• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thời đại 4.0, sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép chủ sở hữu quyền tác giả?

Văn hoá 15/11/2020 11:08

(Tổ Quốc) - Sau hơn 15 năm thi hành, Luật Sở hữu trí tuệ đã phát huy hiệu quả trong việc tạo hành lang pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể quyền tác giả, góp phần đưa hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ của Việt Nam đạt chuẩn quốc tế... Tuy nhiên, trong thời đại 4.0, Luật cũng đã bộc lộ những bất cập, hạn chế và cần có những thay đổi cho phù hợp.

Trong thời gian vừa qua, Luật Sở hữu trí tuệ đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý cho hoạt động sáng tạo, khai thác, sử dụng và thụ hưởng các tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, thực thi pháp luật trong nước và hội nhập quốc tế; cho các tổ chức, cá nhân xác lập, khai thác và bảo vệ quyền SHTT, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần khuyến khích hoạt động sáng tạo, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Luật cũng là nền tảng đưa hệ thống bảo hộ SHTT của Việt Nam đạt chuẩn mực theo Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền SHTT (TRIPS) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng như đáp ứng các nghĩa vụ theo cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới gần đây.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, tốc độ phát triển KHTT và công nghệ nhanh chóng, Việt Nam mở rộng quan hệ với các quốc gia trên toàn thế giới cả về chiều rộng lẫn chiều sâu… đã cho thấy những bất cập, hạn chế của các lĩnh vực liên quan trong Luật SHTT.

Liên quan đến bản quyền tác giả (quyền tác giả và quyền liên quan), đáng chú ý, trong các lĩnh vực điều chỉnh của Luật SHTT có một mảng rất lớn các quy định mà với thực tế hiện nay không còn phù hợp nữa. Chính vì vậy, việc xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT, trong đó có các quy định về bản quyền tác giả, là việc cần sớm được triển khai.

Luật Sở hữu trí tuệ có 222 điều, trong đó có 45 điều quy định về quyền tác giả, quyền liên quan và 15 điều quy định chung. Trong Dự thảo lần này đề xuất sửa đổi 18 nội dung liên quan đến các Điều khoản trong phần quyền tác giả, quyền liên quan.

Nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung giải quyết những vướng mắc do thực tiễn đặt ra như, sửa đổi, bổ sung nhóm quy định về bản quyền, quyền của người biểu diễn, quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, quyền của tổ chức phát sóng, chủ sở hữu quyền liên quan; sửa đổi quy định về giới hạn ngoại lệ bản quyền tác giả; về các trường hợp sử dụng không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút…

Thời đại 4.0, những trường hợp nào sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép chủ sở hữu quyền tác giả? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Luật Việt

Trong đó, về phần quyền tác giả, quyền liên quan trong Dự thảo, đáng chú ý các nội dung sửa đổi liên quan tới việc sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép chủ sở hữu quyền tác giả. Đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép chủ sở hữu quyền tác giả, không phải trả tiền bản quyền.

Tại Điều 25 (Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép chủ sở hữu quyền tác giả, không phải trả tiền bản quyền), sửa đổi, bổ sung một số quy định về sử dụng tác phẩm nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy, học tập của cá nhân; sử dụng để có thông tin hoặc làm tài liệu dùng trong hoạt động nội bộ của cơ quan Nhà nước và không nhằm mục đích thương mại; sử dụng trong hoạt động thư viện; sử dụng cho người khiếm thị, người khuyết tật về thị giác và người khuyết tật khác…

Tại Điều 26 (Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép chủ sở hữu quyền tác giả nhưng phải trả tiền bản quyền), bổ sung cơ chế hiệp thương giá theo quy định của Chính phủ trong trường hợp các bên không thỏa thuận được và quy định về việc tổ chức, cá nhân Việt Nam hưởng ưu đãi dành cho các nước đang phát triển đối với quyền dịch các tác phẩm từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt và quyền sao chép để giảng dạy và nghiên cứu không nhằm mục đích lợi nhuận theo quy định của Chính phủ...

Tại Điều 32 (Các trường hợp sử dụng đối tượng quyền liên quan không phải xin phép chủ sở hữu quyền liên quan, không phải trả tiền bản quyền), sửa đổi bổ sung một số quy định về sử dụng nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy, học tập của cá nhân… không nhằm mục đích thương mại để đảm bảo thực thi theo cam kết quốc tế, đồng thời cân bằng lợi ích giữa chủ thể quyền và công chúng hưởng thụ, tạo điều kiện tiếp cận các đối tượng quyền liên quan để tiếp tục nghiên cứu, học tập, sáng tạo…

Cùng đó là các điều quy định về ứng dụng CNTT trong lĩnh vực cấp phép bản quyền tác giả như, Điều 22 luật hóa quy định tại Nghị định số 22/2018/NĐ-CP về "Tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả đối với chương trình máy tính có thể thỏa thuận về việc sửa chữa, nâng cấp chương trình máy tính" và "Tổ chức, cá nhân đang có quyền sử dụng hợp pháp bản sao chương trình máy tính có thể làm một bản sao dự phòng để thay thế khi bản sao đó bị xóa, bị hỏng hoặc không thể sử dụng được, với điều kiện việc sử dụng bản sao dự phòng này không trái với thỏa thuận trong giấy phép và không được chuyển giao cho người khác" để phù hợp với thực tiễn và thực thi cam kết quốc tế.

Hay, Điều 50 bổ sung hình thức nộp hồ sơ trực tuyến nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính theo yêu cầu của Chính phủ về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến… Điều 55 rút ngắn thời hạn cấp lại là 7 ngày và cấp đổi là 12 ngày phù hợp với yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan…

Dự thảo cũng sửa đổi các Điều 21 (Quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu), Điều 28 (Hành vi xâm phạm quyền tác giả), Điều 29 (Quyền của người biểu diễn), Điều 30 (Quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình), Điều 31 (Quyền của tổ chức phát sóng), Điều 35 (Hành vi xâm phạm quyền liên quan), Điều 36 (Chủ sở hữu quyền tác giả), Điều 49 và sửa đổi kỹ thuật Điều 52, Điều 56 (Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan) và bổ sung Điều 56a (Nguyên tắc xác định và việc thu, phân chia tiền bản quyền khi khai thác, sử dụng tác phẩm và các đối tượng quyền liên quan).

Dự thảo đang được gấp rút lấy ý kiến rộng rãi trước khi hoàn thiện để trình Bộ Tư pháp thẩm định (dự kiến vào tháng 4/2021) và hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật trình Chính phủ trong tháng 6/2021.

Phương Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ