(Tổ Quốc) - “Kinh tế ban đêm là sự năng động của nền kinh tế trong bối cảnh mới của quốc tế, là thúc đẩy tiêu dùng và tăng trưởng. Khách du lịch đến Việt Nam như năm nay là 18 triệu, hầu hết là trái múi giờ, mình đi ngủ mà họ đi chơi. Sẽ không có thời cơ để hiểu biết về văn hóa, ẩm thực hay các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh ở Việt Nam”, Thủ tướng nói.
- 08.11.2019 Thủ tướng: "Thách thức lớn nhất của chúng ta là thiếu ý chí mạnh mẽ vươn lên"
- 23.10.2019 Đi tìm dư địa cho tăng trưởng du lịch: Tại sao chưa thắp sáng kinh tế ban đêm?
- 17.09.2019 TS Lương Hoài Nam: Kinh tế ban đêm không hẳn bị bỏ ngỏ, có điều làm tự phát
- 12.09.2019 Xây dựng các tổ hợp vui chơi giải trí về đêm là cách tiếp cận bền vững cho sự phát triển kinh tế ban đêm
Trong phần trả lời chất vấn của Quốc hội chiều nay 8/11, trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thể hiện sự nhất trí với việc phát triển cấu phần kinh tế này.
"Khách du lịch đến Việt Nam năm nay là 18 triệu, hầu hết là trái múi giờ, mình đi ngủ mà họ đi chơi. Nếu như vậy chúng ta sẽ không có thời cơ để phục vụ, để họ hiểu biết về văn hóa, ẩm thực hay các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh ở Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giải thích.
Thủ tướng bày tỏ mong muốn các trung tâm kinh tế, các thành phố lớn phát triển tốt kinh tế ban đêm. Có như vậy mới trả lời được câu hỏi: Làm gì để du khách đến đông hơn, ở lâu hơn? Làm gì để du khách tiêu tiền nhiều hơn? Làm gì để du khách kể về những trải nghiệm thú vị ở Việt Nam, nhất là về ban đêm? Làm gì để du khách quay trở lại sớm nhất có thể?
Thừa nhận, kinh tế ban đêm cũng có mặt trái, Thủ tướng cho rằng, các địa phương có điều kiện phát triển kinh tế ban đêm phải chú trọng công tác quản lý, đặc biệt không để tiêu cực xảy ra.
Cũng trong chiều nay, trả lời câu hỏi về phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng, nhà nước xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng phát triển đất nước.
Theo người đứng đầu Chính phủ, Việt Nam đã có trên 800 nghìn doanh nghiệp kinh tế tư nhân. Đến nay, kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 40% GDP. Cùng với đó, có nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân đổi mới khoa học công nghệ, đầu tư sản phẩm có giá trị cao, nhất là đã ứng dụng một số ứng dụng mới trong phát triển.
"Nhà nước tạo mọi điều kiện phát triển kinh tế tư nhân", Thủ tướng khẳng định./.