(Tổ Quốc) - Ngày 31/12, Bộ Kế hoạch và Đầu tư long trọng tổ chức Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Ngành Kế hoạch và Đầu tư (31/12/1945 - 31/12/2020) và Lễ đón nhận Huân chương độc lập Hạng Nhất.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi Thư chúc mừng nhân kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập ngành Kế hoạch và Đầu tư. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự Lễ kỷ niệm.
Điểm lại lịch sử vẻ vang của ngành trong 75 năm qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, ngay từ khi Ủy ban Nghiên cứu Kế hoạch Kiến thiết, tiền thân của cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò, trọng trách và tầm quan trọng của công tác tham mưu, kế hoạch, kiến thiết. Người nhấn mạnh: “sự nghiệp kiến quốc cần phải có một chương trình cụ thể được nghiên cứu một cách kỹ càng” và giao nhiệm vụ “Nghiên cứu một kế hoạch thiết thực để kiến thiết quốc gia về các ngành kinh tế, tài chính, hành chính, xã hội, văn hóa và thảo ra những đề án kiến thiết đưa lên Chính phủ”.
Bộ trưởng nhấn mạnh, ngành Kế hoạch và Đầu tư luôn khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp, xứng đáng với niềm tin của Đảng và Nhà nước, hoàn thành xuất sắc mọi trọng trách được giao, góp phần quan trọng vào thắng lợi trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; từ một nước kém phát triển, thu nhập thấp trở thành quốc gia đang phát triển có mức thu nhập trung bình như ngày hôm nay.
Nhìn lại chặng đường 75 năm qua, trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, với mỗi tên gọi khác nhau, dù chức năng, nhiệm vụ có thay đổi, nhưng ngành Kế hoạch và Đầu tư luôn tự hào giữ vai trò tiên phong trong xây dựng tầm nhìn phát triển của đất nước, đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm để bảo đảm thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược; triển khai nhiều cải cách, đột phá, đóng góp đặc biệt quan trọng vào việc thực hiện các nhiệm vụ chiến lược mà Đảng và Nhà nước giao phó, trong đó nổi bật nhất là 03 nhiệm vụ chính trị then chốt, xuyên suốt cả chặng đường xây dựng và phát triển của ngành:
Một là, thực hiện tốt chức năng cơ bản của ngành là quản lý nhà nước về công tác chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội.
Hai là, thực hiện tốt chức năng tham mưu tổng hợp, chiến lược cho Đảng và Nhà nước về thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
Ba là, thực hiện tốt vai trò “tổng tham mưu trưởng”, chủ trì, điều phối, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trung ương và địa phương, tổ chức tốt công tác theo dõi, nắm bắt tình hình, nghiên cứu, xây dựng, tham mưu các giải pháp, chính sách trong điều hành, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, ứng phó với các biến động của bối cảnh trong nước và quốc tế, duy trì và thúc đẩy đà tăng trưởng nhanh, bền vững của nền kinh tế.
Ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê đã có những đóng góp không nhỏ trong công cuộc cải cách thể chế, tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, xây dựng và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng thông thoáng, cởi mở, theo hướng kiến tạo phát triển; chủ động tham mưu, đề xuất những giải pháp, chính sách có tính chất nền tảng để nền kinh tế vững tin tiến về phía trước, nhất là Chiến lược quốc gia về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia...
Với sự nỗ lực, đóng góp quan trọng của Ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê, đất nước chúng ta đã vững bước trên con đường đổi mới, gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng. Đến năm 2020, quy mô nền kinh tế nước ta đạt khoảng 343 tỷ USD và GDP bình quân đầu người đạt 3.521 USD.
Ghi nhận và biểu dương những thành tích xuất sắc mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đạt được trong lịch sử 75 năm qua, Thủ tướngNguyễn Xuân Phúc nêu ra 9 thách thức chủ yếu đối với sự phát triển đất nước, trong đó có những vấn đề như bối cảnh thế giới tiếp tục bất định, nhất là tác động của đại dịch Covid-19 và những căng thẳng địa chính trị mà chúng ta phải đối đầu; Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở cơ hội lớn cho các nước đang phát triển có thể đuổi kịp nước giàu, nhưng cũng đi kèm theo nhiều thách thức bị bỏ lại hoặc bị lệ thuộc lớn hơn vào nước giàu; Thế và lực của nước ta mặc dù đã mạnh hơn trước, nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhiều nút thắt vẫn chưa được khơi thông; Nguy cơ tụt hậu, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn rất lớn, nhất là một số nhóm yếu tố, nhóm dễ bị tổn thương trước biến động kinh tế; Vấn đề già hóa dân số với tốc độ nhanh chóng, tạo áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội nước nhà…
Thủ tướng cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải nhận diện những thách thức này để thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước năm 2025, 2030 và đặc biệt là phải có tầm nhìn đến năm 2045 với việc định vị rõ chức năng, vai trò. Bộ phải có tầm nhìn xa hơn các bộ, ngành khác, đi đầu trong đổi mới tư duy và lan tỏa tư duy đổi mới sáng tạo sang các bộ, ngành khác và các địa phương trong cả nước.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nêu định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030. Theo đó, ngay định hướng thứ nhất: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường; tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Bộ nào sẽ tiên phong cho Đảng, Chính phủ trong việc cụ thể hóa và thành công định hướng này nếu không phải là Bộ Kế hoạch và Đầu tư? Đó chắc chắn là Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Với tư cách là bộ “tổng tham mưu”, tôi đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải hiến kế để đạt được sự bứt phá các mục tiêu kinh tế xã hội năm 2021 cũng như những giai đoạn tiếp theo gắn với những mục tiêu và tầm nhìn mà Đại hội Đảng lần thứ XIII tới đây phải đặt ra".
Thủ tướng cũng đặc biệt nêu vai trò quan trọng và sát sườn của Sở Kế hoạch và Đầu tư ở 63 tỉnh, thành phố cả nước trong thực hiện nhiệm vụ, đồng thời nêu một số nhiệm vụ cụ thể với ngành: "Chúng ta từng nói thể chế, thể chế và thể chế là yếu tố quyết định với sự tăng trưởng đột phá của đất nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu như thế nào để thế chế pháp luật, chính sách trở thành đột phá cho các đột phá khác của Việt Nam hiện nay cũng như các năm tới. Thứ hai, làm sao để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo hơn nữa của kinh tế đất nước; làm sao biến tài nguyên đổi mới sáng tạo trở thành một tài nguyên mới vô tận cho sự phát triển bền vững. Thứ ba, làm sao để Việt Nam tránh các bẫy thu nhập trung bình, bẫy lao động giá rẻ, bẫy gia công giá trị thấp, thậm chí cả bẫy rác thải công nghiệp. Thứ tư làm sao để không ai bị bỏ lại phía sau trên đường phát triển, làm sao để tạo ra tăng trưởng bao trùm tốt hơn nữa."
Thủ tướng cũng nhắc đến việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương quan trọng Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội một cách đầy đủ, kịp thời và xuyên suốt, trong đó có những vấn đề làm sao để kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế; làm sao để thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng./.