• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thống nhất tiếp tục tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn

Văn hoá 07/09/2017 15:37

(Tổ Quốc) - Tọa đàm Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng do Bộ VHTTDL tổ chức ngày 7/9 đã thống nhất tiếp tục tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Vấn đề mà các nhà quản lý, các nhà khoa học đặt ra là làm thế nào để lễ hội chọi trâu đảm bảo an toàn, phát huy được giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp vốn có.

Cần tôn trọng sự khác biệt trong di sản văn hóa

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của quốc gia. Bắt nguồn từ một tục lệ cổ xưa của người dân vùng đất Đồ Sơn, năm 1990, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được phục hồi và liên tục được tổ chức đến ngày hôm nay. Quá trình phục hồi và tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã đáp ứng được nguyện vọng và nhu cầu đời sống tinh thần của người dân Đồ Sơn và Hải Phòng, đồng thời giúp quảng bá hình ảnh vùng đất, con người của Đồ Sơn nói riêng, Hải Phòng nói chung.

Các đại biểu thống nhất tiếp tục tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn song cần điều chỉnh các thức tổ chức (ảnh Hà An)

 

Tuy nhiên, cũng giống như nhiều lễ hội được phục hồi khác trong thời gian vừa qua, việc tổ chức, quản lý lễ hội chọi trâu Đồ Sơn cũng gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc. Sự việc diễn ra gần đây nhất trong vòng loại chọi trâu ngày 1/7 là bài học kinh nghiệm sâu sắc cho không chỉ các nhà quản lý ở Đồ Sơn, Hải Phòng, mà còn ở cả các địa phương khác và trên cả nước.

Tuy nhiên, không thể vì chưa tổ chức tốt mà cấm tổ chức lễ hội chọi trâu. Đây là quan điểm được nhiều nhà khoa học đồng thuận.

Theo GS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam bày tỏ: “Cội nguồn chọi trâu nằm sâu trong tiềm thức của người dân. Chúng ta không có lý do gì để từ chối tổ chức. Chúng tôi mong Bộ VHTTDL chỉ đạo để địa phương tổ chức, quản lý cho tốt lên”.

GS Tô Ngọc Thanh cũng cho rằng, cần trả lại chọi trâu cho nhân dân Đồ Sơn. “Rất nhiều người kêu về chọi trâu bởi nếu muốn tham gia thì tự nguyện đóng mấy chục triệu. Mua con trâu xong mất 200-300 triệu mới được đứng vào hàng ngũ chọi trâu. Rõ ràng, lễ hội đang bị thương mại hoá. Điều này có trách nhiệm của địa phương. Phải làm thế nào cho nó trở lại trong sạch, trong sáng”-GS Tô Ngọc Thanh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS Trần Hữu Sơn- Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian cho rằng, không thể duy ý chí trong quản lý văn hóa và phải tôn trọng sự khác biệt trong văn hóa. “Lễ hội chọi trâu có tồn tại hay không do cộng đồng người dân địa phương quyết định. Hai yếu tố tác động mạnh đến lễ hội chọi trâu là mục đích và chức năng của chọi trâu hiện nay đã bị khác hẳn đi. Điều này là do địa phương quản lý yếu kém”- TS Trần Hữu Sơn nhận định.

Ông Sơn cũng cho rằng, Lễ hội chọi trâu đang tận thu quá nhiều. Trong khi điều cần thiết nhất là phát huy giá trị, thương hiệu của chọi trâu thành sản phẩm du lịch thì chưa làm được.

GS. TS Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia cũng khẳng định, lễ hội chọi trâu có giá trị đặc biệt trong đời sống nhân dân Hải Phòng và dù có công nhận hay không, đó vấn là di sản văn hóa quốc gia. GS.TS Vũ Minh Giang khẳng định: “Đã là di sản văn hoá thì không so bì cao thấp, văn minh hay man rợ, bởi văn hoá có tính vùng miền”.

GS.TS Vũ Minh Giang cũng khẳng định Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn có trong lịch sử văn hóa dân tộc hàng mấy trăm năm nay, gắn với nhiều tầng nấc huyền thoại, không thể bằng một quyết định là bỏ hay không bỏ. Cần duy trì và phát huy giá trị tốt đẹp của lễ hội này lên”.

Giảm quy mô lễ hội chọi trâu

Thống nhất tiếp tục tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn Hải Phòng trong năm nay, tuy nhiên, các nhà khoa học cũng yêu cầu địa phương nâng cao hiệu quả trong quản lý, tổ chức lễ hội này.

GS Nguyễn Chí Bền, Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam cho biết: “Tôi hoàn toàn ủng hộ việc tiếp tục duy trì Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn nhưng tôi không đồng ý với cách tổ chức như cũ. Dứt khoát phải đổi mới mô hình tổ chức Lễ hội này”.

GS Nguyễn Chí Bền cũng cho rằng, đối tượng của lễ hội này là con vật, tất cả mọi tình huống đều có thể xảy ra. Vì vậy, để tiếp tục tổ chức lễ hội này, cần phải xây dựng đề án đổi mới lễ hội chọi trâu Đồ Sơn.  “Đề án này phải xây dựng và xử lý được mối quan hệ giữa nhà khoa học – nhà quản lý – cộng đồng. Bên cạnh đó, phải có sự vào cuộc giám sát của báo chí, truyền thông”- GS Nguyễn Chí Bền chia sẻ.

Ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh Thanh tra Bộ VHTTDL cũng cho rằng, nếu tiếp tục tổ chức, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn không được bán vé. “Đã là lễ hội thì không được bán vé. Đặc biệt, phải có biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người tham gia lễ hội. Ngoài ra, phải giám sát được tình trạng trục lợi. Nếu địa phương giám sát, đáp ứng được đúng yêu cầu thì lễ hội chọi trâu sẽ thành công tốt đẹp”.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cho biết: “ Các ý kiến tại Tọa đàm đều thống nhất đề nghị tiếp tục tổ chức chọi trâu Đồ Sơn nhưng tất cả các ý kiến cũng đề nghị phải điều chỉnh lễ hội cho phù hợp”.

Thứ trưởng khẳng định: “Trong dịp tổ chức tới (ngày 9/8/2017 âm lịch) Lễ hội chọi trâu cần phải được điều chỉnh quy mô theo hướng thu gọn: không tổ chức vòng đấu loại, giảm số lượng trâu tham gia chọi, chỉ để mỗi phường một trâu tham gia chọi (giới hạn quy mô có 8 cặp đấu). Những năm tiếp theo tiếp tục giảm quy mô lễ hội theo lộ trình”.

Thứ trưởng cũng yêu cầu địa phương tuyên truyền, vận động chủ trâu không giết trâu để bán, nếu chưa thực hiện được thì phải có khoanh vùng bán thịt trâu chọi, phải có kiểm định chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, niêm yết mức giá, địa điểm bán thịt trâu, địa phương phải tăng cường rà soát, quản lý, khoanh vùng các đối tượng có biểu hiện cờ bạc, cá cược tại Lễ hội. Với việc đóng tiền chọi trâu quá cao, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng yêu cầu phải có cách thức xử lý phù hợp, làm sao để hài hoà lợi ích của nhà tổ chức và cộng đồng người dân.

“Từ nay đến cuối năm 2017, đề nghị UBND TP Hải Phòng phối hợp cùng chúng tôi xây dựng đề án chấn chỉnh đối với công tác quản lý lễ hội chọi trâu Đồ Sơn một cách phù hợp, để có cơ sở tổ chức thực hiện trong những năm tới. Trong đó xác định được quy mô, quy trình, trách nhiệm của các bên tham gia. Nếu địa phương xác định lễ hội là sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh thì xây dựng các giải pháp theo đề xuất góp ý của các nhà khoa học để phát triển hài hòa”.

Thứ trưởng yêu cầu, trong năm 2018 sẽ hoàn thiện đề án tổng thể về lễ hội chọi trâu Đồ Sơn./.

 

 

Hà An

NỔI BẬT TRANG CHỦ