(Tổ Quốc) - Sáng nay, 19/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ khai trương Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia (TTBCQG), Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và công bố dịch vụ công thứ 1.000 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng và 63 điểm cầu trên khắp cả nước.
Xu thế tất yếu nhằm công khai, minh bạch, đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, xây dựng và phát triển Chính phủ số là xu thế tất yếu, nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch của Chính phủ, đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động xã hội và là con đường đúng đắn để phát triển một đất nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.
“Do đó, chúng ta cần tiếp tục khẳng định một cách mạnh mẽ rằng năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia, là năm khởi động tiến trình hướng tới một "Việt Nam số" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Lưu ý một số vấn đề với các bộ, địa phương, cơ quan, Thủ tướng yêu cầu, cần tiếp tục đổi mới trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, gắn cải cách quản trị công với chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan Nhà nước. Thông tin dữ liệu phải thống nhất, theo tiêu chuẩn, hoạt động thông suốt, đem lại hiệu quả cao nhất.
Thúc đẩy mạnh mẽ cán bộ, công chức làm việc trên môi trường mạng; đào tạo, nâng cao năng lực công nghệ thông tin, trang bị kỹ năng số cần thiết để có những thay đổi nhanh chóng; ngày càng thích ứng với môi trường làm việc trên mạng.
“Trong thời gian tới, công chức, viên chức Nhà nước phải là những người tinh thông nghiệp vụ và giỏi về công nghệ” - Thủ tướng yêu cầu.
Không được làm đẹp số liệu để lấy thành tích
Về Cổng Dịch vụ công quốc gia, Thủ tướng yêu cầu cần hoàn thành việc tích hợp các dịch vụ công thiết yếu như xuất nhập khẩu, đất đai, xây dựng, khoáng sản, thuế, xử lý vi phạm hành chính, viện phí, học phí.
“Tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các tính năng của Cổng để bảo đảm phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu phải hoàn thành chỉ tiêu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2020.
Lưu ý các bộ, các ngành, các địa phương không được cát cứ thông tin, không được làm đẹp số liệu để lấy thành tích, Thủ tướng nêu rõ, thông tin dữ liệu cần được chính xác, tin cậy, minh bạch, thống nhất và cần đẩy mạnh số hóa liên thông, chia sẻ thông tin phải hướng tới xây dựng Chính phủ số liêm chính, minh bạch, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Ngay sau lễ khai trương, Thủ tướng yêu cầu Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành phải được vận hành hoạt động tốt và phát huy tác dụng tốt.
“Thủ tướng sẽ kiểm tra xem nó hoạt động như thế nào và hằng ngày Thủ tướng nhận được những báo cáo nào, những chỉ tiêu nào thể hiện qua Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia này” - Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh trước khi kết thúc bài phát biểu của mình.
Tại buổi lễ này, Văn phòng Chính phủ đã chính thức công bố tiếp tục tích hợp 3 dịch vụ công trực tuyến được người dân, DN quan tâm. Cụ thể là dịch vụ công thứ 1.000: Kê khai, nộp lệ phí trước bạ và nộp tờ khai đăng ký ô tô trực tuyến; dịch vụ công số 999: Liên thông đăng ký điều chỉnh đóng BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và báo cáo tình hình thay đổi lao động và dịch vụ công thứ 998: Đóng BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp.
Theo ước tính, tổng chi phí xã hội tiết kiệm được do Cổng Dịch vụ công Quốc gia đóng góp khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến (tính tại thời điểm tích hợp, cung cấp dịch vụ công thứ 1.000) là khoảng 6.722 tỷ đồng/năm.
Được biết, tính đến ngày 18/8/2020, đã có hơn 227.000 tài khoản đăng ký; hơn 58 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, thực hiện dịch vụ; hơn 14,3 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 246.000 hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng, tính trung bình hiện nay mỗi ngày làm việc Cổng tiếp nhận, xử lý khoảng 4.000 hồ sơ trực tuyến; tiếp nhận, xử lý hơn 23.000 cuộc gọi tới tổng đài và hơn 7.600 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.