(Tổ Quốc) -Kết thúc hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 17/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ như vậy.
- 17.05.2017 Gần 10.000 đại biểu tham gia đối thoại của Thủ tướng với doanh nghiệp 2017
- 17.05.2017 “Hoài bão của tiền nhân sẽ là cảm hứng cho đội ngũ doanh nhân khởi nghiệp, phát triển”
- 17.05.2017 Đề xuất cho doanh nghiệp đóng góp tài chính vào Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch
- 17.05.2017 “Ở địa phương cán bộ đi chơi quá nhiều”
- 17.05.2017 Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nói gì về vụ 62 dự án bất động sản?
- 17.05.2017 Bí thư TP Hải Phòng không nhận được cuộc điện thoại hay tin nhắn nào từ bầu Đệ
- 17.05.2017 Doanh nhân trong buổi đối thoại với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Chính phủ, địa phương đã “gãi đúng chỗ ngứa”
Thủ tướng cho biết, các cơ quan tham mưu đã xây dựng ngay một Chỉ thị là không được thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp 1 năm quá 1 lần, thanh tra đột xuất khi vi phạm thì không được mở rộng. Chỉ thị này đã được ký ngay lúc 13h chiều nay, vào sổ công văn số 20 và sẽ được công bố ngay sau đây.
Tiếp theo Thủ tướng muốn nhấn mạnh một tinh thần lớn để các nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm rằng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ phải xây dựng và bảo đảm môi trường kinh doanh tốt, thân thiện với kinh doanh, có năng lực cạnh tranh cao; không chỉ có tự do kinh doanh, tự do sáng tạo mà còn an toàn với người đầu tư, kinh doanh, tài sản, vốn đầu tư; không chỉ chi phí giao dịch thấp mà còn rủi ro thấp; không chỉ độc quyền kinh doanh được kiểm soát mà còn chống hàng giả, hàng nhái hiệu quả để bảo đảm môi trường kinh doanh công bằng, hiệu quả; các nhà đầu tư, doanh nghiệp không chỉ được tôn trọng mà còn được vinh danh; môi trường kinh doanh có độ tin cậy cao, vững chắc để mọi người yên tâm đầu tư và mở rộng kinh doanh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Chỉ thị hạn chế kiểm tra doanh nghiệp được ký vào đầu giờ chiều 17/5. Ảnh: Chinhphu.vn |
Một năm sau hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp lần thứ nhất, Thủ tướng cho rằng, Chính phủ và các địa phương đã “gãi đúng chỗ” chứ không phải “ngứa trên đầu, gãi dưới chân”, mặc dù chưa hoàn thiện nhưng so với Hội nghị lần trước tổ chức tại TPHCM thì tính gay gắt đã giảm đi rất nhiều. Lần này chủ yếu là các ý kiến góp ý, cách làm cụ thể, phương pháp tính toán cụ thể để giảm phiền hà cho doanh nghiệp.
Cũng trong năm qua, 50 nghị định, nghị định về đầu tư kinh doanh, cải thiện điều kiện đầu tư kinh doanh; cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được ban hành; các bộ, các ngành tích cực rà soát cắt giảm nhiều thủ tục giấy phép, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Hợp tác quốc tế và xúc tiến đầu tư, điểm nhấn về mức tăng kỷ lục về xuất khẩu, khi các công ty tiếp tục giành được những đơn đặt hàng mới với thị trường quốc tế.
Thủ tướng cũng vui mừng cho biết, năm qua chúng ta đã thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, mục tiêu này đã tạo sức ép cho các địa phương và cả nước tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thuận lợi cho người dân khi tiến hành thủ tục thành lập doanh nghiệp.
Thứ năm, chúng ta đã đôn đốc kiểm tra với việc thành lập Tổ công tác theo dõi, kiểm tra các ngành, các địa phương.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra những rào cản: về thể chế chính sách, chưa giải quyết được các vấn đề còn mâu thuẫn trong các văn bản dưới luật, chính sách ban hành chưa đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Ví dụ tiêu chuẩn điều kiện yêu cầu trong một số lĩnhvực phòng cháy chữa cháy, đo không khí, chất thải, bảo vệ môi trường, vấn đề hợp chuẩn… thiếu minh bạch, tốn kém chi phí, sở hữu trí tuệ còn nhiều vấn đề. Để sản phẩm hàng hoá ra thị trường còn rất nhiều vướng, mất thời gian của doanh nghiệp.
“Tinh thần các vị nêu, Thủ tướng sẽ tiếp thu. Đó là phải xây dựng một thể chế chính sách bình đẳng giữa công và tư nhân, phù hợp với thông lệ quốc tế. Thể chế và chính sách về kinh tế cần tháo gỡ liên tục, tạo môi trường đầu tư minh bạch dễ dàng áp dụng”- Thủ tướng khẳng định và đề nghị DN, các hiệp hội cần góp ý xây dựng và tổ chức thực hiện, thực thi chính sách.
Năm nay sẽ tiếp tục giảm phí cho doanh nghiệp
Việc thứ hai còn tồn tại mà quý vị đã nói về thuế, phí còn cao, không chỉ những chi phí liên quan đến thủ tục hành chính mà còn liên quan đến phí sử dụng công trình BOT, bến bãi, cảng biển, cầu đường..., đặc biệt chi phí không chính thức, phí bôi trơn, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng, vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản đã thỏa thuận rất nhiều nhưng chưa xử lý triệt để được.
“Thuế phí cao cho doanh nghiệp là vấn đề chúng tôi rất trăn trở và sẽ có một chương trình hành động cụ thể sau”- Thủ tướng cam kết.
Ngoài ra, còn là các các vấn đề về thủ tục hành chính, tiếp cận tín dụng… Một số doanh nghiệp đề nghị, năm nay lựa chọn năm tiếp tục giảm phí cho doanh nghiệp.
Nhằm tiếp tục kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, khuyến khích đầu tư, bảo đảm thực thi pháp luật, Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm môi trường chính trị và vĩ mô ổn định, bảo đảm tinh thần thượng tôn pháp luật từ Trung ương đến địa phương; Theo đuổi mục tiêu phát triển bao trùm một cách xuyên suốt, nhất quán; Hoàn thiện, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba các dự án luật, trong đó có dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; nhanh chóng ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành…
Chính phủ tiếp tục rà soát các quy định và thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp như chi phí thủ tục hành chính về thuế, hải quan, giấy phép, phí BOT, chi phí về logicstic, chi phí sử dụng các công trình dịch vụ công, nhất là chi phí kiểm định, thẩm định, giám định, các chi phí kiểm tra khác của Nhà nước; Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt Nam
“Từng công chức, từng viên chức trong bộ máy nhà nước phải thông hiểu trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, nghiêm túc thực hiện, luôn sẵn sàng đồng hành bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính, nghiêm túc; bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Kết thúc phần phát biểu của mình, Thủ tướng cho rằng: “Tôi nghĩ rằng bình minh đang đến đất nước ta, tôi tin tưởng các bạn, những doanh nghiệp sẽ đóng góp cho bình minh rực sáng trên Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Với tinh thần đó, tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ xây dựng một hệ sinh thái lành mạnh, mà ở đó tất cả các thành phần kinh tế đều phát triển bình đẳng, kết nối và hỗ trợ nhau, đem lại sự thịnh vượng và phát triển kinh tế chung cho Việt Nam. Đó chính là tinh thần đồng hành mà tôi muốn nói đến ngày hôm nay”.