• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thống nhất sự đa dạng trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam

Văn hoá 15/04/2023 16:52

(Tổ Quốc) - Ngày 15/4, Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Bảo tồn di tích, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã tổ chức triển lãm và hội thảo khoa học "Kiến trúc Phật giáo Việt Nam - thống nhất trong đa dạng" với sự tham dự đông đảo của các tăng ni, các chuyên gia và nhà khoa học.

Chương trình được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức trong bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống, những tinh hoa của kiến trúc Phật giáo Việt Nam, khắc phục những nhận thức chưa đúng, những hạn chế trong hoạt động trùng tu, tôn tạo và xây dựng mới các công trình Phật giáo hiện nay. Đồng thời, góp phần định hướng đặc trưng kiến trúc Phật giáo Việt Nam đảm bảo tính truyền thống, tính dân tộc và tính thời đại.

Nguy cơ mất đi "tính truyền thống" của kiến trúc Phật giáo

Thống nhất sự đa dạng trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam - Ảnh 1.

Trưởng Ban Văn hóa Trung ương Hòa thượng Thích Thọ Lạc

Trong những thập kỷ gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ, hội nhập quốc tế sâu rộng, kiến trúc Phật giáo Việt Nam cùng đang dần thay đổi, nguy cơ mất đi "tính truyền thống" của dân tộc. Theo Trưởng Ban Văn hóa Trung ương Hòa thượng Thích Thọ Lạc cho biết: "Sau hơn 40 năm hình thành và phát triển, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, trên phương diện kiến trúc Phật giáo, đây là giai đoạn các công trình kiến trúc Phật giáo được trùng tu, xây dựng, phục dựng,… một cách mạnh mẽ. Có thể nói chưa có một giai đoạn nào trong lịch sử dân tộc, đất nước ta có được sự phát triển mạnh mẽ của các công trình kiến trúc Phật giáo như bây giờ. Các công trình không chỉ nhiều về số lượng, lớn về quy mô, đa dạng về loại hình, hệ phái, về phong cách kiến trúc, nghệ thuật,… mà còn có giá trị về nghệ thuật, thẩm mỹ,…

Tuy nhiên, kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay đang tồn tại nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc, bất cập. Nhiều ngôi chùa trải qua thời gian đã lần tu bổ, tôn tạo nhiều lần, dần mất đi "tính truyền thống" vốn có của mình. Trừ những ngôi chùa đã được xếp hạng là di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt thì nhiều ngôi chùa được xây mới chưa tuân thủ những nguyên tắc xây dựng, chưa có tư vấn thiết kế đầy đủ,… đã vô tình làm giảm tư tưởng, triết lý Phật giáo trong kiến trúc. Mặt khác, mặc dù có nhiều ngôi chùa được xây dựng mới đã mang đặc trưng truyền thống, vùng miền,… Song, chúng ta vẫn thấy trong kiến trúc nhiều ngôi chùa vẫn chắp vá hay có nhiều trường phái kiến trúc Phật giáo trong một ngôi chùa Việt,…".

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Chu Văn Tuấn chia sẻ: "Bên cạnh dấu ấn thời đại, nhiều công trình kiến trúc Phật giáo vẫn lưu giữ, bảo tồn được những giá trị, truyền thống kiến trúc Phật giáo Việt Nam thì hiện nay, kiến trúc Phật giáo Việt Nam bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập trên nhiều phương diện. Có thể thấy, rất nhiều các ngôi tự viện thiếu quy hoạch tổng thể khiến cho các hạng mục công trình xây dựng không trong một tổng thể thống nhất, mang tính chắp vá, manh mún, không có sự hài hoà, thiếu sự cân đối trong tổng thể kiến trúc chung. Ngoài ra, sự tích hợp của yếu tố cũ-mới chưa hài hoà, chưa phù hợp. Nhiều ngôi chùa sau quá trình trùng tu, hoặc xây thêm các công trình, hạng mục mới khiến cho có sự mâu thuẫn các yếu tố/hạng mục cũ với mới. Hơn nữa, nhiều công trình, tự viện chưa làm tốt việc bảo tồn, giữ gìn di sản kiến trúc Phật giáo. Có những ngôi tự viện tự ý sơn lại, dát vàng các tượng, chuông,... thậm chí khắc chữ mới lên các di vật cổ".

Thống nhất sự đa dạng trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam - Ảnh 2.

Ban chủ toạ

Bên cạnh đó, cùng với các di sản Phật giáo được lưu giữ, bảo tồn, phát huy khá tốt tại các di tích (tự viện), bảo tàng, nhà trưng bày, sưu tập tư nhân… thì cũng còn nhiều di sản, đặc biệt là những tài sản văn hóa Phật giáo cận hiện đại chưa được xếp vào cổ vật, bảo vật quốc gia.

Theo Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ThS. Nguyễn Thị Thu Hoan cho rằng: "Việc các di sản, tài sản của Phật giáo chưa được bảo tồn, phát huy tốt dẫn đến tình trạng di sản đã và đang bị mai một nhanh chóng hoặc bảo tồn, phát huy chưa đúng phương pháp, thậm chí là sự bảo tồn sai lệch cũng làm di sản mất đi tính xác thực, tính toàn vẹn, làm giảm hoặc mất giá trị di sản. Đồng thời, tình trạng di sản lưu giữ tại di tích trong điều kiện môi trường bảo quản không đảm bảo: nơi lưu giữ là những tủ/kho chật hẹp, nhiều loại hình với đa dạng chất liệu khác nhau, di sản chồng chất lên nhau, nhiệt độ, ánh sáng không đảm bảo kéo dài tuổi thọ cho di sản. Hơn nữa, tình trạng bảo vệ di sản (tượng thờ, đồ thờ) một cách cực đoan, chẳng hạn như việc sơn mới (thậm chí là sơn công nghiệp) làm sai lệch tính xác thực (nguyên gốc) của di sản…".

Cần nâng cao trách nhiệm của cộng đồng

Trước thực trạng trên, để bảo tồn và phát huy các giá trị kiến trúc Phật giáo Việt Nam gắn với việc tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa và đảm bảo đặc trưng của văn hóa kiến trúc Phật giáo Việt Nam – thống nhất trong đa dạng, Hòa thượng Thích Thọ Lạc đã đưa ra một số giải pháp: "Cần tập huấn, hướng dẫn cho các tăng ni nhận diện, hiểu biết đúng đắn và từng bước triển khai thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc văn hóa Phật giáo từ cơ sở tự viện, địa phương của mình; Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, chương trình quản lý tự viện (kiểm kê, phân loại, đánh giá tự viện trên địa bàn toàn quốc) và các hình thức, cấp độ tôn vinh, ghi nhận những đóng góp cho tăng ni trong sự nghiệp bảo tồn, phát huy kiến trúc văn hóa Phật giáo trong phạm vi Giáo hội.

Đồng thời, cần hướng dẫn, tuyên truyền sâu rộng tới tăng ni, Phật tử, cộng đồng về những giá trị đặc trưng kiến trúc văn hóa Phật giáo Việt Nam và vai trò của những giá trị đó đối với đời sống cộng đồng cũng như trong phát triển Phật giáo Việt Nam để họ nhận thức sâu sắc và có ý thức tự bảo tồn và phát huy những giá trị ấy trong cộng đồng…."

Thống nhất sự đa dạng trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam - Ảnh 3.

Quang cảnh hội thảo

Với mong muốn nâng cao nhận thức và trách nhiệm của trụ trì, cộng đồng trong bảo vệ và phát huy kiến trúc Phật giáo, ThS. Nguyễn Thị Thu Hoan chia sẻ: "Để tiếp tục và từng bước khắc phục tình trạng trên đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo hiệu quả hơn, cần phải tăng cường nhận thức, bổ sung kiến thức về di sản, bảo tồn, phát huy di sản cho trước hết là các sư trụ trì (qua các chương trình tập huấn, bồi dưỡng kiến thức… của Ban Văn hóa trung ương và trách nhiệm của các sư trụ trì trong bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Phật giáo; Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan chức năng liên quan trong quản lý di sản; Xây dựng những trung tâm văn hóa/bảo tàng để lưu giữ, giới thiệu một cách đầy đủ, toàn quốc, toàn diện, thống nhất trong đa dạng về Phật giáo Việt Nam…".

Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện đại, số hóa di sản đã trở xu hướng chung của ngành Di sản trên toàn thế giới. Điển hình, trong đại dịch Covid-19 cũng là cú hích mạnh mẽ để các quốc gia đẩy nhanh quy trình số hóa và ra mắt các trưng bày ảo, triển lãm trực tuyến, thúc đẩy phát triển di sản số, du lịch tham quan số.

KTS Định Việt Phương cho rằng: "Kiến trúc và nghệ thuật Phật giáo Việt Nam cũng cần xây dựng cơ sở dữ liệu số, trong đó nên số hóa hệ sinh thái di tích và quản trị số phục vụ bảo tồn, phát triển. Đặc biệt, số hóa di tích cần phải gắn với phát triển du lịch. Đây là giải pháp đang được thực hiện tích cực hiện nay nhằm đáp ứng yêu cầu số hóa và nhu cầu tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm của du khách. Với sự phát triển của công nghệ, hình thức hướng dẫn tham quan, giới thiệu các sưu tập hiện vật trực tuyến hay trưng bày ảo… ngày càng phong phú, đa dạng. Ngoài ra, cần tổ chức các giờ học về di sản kiến trúc và nghệ thuật Phật giáo cho học sinh, sinh viên giúp các em có ý thức giữ gìn di sản Phật giáo của địa phương, của đất nước.

Cùng với đó, hệ thống cơ sở dữ liệu số di sản kiến trúc và nghệ thuật Phật giáo còn có tác dụng như một thư viện số, với nguồn dữ liệu mở, sẵn sàng hỗ trợ các chư tôn đức, tăng ni, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước được tiếp cận đến hệ thống dữ liệu số toàn vẹn và đầy đủ, phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu, phục dựng, phát huy giá trị".

Di sản văn hóa Phật giáo là một bộ phận quan trọng của di sản văn hóa dân tộc, gắn liền với đời sống văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo của các cộng đồng dân cư. Vì vậy, sự nghiệp bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Phật giáo trước thực trạng hiện nay càng trở nên cấp thiết. Cần phải được đánh giá, thực hiện một cách khoa học, bài bản, đồng bộ các giải pháp… cũng như sự vào cuộc nhiệt thành, trách nhiệm của tất cả các bên liên quan để góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo nguồn sức mạnh nội sinh, yếu tố quan trọng hàng đầu của đất nước trong thời kỳ hội nhập, phát triển./.

Bên cạnh hội thảo, chương trình có diễn ra triển lãm trưng bày gần 300 tư liệu, hình ảnh, trong đó chủ yếu là hình ảnh từ kết quả của 3 đợt khảo sát và tư liệu của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Viện Bảo tồn di tích.

Triển lãm tập trung giới thiệu 3 nội dung: giới thiệu một số hình ảnh hiện vật kiến trúc Phật giáo hiện lưu giữ tại BTLSQG; đặc trưng tiêu biểu của kiến trúc Phật giáo Việt Nam: giới thiệu các hình ảnh, tư liệu bản vẽ (không gian cảnh quan, bố cục mặt bằng, các công năng chính…)kiến trúc Phật giáo của từng hệ phái, vùng, miền; một số hình ảnh kiến trúc Phật giáo Việt Nam được xây dựng trong những năm gần đây: chùa ở đô thị; chùa được quy hoạch, xây dựng lại trên nền/vị trí chùa cũ; chùa xây dựng mới…

Triển lãm được diễn ra đến hết ngày 15/5 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.


Thương Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ