(Tổ Quốc) - Chiều 18/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020.
- 07.01.2021 Dấu ấn tích cực trong công tác cải cách hành chính của Thủ đô Hà Nội
- 01.08.2020 Tổng kết chương trình tổng thể Cải cách hành chính Nhà nước
- 19.05.2020 Lần thứ 5 liên tiếp Ngân hàng Nhà nước đứng đầu về chỉ số cải cách hành chính
- 19.05.2020 Quảng Ninh đứng đầu cả nước về cải cách hành chính và hài lòng của người dân
- 08.04.2020 Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng là thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ
Báo cáo của Chính phủ cho biết, quá trình thực hiện cải cách hành chính (CCHC) thời gian qua gắn với triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020 đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước ta.
Theo đó, sau khi Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 được ban hành, các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương tới chính quyền địa phương các cấp đã triển khai thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hằng năm, Chính phủ, Ban Chỉ đạo đã đề ra các chương trình, kế hoạch CCHC mang tính toàn diện, đồng bộ và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng, triển khai kế hoạch CCHC một cách thiết thực, cụ thể, phù hợp với Chương trình tổng thể và thực tiễn của các bộ, tỉnh. Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, quán triệt các bộ, ngành, địa phương xác định CCHC là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là giải pháp quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình tổng thể, nhiều bộ, ngành và địa phương đã có những mô hình, sáng kiến mới được nghiên cứu, áp dụng có hiệu quả. Từ năm 2015 đến nay, các bộ, ngành đã có khoảng 461 mô hình, sáng kiến CCHC; các tỉnh có khoảng 6.124 mô hình, sáng kiến CCHC, trung bình mỗi năm, mỗi tỉnh có hơn 16 mô hình, sáng kiến.
Từ năm 2016 đến nay, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ đã kiểm tra hoặc kết hợp nội dung CCHC tại 3 bộ, 18 tỉnh; Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo đã kiểm tra CCHC, kiểm tra công vụ tại 11 bộ, 22 tỉnh; Thứ trưởng Bộ Nội vụ-Phó Trưởng ban Chỉ đạo kiểm tra CCHC tại 7 bộ, 12 tỉnh. Bộ Nội vụ và các thành viên Ban Chỉ đạo tại một số bộ, ngành cũng tổ chức các đoàn kiểm tra CCHC theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình.
Từ năm 2011 đến tháng 3/2020, các bộ, ngành đã kiểm tra khoảng 3.484 cơ quan, đơn vị, trung bình 348 cơ quan, đơn vị một năm. Trong đó, năm 2014, các bộ, ngành đã kiểm tra với số lượng các cơ quan, đơn vị lớn nhất là 466 cơ quan, đơn vị. Tại các địa phương, đã có hơn 19.800 cơ quan, đơn vị được kiểm tra trong cả giai đoạn 2011-2020. Giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2019, số lượng các cơ quan, đơn vị được kiểm tra cũng tăng lên qua từng năm, trong đó, năm 2019 có số lượng đơn vị được kiểm tra nhiều nhất với số lượng 2.950.
Công tác kiểm tra đã có tác động tích cực, tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hành động, kỷ luật, kỷ cương của người đứng đầu, đội ngũ công chức, viên chức trong triển khai CCHC của các bộ, ngành, địa phương và từng cơ quan, đơn vị trong hệ thống hành chính nhà nước. Nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc trong CCHC đã được xử lý kịp thời sau kiểm tra.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong 10 năm qua, chúng ta có 4 cuộc cải cách lớn, đó là cải cách giáo dục, cải cách tiền lương, cải cách hành chính và cải cách tư pháp. Trong đó, CCHC liên quan nhiều đến bộ máy, thể chế, đội ngũ, sự nghiệp công, tài chính công với nhiều nội dung liên quan đến con người và bộ máy, do đó, càng phức tạp.
Khái quát kết quả CCHC, Thủ tướng nêu rõ, công tác này đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển đất nước.
Thủ tướng cho rằng, chúng ta hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) và “chính các FTA này đã thúc đẩy chúng ta phải cải cách, nhất là CCHC”. Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế có mức độ cải thiện điểm số, tăng hạng tốt nhất toàn cầu. Một loạt chỉ số của Việt Nam được các cơ quan, tổ chức quốc tế đánh giá có sự cải thiện cả về điểm số và vị trí xếp hạng so với năm 2011. Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019, Việt Nam xếp thứ 67/141 quốc gia và nền kinh tế, tăng 10 bậc so với năm 2018, mức tăng cao nhất trên thế giới. Chỉ số Chính phủ điện tử năm 2020, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 86/193 quốc gia, tăng 2 bậc so với 2018, duy trì tăng hạng liên tục từ năm 2014 đến nay.
Thủ tướng nêu rõ, trong 10 năm qua, công tác cải cách thể chế được quan tâm chỉ đạo sát sao, hướng vào phục vụ người dân, doanh nghiệp, phục vụ sự phát triển, giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính. Trong giai đoạn 2011-2020, Chính phủ trình Quốc hội thông qua khoảng 200 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết, trong đó có nhiều văn bản mang tính nền tảng như Hiến pháp, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Điều ước quốc tế, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp… Chính phủ, Thủ tướng ban hành khoảng 2050 văn bản quy phạm pháp luật; chính quyền địa phương ban hành gần 9.000 văn bản…
Cải cách thủ tục hành chính được xác định là một khâu đột phá, đã được triển khai mạnh mẽ ở tất cả các cấp hành chính. Thủ tướng nhắc lại câu chuyện trước đây sản xuất 1 thanh sô cô la “tốn” 13 loại giấy phép, thì hiện nay đã cải cách, loại bỏ hết các giấy phép này, nhưng sô cô la vẫn được sản xuất nhiều hơn. Chúng ta đã cắt giảm, đơn giản hóa 63% điều kiện kinh doanh, 68% danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Việc triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã đạt được những kết quả rất tích cực, việc giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận tiện, giảm thiểu tình trạng chậm muộn, nhũng nhiễu, tỉ lệ giải quyết đúng hạn đạt 97,37%.
Cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước được đẩy mạnh; khắc phục về cơ bản những tồn tại, hạn chế trong giai đoạn trước. Ở Trung ương đã giảm 12 tổ chức cấp vụ và tương đương, giảm 4 tổng cục, 10 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ.
Về định hướng CCHC thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, thực hiện chiến lược số hóa với cơ sở dữ liệu dân cư tốt hơn.
Tăng cường kiểm tra giám sát xử lý nghiêm tổ chức cá nhân vi phạm, tăng cường tính công khai minh bạch để CCHC sát cơ sở, sát người dân, phục vụ người dân tốt hơn, “làm sao tiếng kêu của người dân, của doanh nghiệp ít đi”.
Công tác CCHC phải tiếp tục làm cho đất nước hùng mạnh, người dân, mọi tổ chức có khát vọng phát triển Việt Nam hùng cường vào năm 2045.
Thủ tướng yêu cầu quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.
Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030 trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.
Tăng cường thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện, cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm.
Đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động để tinh gọn đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải và trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập; rà soát, chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện sang công ty cổ phần, đơn vị tự chủ.
Đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách. Đổi mới mạnh mẽ lề lối, phương thức làm việc, thay đổi căn bản phương thức chỉ đạo điều hành, quản lý sang điện tử và dựa trên dữ liệu số; thực hiện chuyển đổi số quốc gia và xây dựng bộ máy hành chính nhà nước các cấp có đủ năng lực vận hành chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số./.