• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thống nhất nhận thức, đi đến hành động trong xây dựng thể chế, chính sách phát triển văn hoá của đất nước để khơi thông nguồn lực, thúc đẩy sáng tạo

Thời sự 17/12/2022 17:29

(Tổ Quốc) - Chiều ngày 17/12, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh, Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề: "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa’’ tiếp tục với Phiên toàn thể. Hội thảo được chủ trì bởi Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng các đồng chí đại diện Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Hội thảo.

Sau phát biểu chào mừng của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng.

Tiếp đó, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã có tham luận với chủ đề "Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách và huy động nguồn lực cho phát triển văn hoá".

Đầu tư cho Văn hóa chưa đạt được mục tiêu

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, kể từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, đất nước ta tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, dù còn nhiều khó khăn, song với sự quan tâm của Đảng, chỉ đạo sát sao của Chính phủ và Quốc hội, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách phát triển văn hóa đã đạt được một số kết quả nổi bật bước đầu.

Cụ thể, quá trình đổi mới thể chế theo hướng hội nhập quốc tế đã từng bước hình thành khung chính sách phát triển văn hóa tương đối toàn diện. Ngành Văn hóa đã được Đảng, Nhà nước giao tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành 05 Luật, trình Chính phủ ban hành 50 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 14 Quyết định; cùng với đó là trên 100 Thông tư, Thông tư liên tịch được lãnh đạo Bộ ban hành, điều chỉnh trực tiếp.

Thống nhất nhận thức, đi đến hành động trong xây dựng thể chế, chính sách phát triển văn hoá của đất nước để khơi thông nguồn lực, thúc đẩy sáng tạo - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội thảo Văn hóa 2022

Hai là, với sự ủng hộ của các Bộ chuyên ngành, hệ thống các văn bản pháp luật về thuế, khuyến khích xã hội hóa, thu hút nguồn lực đầu tư cho văn hóa cũng đã được trình Quốc hội ban hành như Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2013… Bên cạnh đó, Nhà nước cũng khuyến khích hình thành các quỹ đào tạo, quỹ khuyến học, phát triển nhân tài, quảng bá văn học nghệ thuật, phát triển điện ảnh, hỗ trợ xuất bản.

Như vậy, ở lĩnh vực này, các Bộ chuyên ngành đã trình Quốc hội thông qua các bộ luật, các nghị định để hình thành các nguồn lực cho vấn đề về phát triển văn hoá.

Ba là, khung chính sách đã tạo môi trường cho phép các ngành công nghiệp văn hóa khai thác, chuyển hóa từ nguồn tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế với sự ra đời của Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Theo thống kê, so với mức đóng góp vào GDP chiếm 2,68% năm 2015, tới năm 2018, tỷ lệ này đạt 3,61% GDP cả nước.

"Nhìn chung, trong quá trình xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý trong lĩnh vực văn hóa đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, kho tàng di sản, di tích lịch sử - văn hóa đồ sộ của dân tộc; quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra với bạn bè quốc tế, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế"- Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhận định.

Theo Bộ trưởng, những kết quả bước đầu về công tác hoàn thiện thể chế, chính sách nguồn lực cho văn hóa đã tạo ra sự phát triển cho văn hóa trong thời gian vừa qua.

Bên cạnh những kết quả đạt được bước đầu đáng phấn khởi, Bộ VHTTDL cũng đang nhìn thấy rằng lĩnh vực VHTTDL đang phải đối mặt với những khó khăn, vướng mắc về nguồn lực cho phát triển văn hoá:

Một là, vẫn còn “khoảng trống” trong khung khổ pháp lý để phát triển văn hoá. Đặc biệt, một số lĩnh vực văn hóa chưa có Luật hoặc Pháp lệnh điều chỉnh như: nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; xây dựng môi trường văn hóa, thiết chế văn hóa, tuyên truyền cổ động chính trị, quyền và nghĩa vụ của văn nghệ sỹ... Một số lĩnh vực thậm chí chưa có văn bản điều chỉnh như lĩnh vực văn học, quản lý hoạt động trò chơi...

Hai là, các quy định của pháp luật hiện hành về huy động nguồn lực cho thấy văn hóa chưa hoàn toàn là ngành nghề được ưu tiên, khuyến khích, như Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) năm 2020 quy định chỉ có 5 lĩnh vực được áp dụng đầu tư theo phương thức PPP, trong đó không có lĩnh vực văn hóa.

Hoặc Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế là các khoản tài trợ cho giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học, khắc phục hậu quả thiên tai…, không có lĩnh vực văn hoá, nhất là hỗ trợ và đầu tư cho lĩnh vực văn hóa và thể thao.

Ba là, việc gián đoạn chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa.

Theo Bộ trưởng, việc gián đoạn chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, chương trình phát triển văn hóa đang làm giảm động lực thúc đẩy phát triển văn hóa gắn với kinh tế, xã hội, đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững. Cơ chế chính sách đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng với vai trò, vị trí của văn hóa trong phát triển. Bất cập trong cơ chế chính sách tạo tình trạng thiếu hài hòa giữa khu vực công lập và tư nhân trong việc tiếp cận nguồn hỗ trợ từ Nhà nước.

Thống nhất nhận thức, đi đến hành động trong xây dựng thể chế, chính sách phát triển văn hoá của đất nước để khơi thông nguồn lực, thúc đẩy sáng tạo - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng:

Trong nhiệm kỳ này, Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1230/QĐ-TTg cũng đã báo cáo với Quốc hội nhưng chưa cân đối được nguồn lực.

Bốn là, mặc dù Đảng, Nhà nước có quan tâm nhưng đầu tư cho Văn hóa còn đang ở mức khiêm tốn, chưa đạt được mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu là chi đầu tư cho văn hóa đạt 1,8% tổng chi ngân sách Nhà nước (theo Kết luận số 30-KL/TW ngày 20/7/2004 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng). Riêng năm 2021, sau thành công Hội nghị Văn hóa toàn quốc, thì các địa phương phải thay đổi nhận thức và có sự ưu tiên hơn.

Đầu tư cho văn hóa là đầu tư lâu dài để hướng tới tương lai

Nhìn lại về kết quả thực hiện các thể chế, chính sách mà Đảng, Nhà nước đã ban hành trong ngành Văn hóa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề xuất một số kiến nghị để tiếp tục hoàn thiện về thể chế chính sách và nguồn lực cho phát triển ngành. Theo Bộ trưởng, văn hóa giữ vai trò điều tiết xã hội bằng hệ thống giá trị, chuẩn mực văn hóa của cộng đồng, văn hóa giữ vai trò định hướng sự phát triển của xã hội bằng mục đích nhân văn của mình và cột mốc văn hóa trong tâm trí con người luôn là cột mốc vững chắc nhất. Do vậy, đầu tư cho văn hóa là đầu tư lâu dài để hướng tới tương lai. Đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư cho sự phát triển có tính bền vững.

Theo Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng mong mỏi, một là, từ Hội thảo này lan tỏa thông điệp về vấn đề kiến tạo chính sách để góp phần nâng cao nhận thức, đặc biệt trong lãnh đạo, chỉ đạo. Việc rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật để điều chỉnh trực tiếp lĩnh vực văn hóa, nhằm lấp đầy các “khoảng trống về pháp lý” tạo ra cơ sở, nguồn lực phát triển văn hóa như:

Đề nghị Quốc hội sớm đưa vào trong Chương trình xây dựng Luật và Pháp lệnh về Luật sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng về bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hoá; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và xã hội hóa công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hoá; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển, để nhằm phát huy nguồn tài nguyên văn hóa vô giá của dân tộc – những báu vật của thiên nhiên ban tặng – những giá trị văn hóa được các thế hệ người Việt Nam dày công vun đắp, dệt nên qua nhiều thế hệ.

Sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo với cách tiếp cận quảng cáo là một ngành công nghiệp văn hoá.

Nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất xây dựng các Luật chuyên ngành văn hóa ở các lĩnh vực chưa có Luật điều chỉnh như Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật nhiếp ảnh triển lãm trong tổng thể phát triển và trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

Ban hành Nghị định về văn học, Nghị định quy định về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật trong nhiệm kỳ này, sau đó tiếp tục nghiên cứu để đưa lên thành Luật.

Quan tâm đến yếu tố đặc thù của ngành văn hóa trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật: Ban hành chính sách về nguồn lực con người làm văn hóa, trong đó cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng ta đã nhiều lần khẳng định, đó là: Văn hóa là một lĩnh vực rộng lớn, phát triển văn hóa phải được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, người dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ văn nghệ sĩ trí thức giữ vai trò quan trọng. Chính vì vậy, sớm có chính sách về nguồn lực con người làm văn hoá, trong đó chú ý về tuổi lao động, tiền lương, phụ cấp cho những người hoạt động trong các bộ môn nghệ thuật đặc thù. Đây là những chiến sĩ trên mặt trận văn hoá, nghệ thuật như Bác Hồ đã nói: "Văn hóa nghệ thuật là một mặt trận. Văn nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận đó”.

Thống nhất nhận thức, đi đến hành động trong xây dựng thể chế, chính sách phát triển văn hoá của đất nước để khơi thông nguồn lực, thúc đẩy sáng tạo - Ảnh 3.

Toàn cảnh Hội thảo

Đối với vấn đề chính sách cho các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú hiện nay, những người giữ hồn, giữ lửa trong bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, tại các địa phương đã có những chính sách riêng của mình nhưng tùy thuộc ngân sách của địa phương đó. Nhiều địa phương những chính sách này chưa được quan tâm đúng mức, lực lượng nghệ nhân này thì mai một, để lại khoảng trống trong truyền dạy nghề. Như vậy những người giữ hồn giữ lửa để giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa mang bản sắc dân tộc sẽ bị mai một.

Hai là, tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi một số Luật chuyên ngành và ban hành một số Nghị định. Trước hết là Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), bổ sung lĩnh vực văn hóa vào nhóm ngành nghề ưu đãi đầu tư, vào nhóm lĩnh vực được áp dụng đầu tư theo phương thức này. "Trước hết, trong lúc Quốc hội chưa ban hành thì có thể thí điểm tại những địa bàn có lợi thế và hiện đang mong muốn như TP Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội trong vấn đề hợp tác công tư để phát triển các ngành công nghiệp văn hoá. Sau đó, rút kinh nghiệm và cho phép xem xét sửa đổi, bổ sung Luật"- Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng bày tỏ.

Theo Bộ trưởng, cần bổ sung vào Hệ thống chỉ tiêu quốc gia trong Luật thống kê để xem xét, đánh giá về mức đóng góp của ngành thể thao và du lịch trong GDP; thống kê đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa vào GDP để xây dựng Bộ chỉ số quốc gia về phát triển văn hóa và triển khai ứng dụng định kỳ để đo lường, đánh giá và giám sát sự đóng góp và tăng trưởng của lĩnh vực văn hóa trong tổng thể phát triển quốc gia; đồng thời cung cấp các bằng cứ xác thực cho việc xây dựng thể chế, hoạch định chính sách và các chương trình can thiệp. "Nếu không có bộ chỉ số này, chúng ta sẽ không biết văn hóa đang ở đâu, như thế nào, cái gì cần quan tâm, thông qua bộ chỉ số đo lường thì mới nhận diện được những bài toán khó, mới khắc phục được nhận định chung là văn hóa có mặt tiến bộ mà không thấy được nằm ở đâu, vị trí nào để xem xét và khắc phục"- Bộ trưởng nhận định.

Theo Bộ trưởng, cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp theo hướng bổ sung các khoản chi tài trợ cho văn hóa, thể thao được khấu trừ khi xác định thu nhập chịu thuế nhằm huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư văn hóa. Đồng thời có chính sách phù hợp tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, nhằm phát huy, sử dụng có hiệu quả tài sản kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa, tài sản đặc thù của văn hóa.

Ba là, sớm phục hồi lại và ban hành Chương trình mới về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. Ngày 20/10/2022 vừa qua, tại Kết luận số 42-KL/TW kết luận Hội nghị lần thứ 6 BCHTW khóa XIII về kinh tế xã hội năm 2022-2023 đã đồng ý chủ trương cho xây dựng và triển khai Chương trình này. Chính phủ cũng đã giao Bộ VHTTDL để xây dựng và tham mưu trình cấp có thẩm quyền xem xét. Trong phạm vi của mình và thực hiện sự chỉ đạo từ Quốc hội là phải chuẩn bị từ sớm từ xa, Bộ VHTTDL đã hình thành nội dung và lấy ý kiến 9 Bộ ngành, hoàn thiện để báo cáo Chính phủ. Trong đó, phân định chương trình mục tiêu quốc gia sẽ tập trung vào 6 dự án thành phần, bao gồm dự án phát triển môi trường văn hóa lành mạnh để nâng cao chất lượng cuộc vận động Toàn dân xây dựng đời sống văn hoá, đây là vấn đề có tính chất gốc và cơ bản; dự án về phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức và nguồn nhân lực quản trị văn hoá; dự án về bảo tồn phát huy bền vững văn hóa phi vật thể và vật thể; đầu tư để hoàn thiện các thiết chế văn hóa và tạo ra một không gian văn hóa sáng tạo; dự án về phát triển công nghiệp văn hoá, trong đó chú trọng các sản phẩm mà Việt Nam đang có lợi thế và sự liên kết với các quốc gia có điều kiện đi trước về lĩnh vực này; thực hiện văn hóa đối ngoại.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, toàn ngành VHTTDL tin tưởng và kỳ vọng sau Hội thảo Văn hóa 2022- hội thảo khoa học và thực tiễn, tất cả hệ thống chính trị sẽ thống nhất nhận thức, đi đến hành động trong xây dựng thể chế, chính sách phát triển văn hóa của đất nước để “khơi thông nguồn lực”, “thúc đẩy sáng tạo” và chuyển hóa các trụ cột tài nguyên văn hóa vốn vô cùng giàu có, phong phú của dân tộc thành sức mạnh mềm của văn hóa./.

Hà An

NỔI BẬT TRANG CHỦ