• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thủ tướng: Triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế

Thời sự 06/12/2023 17:06

(Tổ Quốc) - Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu trong nước... Triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Ngày 6/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2023.

Tại phiên họp, Chính phủ tập trung thảo luận về: Tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2023, tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, tình hình triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong tháng cuối năm 2023, dự thảo nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kết hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024.

Thủ tướng: Triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2023

Phát biểu kết luận, cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nhìn chung, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức từ cả bên ngoài và bên trong nhưng chúng ta đã nỗ lực phấn đấu, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra, đó là: Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; an sinh xã hội, đời sống nhân dân được cải thiện; chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; giữ gìn được môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước, góp phần củng cố tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng nêu rõ, sức ép lạm phát vẫn cao; tiếp cận tín dụng, thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn, vướng mắc; một số cơ quan, đơn vị, cá nhân còn ngại việc, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, sự quyết tâm, quyết liệt chưa cao…

Về bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nhấn mạnh cần nắm chắc tình hình thực tiễn, phản ứng chính sách khoa học, kịp thời, hiệu quả; đề cao trách nhiệm cá nhân, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị; cầu thị lắng nghe, điều chỉnh kịp thời; kết hợp sức mạnh bên trong và bên ngoài, nguồn lực trong nước và sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế.

Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 12 và thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu trước hết cần tập trung tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả, toàn diện các nghị quyết, kết luận của Trung ương; các luật, nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, đầu tư công năm 2024... đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6; các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chuẩn bị tốt các dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và các nghị quyết trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp bất thường sắp tới.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện quyết liệt nhiệm vụ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu chưa đạt trong kế hoạch năm 2023.

Xử lý hiệu quả các tồn tại, vướng mắc để phục hồi và phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, bền vững các thị trường, nhất là các sàn giao dịch bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, lao động, khoa học công nghệ..., bảo đảm công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình.

Thứ ba, tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng.

Về đầu tư, tập trung tạo thuận lợi thu hút, giải ngân các nguồn lực đầu tư của toàn xã hội (đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài và hợp tác công tư); quyết liệt xử lý vướng mắc, tích cực hỗ trợ đẩy nhanh triển khai các dự án đầu tư. Tăng cường xúc tiến, thu hút dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao. Đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là hàng nông, lâm, thủy sản sang các thị trường lớn, tiềm năng.

Về tiêu dùng, khai thác hiệu quả thị trường trong nước dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu trong nước... Triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Thủ tướng: Triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận cuộc họp.

Thứ tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh phê duyệt quy hoạch.

Phải hoàn thành phân bổ chi tiết toàn bộ số vốn đầu tư công kế hoạch 2023 còn lại trước ngày 10/12/2023. Quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc về cung ứng vật liệu xây dựng, giải phóng mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng đất rừng… để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, cao tốc, liên vùng, đường ven biển. Phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn năm 2023.

Thực hiện các thủ tục chuyển 13.796 tỷ đồng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 để bố trí dự toán, kế hoạch đầu tư công hằng năm cho Bộ Giao thông vận tải và 8 địa phương để triển khai thực hiện 3 dự án quan trọng quốc gia. Khẩn trương trình Chính phủ Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Thứ năm, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

Tiếp tục thực hiện quyết liệt, tổng thể và đồng bộ các chính sách, giải pháp về thuế, phí, tiền tệ, thương mại, đầu tư... đã ban hành. Sớm trình Chính phủ ban hành nghị định về việc giảm thuế VAT theo Nghị quyết của Quốc hội.

Các bộ, cơ quan, địa phương liên quan tập trung triển khai thực hiện Đề án 06 bảo đảm thực chất.

Thứ sáu, tập trung phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực chủ yếu.

Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo. Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy công nghiệp chế biến chế tạo, các ngành công nghiệp chủ lực; đẩy nhanh tiến độ các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, có tính lan tỏa mạnh mẽ. Chủ động triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng; kiên quyết không để thiếu điện, xăng dầu trong năm 2024.

Triển khai quyết liệt, bảo đảm tiến độ, chất lượng các đề án, nhiệm vụ, công việc được giao hoàn thành trong năm 2023. Hoàn thành 3 dự án đường bộ cao tốc với tổng chiều dài 70 km (cầu Mỹ Thuận 2, Mỹ Thuận-Cần Thơ, Tuyên Quang-Phú Thọ); hoàn thiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia… Thủ tướng hoan nghênh các cơ quan vừa qua đã làm tốt, đúng tiến độ việc nâng cấp sân bay Điện Biên.

Thúc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, nhất là lương thực, thực phẩm, phát triển công nghiệp chế biến nông sản và các mặt hàng nông sản chất lượng, giá trị gia tăng cao; tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu nông sản, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; quyết liệt tháo gỡ ách tắc, khắc phục "thẻ vàng" (IUU) của ngành thủy sản.

Về dịch vụ, du lịch, phát triển mạnh các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ cao (vận tải, logistics, giáo dục, y tế, ngân hàng…); có giải pháp cụ thể để tiết giảm chi phí vận tải, logistics; đẩy mạnh thu hút du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh xúc tiến du lịch các thị trường trọng điểm (Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Anh...).

Thứ bảy, chú trọng các lĩnh vực văn hoá, xã hội; làm tốt công tác an sinh xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân; bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền về chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng, phát triển văn hóa.

Thứ tám, đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Quyết liệt thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Kết luận số 48 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chú ý việc xử lý các tài sản, đất đai sau sắp xếp, chống lãng phí, tiêu cực.

Đăng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ