(Tổ Quốc) - Ngày 12/1, tại Hải Phòng, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn lữ hành toàn quốc: Lữ hành Việt Nam 2021- Giải pháp khôi phục. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã tham dự Diễn đàn.
Hơn 500 đại biểu đại diện cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các hiệp hội du lịch, doanh nghiệp du lịch... đã tham dự Diễn đàn.
Theo Tổng cục Du lịch, trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lượng khách quốc tế đã giảm gần 80%, khách nội địa giảm 50%, doanh thu giảm gần 60% so với 2019. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh trên thế giới còn diễn biến phức tạp, ngành du lịch xác định, du lịch nội địa được coi là cứu cánh của ngành du lịch trong năm 2021.
Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho biết: “Qua Diễn đàn, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp lữ hành đã đưa ra giải pháp về việc vừa phòng chống dịch, vừa khôi phục kinh tế xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để ngành Du lịch khắc phục nhanh hậu quả của dịch Covid-19, triển khai khôi phục và phát triển Du lịch. Sẵn sàng triển khai nhanh nhất các kế hoạch khi điều kiện cho phép, trong bối cảnh vẫn thực hiện phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho xã hội, các doanh nghiệp Du lịch Việt Nam phấn đấu sớm đưa du lịch trở lại nhịp độ tăng trưởng của thời kỳ hoàng kim 2016- 2019”.
Cũng theo ông Bình, sự ưu việt của thương mại điện tử, của nền kinh tế chia sẻ vốn chưa thực sự đi vào cuộc sống thì nay, sau khi COVID-19 xuất hiện đã trở thành yếu tố bắt buộc đối với nhiều ngành kinh tế. Các quy định về giãn cách xã hội, tránh tiếp xúc trực tiếp… đã làm cho dịch vụ online trở thành một phương thức được ứng dụng rộng rãi nhất. Các công nghệ hiện đại như điện toán đám mây và internet vạn vật, thực tế ảo, block chain, trí tuệ nhân tạo khi ứng dụng vào các ngành đã làm thay đổi cơ bản hoạt động của ngành đó. Du lịch hiện nay là một trong số những ngành triển khai nhanh các công tác chuyển đổi số, ứng dụng nhanh các công nghệ hiện đại vào kinh doanh.
Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Flamingo Redtours cho rằng, năm 2021 xác định vẫn là năm khó khăn của ngành du lịch, vì vậy để khôi phục và phát triển du lịch thì vai trò của liên minh, liên kết phải đi vào chiều sâu, thực chất hơn nữa; hoạt động kích cầu cần bảo đảm thời gian đủ dài và quy mô đủ lớn; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, bổ sung thêm những giá trị mới nhằm kích thích nhu cầu ngoài yếu tố giảm giá.
“Chúng ta cần xác định du lịch trong nước là chiếc phao cứu sinh của ngành du lịch nói chung và lữ hành nói riêng trong năm 2021. Khi ‘miếng bánh’ chỉ gói gọn trong thị trường nội địa, du khách sẽ khắt khe hơn, đòi hỏi cao hơn về sản phẩm cũng như chất lượng dịch vụ. Giảm giá không còn là yếu tố hấp dẫn hàng đầu mà quan trọng hơn là sản phẩm cần có tính cá biệt hóa cao, đem lại nhiều giá trị, trải nghiệm thú vị từ đó kích thích nhu cầu du lịch của khách hàng. Bên cạnh đó, cần làm mới các điểm đến cũ, bổ sung thêm những dịch vụ gia tăng để thu hút khách chi tiêu quay trở lại nhiều lần...”, ông Hoan chia sẻ.
Để nâng tầm du lịch nội địa, đưa du lịch nội địa thành bộ phận chủ lực của du lịch Việt Nam, ông Lại Minh Duy, Tổng giám đốc Công ty Du lịch TST cũng khẳng định: "Không thể giảm giá thật sâu kèm theo giảm chất lượng sản phẩm mà nên bổ sung thêm những dịch vụ gia tăng để thu hút khách".
Theo ông Võ Tấn Tài, Phó Tổng giám đốc Saigon Tourist thì “phải tận dụng mọi cơ hội ‘biến nguy thành cơ’, hồi phục hiệu quả nhất, trong thời gian sớm nhất. An toàn trong dịch bệnh là lợi thế khác biệt nhất của Việt Nam và du lịch Việt Nam hiện nay và sau đại dịch”.
Đồng quan điểm này, ông Bùi Tuấn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Cát Hải (Hải Phòng) cho biết: "Mùa hè 2020, điểm đến Cát Bà được tìm kiếm nhiều nhất trên Google. Đây là một cơ hội cho Cát Bà phát triển du lịch. Chúng tôi cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để các công ty lữ hành Việt Nam đưa khách đến Cát Bà đồng thời làm tốt công tác kiểm soát để phòng dịch, tạo điểm đến an toàn cho du khách".
Còn ông Phùng Quang Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho rằng, du lịch gần nhà, du lịch một mình, du lịch không di chuyển… đang là xu hướng mới sau dịch COVID-19. Phát triển du lịch bền vững lúc này được đặt ra như một nhu cầu nhằm nâng cao nhận thức về du lịch bền vững, khác biệt hóa du lịch bền vững, marketing du lịch bền vững, quản trị du lịch bền vững…
Ghi nhận những ý kiến tại Diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: "Vừa qua, trong lĩnh vực du lịch, lữ hành là mảng gặp khó khăn nhất. Rất đau xót khi mỗi ngày Tổng cục Du lịch phải ký tới 15 quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành. Đành rằng việc doanh nghiệp hoạt động hay ngừng hoạt động là bình thường trong môi trường cạnh tranh khắc nghiệt này nhưng quả thật, doanh nghiệp lữ hành quá vất vả sau cơn bão COVID- 19. Trong khi đó, nếu không có doanh nghiệp lữ hành, không thể có một ngành Du lịch toàn diện, vì đây chính là sợi dây kết nối giữa nhà cung cấp dịch vụ du lịch và du khách. Tôi đồng tình với ý kiến của các doanh nghiệp về các giải pháp khôi phục và phát triển du lịch thời gian tới”.
Thứ trưởng cho rằng doanh nghiệp lữ hành phải tái cấu trúc chính mình. Có nhiều cách nhưng các doanh nghiệp phải cố gắng trong quản trị doanh nghiệp, hiểu thị trường, hiểu khách hàng và có cách thay đổi cho phù hợp. Trong tình hình dịch COVID-19 như hiện nay, khoan hãy nói đến việc đón khách quốc tế, trước mắt, cần quan tâm nhiều hơn đến khách trong nước, chăm chút cho đời sống tinh thần, nhu cầu du lịch của đồng bào mình, của thị trường tới gần 100 triệu dân, tìm ra những phân khúc riêng, có những sản phẩm khác biệt để phục vụ.
Các công ty lữ hành phải liên kết, kết nối sản phẩm, tạo ra sản phẩm, thay vào đó 1 tư duy mới, không phải là đếm lượt khách mà phải tính đến hiệu quả, chất lượng khách, tổng thu từ khách du lịch. Bên cạnh đó, một việc hết sức quan trọng là củng cố lực lượng, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho chính mình, khi điều kiện cho phép là “bung” ra ngay, tự tin đón bắt cơ hội mới.
Thứ trưởng cũng khẳng định, đến giờ này, không thể không chuyển đổi số, doanh nghiệp cần phải có sự chuẩn bị tốt nhất để thay đổi, phát triển du lịch thành ngành kinh tế số.
Đồng thời Thứ trưởng giao nhiệm vụ cho Tổng cục Du lịch bám sát hoạt động của doanh nghiệp, đề xuất những giải pháp thiết thực, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục, phát triển thời gian tới./.