• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

GS Trần Lâm Biền: Lễ hội chọi trâu đã bị nhạt phai giá trị

Văn hoá 03/07/2017 06:30

(Tổ Quốc) - Chỉ chú trọng phần hội (chọi trâu) mà không chú trọng những giá trị tinh thần nghĩa là không làm đúng, không phát huy giá trị tinh thần, ý nghĩa văn hóa của Lễ hội chọi trâu.

GS Trần Lâm Biền nhận định về cách thức tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn hiện nay và đề nghị cần nghiên cứu hình thức phát huy giá trị văn hóa, ý nghĩa tốt đẹp của Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia này.

“Lễ hội chọi trâu đầy chất văn hóa, mang giá trị biểu tượng, muốn gìn giữ, phát huy được giá trị của Lễ hội chọi trâu, phải hiểu lễ hội chọi trâu là gì”- GS Trần Lâm Biền nhấn mạnh.

GS Trần Lâm Biền: Cần khôi phục giá trị tinh thần, phần lễ của Lễ hội và trả lại Lễ hội về đúng không gian văn hóa của nó (ảnh Dạ Minh)

Theo GS Trần Lâm Biền, theo truyền thuyết, vào ngày hội dịp trăng thượng tuần thường xảy ra hiện tượng thủy triều lên xuống. Trong một dịp như vậy, có hai con trâu chạy từ dưới biển lên và chọi nhau (tượng trưng cho thủy triều lên), chọi chán chúng chạy xuống biển (thủy triều rút). Cho nên, con trâu trong lễ hội chọi trâu đại diện cho thủy triều, liên quan đến mặt trăng.

Bên cạnh đó, hình tượng trâu có sừng hình trăng lưỡi liềm, vai, hông trâu có khoáy biểu tượng cho sức mạnh của sấm chớp, mưa gió… Người xưa tạo nên hội chọi trâu như là một cách cầu mong trời đất cho thủy triều lên xuống hợp lý, tạo thuận lợi cho thuyền bè đi xa, cho mưa thuận gió hòa. Ngày xưa, con trâu đi chọi là của cả làng, nếu chiến thắng thì là vinh dự của cả làng. Dân gian tin rằng, làng nào có trâu thắng thì mọi sự của làng năm đó hanh thông, tốt lành, mùa màng bội thu”.

GS Trần Lâm Biền cũng cho biết, con trâu thắng được đưa lên mảng, kéo ra biển, làm vật tế thần biển, mong thần biển phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng. Ngoài ra, con trâu gắn với nông nghiệp, với tục thờ mặt trăng, tạo sự sinh sôi nảy nở với ý nghĩa phồn thực, cầu mong nhân khang vật thịnh.

Ở vùng Hiếu Giang, Thạch Hãn, Quảng Trị, cách bờ biển khoảng 10 km, người ta chọi trâu bằng cách để hai người đàn ông khỏe mạnh đội 2 đầu con trâu giả vào để húc nhau. Lúc đó, hiện tượng chọi đó đã được nhân lên thành giá trị văn hóa nhất định. Và những giá trị tốt đẹp đó, theo GS Trần Lâm Biền, cần được tuyên truyền mạnh mẽ trong nhân dân, trong phần lễ của Lễ hội chọi trâu để du khách cũng như người dân hiểu.

Những giá trị tốt đẹp của chọi trâu đang nhạt phai ý nghĩa

“Nhưng giá trị tốt đẹp của lễ hội chọi trâu bây giờ đã nhạt phai ý nghĩa. Thay vào đó là hiện tượng lợi dụng, bóp méo văn hóa truyền thống, lễ hội, với mục đích trục lợi mà thôi”- GS Trần Lâm Biền chia sẻ.

“Lễ hội chọi trâu truyền thống thật sự rất đẹp, giàu giá trị nhưng người thực hiện lễ hội ngày nay lại đang không hiểu về giá trị lễ hội, chỉ giữ lại tính hội (chọi trâu) chứ không giữ gìn phát huy giá trị tinh thần tốt đẹp. Phần chọi trâu chỉ thúc đẩy tính hiếu kỳ, núp bóng là tinh thần thượng võ, nhưng lại có hiện tượng lợi dụng, bóp méo văn hóa truyền thống, văn hóa lễ hội để kiếm tiền. Ngày nay, thịt của các con trâu chiến thắng được bán với giá vài triệu đồng một kg. Nếu hiểu giá trị lễ hội chọi trâu với tính thiêng liêng, ý nghĩa tốt đẹp của nó thì mới là văn hóa. Nếu không, chỉ là sự hiếu kỳ và tính tàn bạo, là sản phẩm vô văn hóa, lợi dụng truyền thống, làm méo mó bản sắc văn hóa dân tộc”- GS Biền khẳng định.

Quan điểm tạm dừng Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn 2017 được nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, GS Trần Lâm Biền ủng hộ.

Theo GS Trần Lâm Biền, hiện nay, các cơ quan có thẩm quyền chưa đi sâu nghiên cứu vấn đề này. Vì vậy, tới khi có sự việc xảy ra trở nên lúng túng trong xử lý. Phải hiểu sâu sắc, cặn kẽ thì mới có cách quản lý đúng đắn, rõ ràng và hợp lý nhất. GS Biền đề nghị, để gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của Lễ hội chọi trâu, cần khôi phục giá trị tinh thần, phần lễ của Lễ hội và trả lại Lễ hội về đúng không gian văn hóa của nó./.

 

Dạ Minh

NỔI BẬT TRANG CHỦ