• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vi phạm quyền tác giả chính là câu chuyện chiếm dụng "tài sản"

Văn hoá 30/09/2020 08:14

(Tổ Quốc) - Trong thế giới phẳng, việc tự bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm văn học nghệ thuật là một việc rất khó khăn, những xâm phạm về bản quyền diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên mạng Internet với mức độ ngày càng tinh vi, phức tạp.

Trước thực trạng xâm phạm bản quyền như hiện nay, các nhà văn cũng phải tìm mọi cách để bảo vệ đứa con tinh thần của mình. Tuy nhiên, những cố gắng, nỗ lực của các tác giả để bảo vệ tác quyền của mình cũng không hề đơn giản bởi nhiều người không hề nắm được quyền lợi cũng như những việc mình cần phải thực hiện để có đủ "vũ khí" bảo vệ cho tác phẩm văn học.

Chúng tôi đã thực hiện cuộc trao đổi với nhà văn Phan Đình Minh để làm rõ hơn việc nhà văn bảo vệ tác quyền văn học.

Vi phạm quyền tác giả chính là câu chuyện chiếm dụng "tài sản" - Ảnh 1.

Để bảo vệ bản quyền, mỗi tác giả phải biết cách giữ gìn tác phẩm một cách chặt chẽ (ảnh minh họa)

- Thưa nhà văn, là một người sáng tác, ông hiểu như thế nào về bản quyền tác giả đối với tác phẩm văn học nghệ thuật?

- Theo tôi, quyền tác giả bao gồm quyền sở hữu và quyền giá trị của tác giả đối với tác phẩm Văn học do cá nhân hoặc một tổ chức, nhóm tác giả sáng tạo.

Quyền sở hữu bao gồm các quyền: Được phép đặt tên cho tác phẩm; đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm văn học, nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; công bố, phổ biến hoặc cho người khác công bố, phổ biến tác phẩm của mình; bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho phép người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây tác động đến danh dự và uy tín của tác giả.

Tác giả không đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm có các quyền "nhân thân" đối với tác phẩm mà mình sáng tạo gồm: Đặt tên cho tác phẩm; đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được phép bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm, cho phép hoặc không cho phép người khác sửa đổi nội dung của tác phẩm.

Chủ sở hữu tác phẩm không đồng thời là tác giả có các quyền "nhân thân" đối với tác phẩm văn học gồm: Có quyền công bố, phổ biến hoặc cho người khác công bố, phổ biến tác phẩm thuộc sở hữu của mình, trừ trường hợp giữa tác giả và chủ sở hữu có tranh luận khác…

Quyền giá trị tài sản của tác phẩm, đối với tác giả đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm văn học có các quyền như được hưởng nhuận bút; được hưởng thù lao khi tác phẩm được sử dụng; được hưởng lợi ích vật chất từ việc cho người khác sử dụng tác phẩm dưới các hình thức như xuất bản, tái bản, trưng bày, triển lãm, biểu diễn, phát thanh, truyền hình, ghi âm, ghi hình, chụp ảnh; dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, cho thuê; được nhận giải thưởng đối với tác phẩm mà mình là tác giả.

Đối với tác giả không đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm có các quyền tài sản đối với tác phẩm mà mình là tác giả gồm: được hưởng nhuận bút; được hưởng thù lao khi tác phẩm được sử dụng; được nhận giải thưởng đối với tác phẩm mà mình là tác giả.Chủ sở hữu không đồng thời là tác giả được hưởng lợi ích vật chất từ việc sử dụng tác phẩm dưới các hình thức xuất bản, tái bản, trưng bày, triển lãm, biểu diễn, phát thanh, truyền hình, ghi âm, ghi hình, chụp ảnh; dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, cho thuê.

- Thường thì nhà văn Phan Đình Minh tự"bảo vệ" tác phẩm văn học của mình như thế nào?

- Thực ra, từ trước đến nay tôi vẫn chỉ có ý thức tự quản lý tác phẩm của mình theo phương pháp "cổ điển" mà thôi. Tự lưu trữ, gián tiếp xác định bản quyền thông qua báo chí, tòa soạn… thông qua trích lục của các cơ quan báo chí hoặc các tòa soạn để gián tiếp làm "phép so" là những phép đo về ngày/tháng/năm… phép đo về căn cứ nguồn gốc tác phẩm, căn cứ các danh mục chứng nhận gián tiếp của các cơ quan báo chí hoặc cơ quan xuất bản, phát hành… nếu khi có xảy ra tranh chấp, vi phạm bản quyền.

- Ông đã từng đăng ký quyền tác giả cho các tác phẩm của mình bao giờ chưa?

- Tôi chưa từng đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm của mình dù là tác phẩm đơn lẻ hay tác phẩm tập, in chung, chùm tác phẩm… Mặc dù tôi nghĩ việc đăng ký bản quyền không có gì là khó vì đã được nhà nước thực thi rõ ràng bằng: Luật Sở hữu trí tuệ 2005 có sửa đổi bổ sung năm 2009, Nghị định 22/2018/NĐ-CP…

- Đã bao giờ tác phẩm của ông bị đạo văn hay xâm phạm bản quyền?

- Tôi cũng không nắm chắc là tác phẩm của mình đã từng bị đạo hay chưa. Hoặc bị đạo mà tôi không biết.

- Theo ông thì các nhà văn khi phát hiện tác phẩm của mình bị đạo văn thì nên làm gì?

- Tôi nghĩ khi phát hiện tác phẩm của mình bị đạo văn, nếu "nặng nề" thì sẽ báo cáo cơ quan chuyên môn trực tiếp quản lý, phát hành tác phẩm đó.

Nhà văn nói riêng hay các tác giả nói chung cần nhờ tác quyền của các cơ quan chuyên môn ấy phong tỏa tác phẩm, sau sẽ tiến hành tiếp xúc với các cơ quan, cá nhân vi phạm bản quyền đối với tác phẩm của mình.

Trường hợp khó khăn quá thì phải nhờ tới các cơ quan chức năng về bản quyền, văn phòng luật hoặc cơ quan chức năng về pháp luật để thực thi các biện pháp bảo vệ bản quyền cho tác phẩm của mình nếu điều đó ảnh hưởng lớn đến danh dự, uy tín, tài sản "đáng kể" của cá nhân.

Nhưng, hành động và suy nghĩ chủ đạo của tôi là sắp xếp mọi việc cho ổn thỏa giữa tôi (tác giả) với cơ quan, cá nhân vi phạm bản quyền là phương châm. Việc phải nhờ các cơ quan chức năng bản quyền hoặc cơ quan pháp luật can thiệp là hãn hữu cuối cùng.

- Theo ông thì việc vi phạm quyền tác giả sẽ ảnh hưởng như thế nào tới tác phẩm và quyền của tác giả?

- Tôi nghĩ việc vi phạm quyền tác giả ảnh hưởng rất lớn đến tác phẩm và quyền tác giả. Đây là câu chuyện chiếm dụng "tài sản", có thể vì vật chất hoặc vật chất. Nó phương hại trực tiếp đến uy tín, danh dự, tài sản của tác giả sáng tác tác phẩm văn học. Nó có thể gây nhiều tác hại, hệ lụy vô chừng… mà không thể đo lường, đong đếm hết bằng con số, thời gian, bằng sự ảnh hưởng vì sự chiếm đoạt hoặc làm biến dạng tác phẩm văn học.

Theo kinh nghiệm cá nhân tôi: những tác phẩm đạo, bị chiếm đoạt dù là chiếm đoạt về "ý tưởng", đa phần đều làm giá trị thực sự của tác phẩm (hay một phần) của tác phẩm kém giá trị thực của nó. Rất ít những tác phẩm "đạo văn" còn hồn cốt và sức sống thực sự mạnh mẽ như nguyên bản.

- Có một thực tế là mạng xã hội hiện nay rất phát triển, trong môi trường ấy các tác phẩm dễ dàng bị sao chép, xâm phạm. Vậy, các nhà văn cần phải làm gì để có thể hạn chế được việc vi phạm quyền tác giả đối với các tác phẩm văn học nghệ thuật, thưa ông?

- Câu chuyện hạn chế vi phạm bản quyền đối với tác phẩm trong môi trường Internet hiện nay là bài toán khó, đau đầu đối với các nhà quản lý, cả quản lý tác quyền và quản lý vận hành mạng.

Thực tế các hoạt động mạng là giá trị "Ảo" được mã hóa từ các "giá trị thực", mượn môi trường số hóa nhằm "chế biến" sản phẩm thật để dịch chuyển và quy định hay lưu trữ… Vậy nên, sự chiếm dụng xảy ra rất phức tạp mà lại vô cùng dễ dàng. Chỉ một cái kích chuột. Chỉ một phần mềm chạy trong vòng 1/1000 giây, rất nhiều Gb dữ liệu đã được chuyển dịch, đóng gói kỹ càng… mà tác giả không thể bằng cách nào thu lại được.

Muốn hạn chế việc vi phạm bản quyền trên môi trường mạng, mỗi tác giả phải biết cách giữ gìn dữ liệu (tác phẩm) một cách chặt chẽ theo yêu cầu, giao thức mạng mà các nhà cung cấp, an ninh mạng khuyến cáo. Ví dụ, phải chấp hành nguyên tắc việc phân cấp, phân quyền trong sử dụng dữ liệu, hệ thống… sử dụng theo hướng phải nguyên tắc chặt chẽ về cung cấp các loại mã khóa. Phối hợp quản lý nhiều tầng, đa diện khi quản lý dữ liệu, các tệp tin, các tệp tác phẩm đa dụng của mình bằng nhiều hình thức số hóa. Phối hợp, gửi gắm hoặc nhờ các cơ quan tác quyền nhà nước; các cơ quan quản lý nhà nước về bản quyền tác phẩm văn học nghệ thuật lưu trữ, bảo vệ giúp.

- Xin cảm ơn nhà văn!

Khánh Vân (thực hiện)

NỔI BẬT TRANG CHỦ