. Đảm bảo tính chính xác, đúng đắn là yêu cầu cực kỳ quan trọng rồi nhưng còn sau này, trong quá trình công tác vẫn phải tiếp tục kiểm tra, giám sát để ngăn ngừa sai phạm. Nếu không kịp thời siết chặt kỷ luật thì có thể sẽ chuyển hóa, như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII - đó là tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Lúc này có thể là người tốt, tích cực nhưng vì nguyên nhân nào đó có thể sẽ tha hóa, mắc sai phạm, thậm chí có những sai phạm nghiêm trọng chịu hình phạt, xử lý của pháp luật, của nhà nước.
Cho nên, công tác nhân sự đòi hỏi phải rất sáng suốt, chính xác, đúng đắn, công tâm. Từ đánh giá cán bộ đến quy hoạch và giới thiệu như thế nào là phải thực hiện rất chặt chẽ.
-Như ông vừa nói, công tác lựa chọn nhân sự là rất khó, vậy cái khó nhất ở đây là gì?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Theo tôi, khó nhất là đánh giá cán bộ phải công tâm, khách quan, trung thực, phải loại bỏ được việc "chạy phiếu bầu", chay vào cấp ủy. Khâu này là rất tinh vi, rất khó.
Cái khó tiếp theo là phải đánh giá thế nào cho đúng là người đó thực sự giỏi. Có những người yếu kém nhưng lại thân quen, "cánh hẩu" thì có khi lại được đánh giá tốt. Cho nên khâu đánh giá cán bộ là rất quan trọng.
Từ đánh giá xong thì mới đưa vào quy hoạch, sau đó đào tạo, bồi dưỡng rồi mới phân công sắp xếp cán bộ.
Cái khó khăn ở đây là đòi hỏi phải có sự lãnh đạo chặt chẽ từ trên xuống dưới, phải có đánh giá công tâm, công khai, thể hiện vai trò lãnh đạo của tập thể. Sau đó, kiểm tra, giám sát, bồi dưỡng giáo dục thường xuyên thì mới có cán bộ tốt được.
-Xin cảm ơn ông!
>>Bài 5: Nhân sự Đại hội XIII: Vấn đề sống còn của Đảng, của Đất nước