• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ kiểm tra triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới của Hà Nội

Giáo dục 15/04/2022 08:31

(Tổ Quốc) - Ngày 14/4, tại huyện Mê Linh, thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cùng đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã đến kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ giáo dục phổ thông năm học 2021-2022 và triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 của thành phố Hà Nội.

Buổi làm việc kết hợp giữa hai hình thức trực tiếp và trực tuyến. Cùng tham dự buổi làm việc có ông Trần Thế Cương – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thành phố Hà Nội; ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám Sở GD&ĐT Thành phố Hà Nội; lãnh đạo Phòng GD&ĐT các quận, huyện và một số cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố.

Dự buổi làm việc, đại biểu huyện Mê Linh có ông Nguyễn Thanh Liêm - Bí thư Huyện ủy;  ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; lãnh đạo một số phòng, ban, đơn vị thuộc huyện; Hiệu trưởng một số trường Tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn huyện.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ kiểm tra triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới của Hà Nội - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Hữu Độ phát biểu tại buổi làm việc

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngay sau ngày khai giảng năm học mới 2021-2022, Sở đã chỉ đạo các nhà trường tổ chức dạy và học trực tuyến theo đúng chương trình, kế hoạch của năm học. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát tùy vào mức độ dịch của từng địa phương, Sở đã đề nghị UBND thành phố cho một số trường học trực tiếp trở lại, đến nay 100% các trường học trên địa bàn Thành phố đón học sinh học trực tiếp.

Về triển khai chương trình GDPT 2018, Thành phố Hà Nội đã có các bước chuẩn bị phù hợp với điều kiện thực tế của Thủ đô. Quá trình triển khai 2 năm đầu tiên ở lớp 1, lớp 2, lớp 6 được đánh giá đạt yêu cầu đề ra, cả về điều kiện thực hiện, nỗ lực, tinh thần sẵn sàng đổi mới của đội ngũ giáo viên và chất lượng giáo dục học sinh.

Hiện nay, ngành Giáo dục thủ đô đang tập trung cho việc chuẩn bị triển khai chương trình mới ở lớp 3, lớp 7, lớp 10 trong năm học 2022-2023. Một số khó khăn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, đặc biệt là năm đầu tiên triển khai với các môn bắt buộc ở lớp 3 và tự chọn ở lớp 10 đã và đang được ngành giáo dục Thành phố tập trung tháo gỡ.

Đối với tổ hợp các môn lựa chọn ở lớp 10, Sở GD& ĐT Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục dự kiến xây dựng một số tổ hợp 3 cụm chuyên đề của 3 môn học trong chương trình phù hợp với khả năng tổ chức của nhà trường. Đồng thời, chỉ đạo các nhà trường xây dựng phương án tổ chức cho học sinh đăng ký lựa chọn, sao cho vừa đáp ứng nhu cầu của học sinh, vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường. Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên dạy các môn nghệ thuật, Sở GD&ĐT Thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch bố trí, điều động giáo viên bảo đảm cân đối, hợp lý giữa các trường; chỉ đạo các trường THPT chủ động hợp đồng với một số giáo viên âm nhạc, mỹ thuật đang dạy ở các trường Đại học chuyên ngành, các trung tâm năng khiếu và các cơ sở giáo dục trên địa bàn nếu đủ điều kiện.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ kiểm tra triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới của Hà Nội - Ảnh 2.

Ông Hoàng Anh Tuấn- Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tham luận liên quan đến việc triển khai chương trình GDPT 2018 như: Khó khăn nguồn tuyển dụng giáo viên các môn âm nhạc, mỹ thuật; chất lượng nguồn tuyển; đội ngũ giáo viên dạy liên môn còn hạn chế,…

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao sự quan tâm sâu sắc, sự chỉ đạo quyết liệt của Thành phố Hà Nội đối với hoạt động GD&ĐT. Chương trình GDPT 2018 đã được Thành phố triển khai nghiêm túc, bài bản, khoa học, chất lượng. Trong đó, công tác bồi dưỡng giáo viên được Thành phố quan tâm và thực hiện tốt; cơ sở vật chất được quan tâm, chăm lo; công tác quản lý có nhiều đổi mới. Qua kiểm tra thực tế tại một số trường; các thầy, cô giáo không chỉ nắm vững chương trình đổi mới mà còn sẵn sàng tâm thế, tinh thần để triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 đạt hiệu quả cao nhất.

Về việc triển khai chương trình lớp 3, lớp 7, lớp 10 trong năm học 2022-2023, Đồng chí Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đặc biệt lưu ý tới việc chuẩn bị triển khai đối với lớp 10, bởi đây là lớp đầu tiên của bậc THPT thực hiện chương trình mới. Theo Đồng chí Thứ trưởng, bậc tiểu học và THCS đã có kinh nghiệm triển khai các lớp trước đó nhưng lớp 10 là bài toán mới nên cần chủ động  sẵn sàng triển khai thực hiện .

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ kiểm tra triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới của Hà Nội - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ GD&Đ, các lãnh đạo huyện Mê Linh dự giờ tiết học tại Trường Tiểu học Tiền Phong A, huyện Mê Linh

Đánh giá cao việc Hà Nội đã chủ động rà soát nhu cầu của học sinh để tính toán xây dựng các tổ hợp môn học lựa chọn, công bố công khai trước khi tuyển sinh lớp 10, Đồng chí Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, đây sẽ là căn cứ để tuyển sinh vừa đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của từng nhà trường; cùng với việc rà soát nhu cầu, cần tăng cường thêm tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh.

Hoan nghênh ngành Giáo dục Thủ đô đã cơ bản hoàn thành năm học 2021-2022, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19, vừa hoàn thành kế hoạch năm học và kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục. Thứ trưởng đề nghị Sở GD&ĐT, các Phòng GD&ĐT và các cơ sở giáo dục tiếp tục triển khai tốt nhiệm vụ các tháng còn lại của năm học, riêng học sinh lớp 12 cố gắng kết thúc năm học vào 31/5 theo đúng kế hoạch để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia dự kiến diễn ra vào tháng 7/2022.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị ngành GD&Đ Thành phố Hà Nội tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ giáo viên bởi đây chính là những người tạo ra thành công cho ngành giáo dục trong những năm qua. Bên cạnh đó, cần tăng cường đầu tư trang thiết bị, đồ dùng dạy học để học sinh được học thực hành, được trải nghiệm nhiều hơn; đồng thời các nhà trường phải quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học được đã đầu tư.

Thứ trưởng Bộ GD&Đ cũng ghi nhận và đánh giá cao Đảng bô, chính quyền huyện Mê Linh mà chủ chốt là đồng chí Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện đã quam tâm đầu tư cho ngành GD&ĐT của huyện nhà. Thứ trưởng cũng đề nghị Bí thư Huyện ủy trong nhiệm kỳ này chọn ra điểm nhấn " Năm giáo dục của huyện" để đưa ra những quyết sách lớn, tạo bước đột phá cho ngành giáo dục huyện nhà.

Trước đó, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT, các lãnh đạo Sở GD&ĐT Thành phố, các Đồng chí lãnh đạo Huyện Mê Linh đã tới kiểm tra thực tế tại Trường Tiểu học Tiền Phong A, Trường THCS Trưng Vương và Trường THPT Mê Linh, huyện Mê Linh. Tại đây đoàn đã tới dự giờ tại một số lớp, kiểm tra cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học và trao đổi với giáo viên, cán bộ quản lý các nhà trường về việc triển khai chương trình GDPT 2018. 

Một số hình ảnh Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, lãnh đạo Sở GD&ĐT Thành phố và lãnh đạo huyện Mê Linh cùng đoàn công tác đã kiểm tra tại một số trường trên địa bàn huyện về việc triển khai chương trình GDPT 2018:

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ kiểm tra triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới của Hà Nội - Ảnh 4.

Thứ Trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, lãnh đạo huyện Mê Linh cùng đoàn công tác của Bộ đến kiểm tra tại trường THCS Trưng Vương

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ kiểm tra triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới của Hà Nội - Ảnh 5.

Thứ Trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, lãnh đạo Sở GD&ĐT, lãnh đạo huyện Mê Linh cùng đoàn công tác của Bộ kiểm tra tại trường Tiểu học Tiền Phong A


NỔI BẬT TRANG CHỦ