(Tổ Quốc) - Chiều 4/12, Sở Du lịch TP.HCM phối hợp cùng Sở VHTTDL các tỉnh Tây Bắc mở rộng tổ chức Hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch Tây Bắc – TP.HCM tại khách sạn Rex (Q.1, TP.HCM).
Hội nghị là hoạt động đáng chú ý nằm trong khuôn khổ "Tuần văn hóa – Du lịch Tây Bắc và TP.HCM năm 2023" nhằm giới thiệu, quảng bá đặc trưng, thế mạnh về văn hóa, du lịch và tăng cường công tác liên kết, quảng bá của các tỉnh Tây Bắc đến với người dân, du khách tại TP.HCM và ngược lại.
Phát biểu hội nghị, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, TP.HCM luôn xác định liên kết hợp tác phát triển du lịch là nhiệm vụ quan trọng của Thành phố; liên kết để chia sẻ nguồn lực, chia sẻ lợi ích và là động lực để cùng phát triển. Với vai trò là đầu tàu du lịch của cả nước TP.HCM đã chủ động liên kết với 6 cụm, 49 tỉnh thành, vùng kinh tế trọng điểm trên cả nước.
Đối với cụm Tây Bắc, TP đã phối hợp tổ chức nhiều sự kiện, đoàn famtrip, khảo sát xây dựng các tuyến, sản phẩm du lịch mới kết nối Tây Bắc với TP.HCM như đã phối hợp tham gia Ngày hội Du lịch, Hội chợ triển lãm du lịch quốc tế… khảo sát 2 sản phẩm du lịch Hành trình kết nối di sản và Hùng vĩ Tây Bắc; phối hợp tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch Tây Bắc TP.HCM tại Cần Thơ, tại Lào...
Ông Dũng tin tưởng sau Hội nghị quảng bá xúc tiến lần này, TP.HCM cùng 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng sẽ tiếp tục phối hợp đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông. Nghiên cứu, quy hoạch và xây dựng dịch vụ giải trí đêm đạt tiêu chuẩn phục vụ du lịch để giữ chân du khách. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá sản phẩm, giới thiệu điểm đến. Nghiên cứu khai thác hiệu quả thế mạnh đặc trưng về điểm đến, ẩm thực, văn hóa. Tổ chức các chương trình famtrip, frestrip, mời KOLs cùng tham gia và giới thiệu sản phẩm trên nhiều phương tiện.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Vừ A Bằng, đại diện Lãnh đạo các tỉnh Tây Bắc mở rộng đánh giá, Tây Bắc là vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, là nơi sinh sống của hơn 32 dân tộc thiểu số với một không gian văn hóa rộng lớn, phong phú và cảnh quan hùng vĩ... bao gồm tám tỉnh là Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ và Hà Giang.
Tây Bắc có sức hấp dẫn du lịch đặc biệt với đỉnh Fansipan được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương, là niềm khát khao chinh phục của rất nhiều người; Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải với những khu ruộng bậc thang di sản; rừng Mường Phăng là một trong những Khu Bảo tồn tự nhiên với nhiều loại động thực vật quý hiếm của tỉnh Điện Biên; Cao nguyên Mộc Châu rộng lớn và tươi đẹp với những loài hoa nở rất nhiều ở vùng núi Tây Bắc như hoa ban, hoa mận, hoa đào…
Đặc biệt, vùng đất Tây Bắc còn có nhiều dân tộc lưu giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa truyền thống của mình, ẩm thực Tây Bắc mang những nét đặc trưng... thu hút du khách trong và ngoài nước, trong đó có thị trường TP.HCM.
"Sự kiện lần này chính là cơ hội để chính quyền, các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, doanh nghiệp của các địa phương cùng nhau trao đổi, đánh giá tiềm năng, cơ hội và định hướng liên kết xây dựng và phát triển sản phẩm. Qua đó, tìm kiếm hợp tác xúc tiến, quảng bá, chia sẻ kinh nghiệm hợp tác phát triển du lịch, đồng thời đề xuất các giải pháp, sáng kiến cho liên kết phát triển du lịch trong thời gian tới" ông Vừ A Bằng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, đại diện các tỉnh Tây Bắc đã lần lượt giới thiệu bức tranh tổng quát về cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, những món ẩm thực truyền thống của các dân tộc, những giá trị văn hoá, lịch sử thiêng liêng gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Du lịch tỉnh Phú Thọ chia sẻ, Phú Thọ là vùng đất có nhiều tiềm năng về du lịch, phong phú về danh lam thắng cảnh, điểm đến du lịch hấp dẫn, các di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng gắn với 2 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO vinh danh là "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" và "Hát Xoan Phú Thọ".
Về phía tỉnh Hòa Bình cũng xác định phát triển du lịch theo hướng bền vững, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng. Tỉnh Hòa Bình đã liên kết hợp tác nhằm tạo nên một cung đường du lịch với nhiều sản phẩm hấp dẫn trên hành trình Tây Bắc.
Đại diện Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La cũng nhấn mạnh: Những năm qua, tỉnh Sơn La đã trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn của vùng Tây Bắc với nhiều sản phẩm du lịch độc đáo và đa dạng, nổi bật là Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, thu hút hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm. Trong định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Sơn La luôn xác định việc liên kết hợp tác, mở rộng thị trường là nhiệm vụ quan trọng và cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục.
Trên cơ sở lợi thế về vị trí địa lý, thiên nhiên, văn hóa độc đáo đó, 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng mong muốn sẽ kết nối tốt với TP.HCM, tạo nên chuỗi các tour, tuyến sản phẩm du lịch độc đáo, sản phẩm du lịch liên vùng, liên tỉnh đóng góp vào sự phát triển chung của ngành du lịch.
Ngoài hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch, trong thời gian diễn ra "Tuần văn hóa – Du lịch Tây Bắc tại TP.HCM năm 2023" người dân tại TP.HCM và du khách sẽ được thưởng thức, trải nghiệm nhiều hoạt động đậm chất núi rừng Tây Bắc như; Chương trình nghệ thuật Sắc màu Sơn La - Tây Bắc; Trải nghiệm nghi lễ Tẳng cẩu dân tộc Thái Sơn La; Trưng bày, giới thiệu không gian văn hóa du lịch; Trải nghiệm văn hóa cộng đồng dân tộc Thái, Mông, Dao./.