(Tổ Quốc) - Đầu tháng 3 vừa qua, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL phối hợp với Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia đã tổ chức Hội thảo khoa học “Di sản văn hóa với phát triển bền vững”. Trong đó, với góc nhìn về sự phát triển bền vững di sản văn hóa từ lễ hội, GS.TS Lê Hồng Lý - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đã có những phân tích về việc xử lý các lễ hội “phản cảm” và các lễ hội có hành động “phản cảm”.
Chúng tôi lược ghi lại ý kiến của GS. TS Lê Hồng Lý với mong muốn góp thêm ý kiến trong việc nhìn nhận toàn diện hơn trong công tác tổ chức, quản lý lễ hội.
Lễ hội đem lại giá trị kinh tế, lịch sử không nhỏ
Lễ hội truyền thống, tự thân nó có sức hấp dẫn vô cùng lớn. Với sự tham gia của hàng vạn người, giữa một diễn trường rộng lớn là một niềm ước mơ cho các nhà tổ chức lễ thời hiện đại. Bản thân hiện tượng văn hóa này có thể thu hút số lượng khách tham dự vô cùng đông đảo. Một người nước ngoài khi tham dự hội Đền Hùng nằm 2010 thốt lên: “Nếu các nhà tổ chức nước tôi có được một lễ hội của các bạn, họ sẽ hái ra tiền. Chỉ cần một người dự hội mua cho họ một chai Coca Cola”.
GS.TS Lê Hồng Lý: Những tục lệ, mà ngày nay chúng ta gọi là “hủ tục”, “phản cảm” ấy có nguồn gốc lịch sử của nó và có giá trị không hề nhỏ đối với khoa học (ảnh Hồng Hà) |
Trước hết, cần phải khẳng định, lễ hội truyền thống của Việt Nam nói chung là những giá trị văn hóa phi vật thể, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng và góp phần to lớn vào quá trình phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Trong một khía cạnh khác, những lễ hội truyền thống mang tính “phản cảm” đó là những phản xạ về một thời xa xưa của nền văn hóa các tộc người, những phong tục vô cùng độc đáo của họ. Bởi vì qua đây, các nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa còn có thể tìm được những tư liệu gốc và sự hình thành và phát triển văn hóa rất cổ xưa của mỗi tộc người. Những tục lệ mà chúng ta thấy ngày nay ở các địa phương như tục rước sinh thực khí, chém lợn, đập đầu trâu, “nồi da nấu thịt”, “tục rước tiếng hú”... là những tục lệ còn mang đậm chất nguyên sơ của con người khi còn sơ khai. Những điều này ở các xã hội có nền công nghiệp tiên tiến không đâu còn tồn tại, nên qua đó những nhà nghiên cứu có thể tìm thấy nguồn cội của rất nhiều tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa, tục hèm, kiêng kỵ… của thời bình minh lịch sử loài người. Như vậy, cần phải khẳng định rằng những tục lệ, mà ngày nay chúng ta gọi là “hủ tục”, “phản cảm” ấy có nguồn gốc lịch sử của nó và có giá trị không hề nhỏ đối với khoa học.
Ứng xử với các lễ hội “phản cảm”
Về những lễ hội liên quan đến hiến sinh: Trước hết, cần phải khẳng định ngay là những lễ hội của chúng ta như chọi trâu chém lợn, đập đầu trâu hay đâm trâu… không có gì là sai, là lạc hậu hay phản cảm nếu nhìn nhận chúng một cách khoa học và dưới con mắt lịch sử. Thậm chí, nó còn có những giá trị không hề nhỏ đối với văn hóa nước nhà và thế giới.
Lễ hội truyền thống, với sự tham gia của hàng vạn người, giữa một diễn trường rộng lớn là một niềm ước mơ cho các nhà tổ chức lễ thời hiện đại (ảnh Anh Tuấn) |
Tuy nhiên, đứng trước nhu cầu của sự hội nhập quốc tế và sự thay đổi của xã hội hiện đại, những gì không còn là phù hợp với xã hội mới chúng ta cũng cần xem xét, điều chỉnh. Vấn đề làm sao để không vi phạm những quyền cơ bản của con người, mang tính nhân bản được toàn thế giới công nhận, tránh việc một mình một kiểu không giống ai trên thế giới.
Quan điểm của chúng tôi trước hết là tôn trọng vai trò của chủ thể trong hiện tượng văn hóa này, vì văn hóa cho họ, vì họ mà không phải vì ai khác. Cho nên cần xem quan điểm của người dân thế nào, họ có đồng ý không? Nếu thay đổi thì ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của họ ra sao? Họ suy nghĩ như thế nào về vấn đề này? Cuối cùng, nếu phải thay đổi thì cần sự thuyết phục, thỏa hiệp giữa các nhà quản lý, chính quyền và nhân dân địa phương. Muốn vậy phải nghiên cứu, vân động, thỏa hiệp, trao đổi với cộng đồng… Từ đó, đưa ra những giải pháp tối ưu nhất, có thể thỏa mãn được tất cả các bên, mà theo quan điểm quốc tế hiện nay là các bên đều thắng.
Thay vì việc đâm trâu, đập trâu thật (sau khi có sự bàn bạc với bà con địa phương), nên chăng có thể được làm thành biểu tượng qua một biểu diễn nghi lễ (qua trình diễn hay múa nghi lễ) mô tả hành động này. Sau đó trâu vẫn được giết thịt và đầu trâu được đem vào ban thờ tế thần. Vấn đề ở đây là nhận thức cần làm như thế nào để bảo đảm được tính thiêng, không lừa dối thần linh mà vẫn đạt hiệu quả cao nhất là đảm bảo nghi lễ của cộng đồng và người dân không cảm thấy bị “sái sẩm” đối với thần linh.
Thực tế những việc làm năm 2016 của hội làng Ném Thượng đã cho thấy một ví dụ về sự thành công đó. Có thể lúc đầu những nghi lễ hay trò diễn mới này sẽ chưa phải hay, chưa được chấp nhận một cách thoải mái, song dần dần sẽ trở thành bình thường, nếu phù hợp với người dân và họ có thể thay đổi, chỉnh sửa cho phù hợp. Một thí dụ thành công ở hội làng Lệ Mật, Gia Lâm, Hà Nội trước đây đã cho thấy điều đó. Điệu múa rắn nổi tiếng mà chúng ta thấy ngày nay thực ra cũng chỉ mới xuất hiện vào những năm 70 của thế kỉ trước do các nhà quản lý của Sở VHTTDL Hà Nội và một số biên đạo múa dựng lên. Nhưng đến hôm nay nó đã trở thành một trò diễn nghi lễ không thể thiếu trong hội làng Lệ Mật, nhằm mô tả công lao của chàng trai họ Đoàn đánh thủy quái trên sông Hồng cứu công chúa nhà Lý.
Chuyện đau lòng và phản cảm như ta thấy gần đây ở Sóc Sơn, Hiền Quan, Gia Lâm không hề xảy ra trong quá khứ (ảnh Lễ hội Phết Hiền Quan năm 2016- Anh Tuấn) |
Về các lễ hội có các hành động phản cảm. Có thể nói ngay là chưa bao giờ quy mô của hội như Phết Hiền Quan, hội Gióng Gia Lâm và Sóc Sơn, Khai ấn đền Trần và nhiều lễ hội truyền thống khác lại có quy mô lớn như thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, có một điều cần khẳng định là hội xưa chỉ của một làng hay cùng lắm là một vùng, và dù có một vùng thì chủ yếu cũng chỉ do người làng tổ chức và đảm trách. Nhấn mạnh điều này để khẳng định vai trò của làng, mà nay có thể là một xã trong việc tổ chức lễ hội. Bởi vậy, hội xưa dù có “vỡ đầu” như hội ném đá ở Mỹ Đức, Chùa Hương hay tả tơi do cướp khước cầu may ở hội Gióng Phù Đổng hoặc Sóc Sơn và nhiều lễ hội khác, thì chuyện đau lòng và phản cảm như ta thấy gần đây ở Sóc Sơn, Hiền Quan, Gia Lâm không hề xảy ra trong quá khứ.
Bởi vì làng nào cũng có lệ, có hương ước của mình nhằm tránh những bất cập không đáng có. Do vậy, thiết nghĩ những chuyện không hay ở Hiền Quan là vấn đề tổ chức. Trước đây, hội của Làng, người trong làng biết hết nhau, làng nào cũng có tục lệ, hương ước riêng của mình, những luật tục này kiềm chế, điều chỉnh các quan hệ xã hội, sự ổn định trong làng. Người ngoài vào dự hội cũng chỉ là khách và “nhập gia tùy tục”, vả lại có là người ngoài thì người trong vùng hầu hết là quen biết lẫn nhau. Ngày nay, do điều kiện giao thông thuận lợi, số người dự hội đã tăng lên đáng kể. Vì thế, vấn đề tổ chức đòi hỏi phải được chuẩn bị hết sức công phu, chu đáo và tốn kém, nhưng phải đảm bảo làm sao tránh được những ảnh hưởng không tốt nếu sự tham gia chính quyền quá lộ liễu, sự can thiệp quá sâu.
Bởi vậy, GS.TS Lê Hồng Lý đưa ra những việc cần làm để hạn chế các yếu tố phản cảm trong lễ hội. Theo đó, cần nghiên cứu kỹ diễn biến lễ hội trong quá khứ một cách đầy đủ, chi tiết, bài bản và khoa học. Tiến hành tư liệu hóa lễ hội truyền thống như hướng dẫn của UNESCO.
Trên cơ sở đó khai thác triệt để lễ hội với vai trò của làng trong việc tổ chức và tham gia của cộng đồng cư dân.
Nghiên cứu cách thực hành lễ hội trước đây các nhóm tham gia thực hiện nghi lễ, diễn trò, hoạt động thi tài, giật giải là những ai? Theo giáp hay theo xóm, thôn hay người ngoài làng?...
Vai trò và sự tham gia của người ngoài làng và khách thập phương như thế nào?
Những quy định, tục lệ, thể thức để tổ chức và quản lý các lễ hội đó ra sao?
Những hình phạt như thế nào đối với những giáp, xóm, dòng họ , cá nhân vi phạm luật lệ của làng như thế nào?
Vai trò của chính quyền ra sao? Với điều kiện hiện nay, không thể không có vai trò của chính quyền với các cơ quan bảo vệ pháp luật, tuy nhiên mức tham gia đến đâu?
Vai trò của các tổ chức xã hội, các mạnh thường quân trong vấn đề xã hội hóa các thực hành xã hội.
Trên cơ sở của một nghiên cứu, điều tra tỉ mỉ, tiến hành cuộc thảo luận, tham vấn giữa dân làng và chính quyền cùng các nhà quản lí, các nhà nghiên cứu để đưa ra một kịch bản cho lễ hội.
Cuối cùng, theo GS.TS Lê Hồng Lý, để tránh xảy ra những điều đáng tiếc, cần có sự bàn bạc, thảo luận chặt chẽ giữa cộng đồng và chính quyền các cấp một cách chi tiết, tỉ mỉ./.