(Tổ Quốc) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu doanh nghiệp nêu những khó khăn, vướng mắc..., đặc biệt là vấn đề thanh tra, kiểm tra chồng chéo kéo dài gây khó khăn cho doanh nghiệp như thế nào, kể cả tình trạng bị cơ quan quản lý nhà nước dọa nạt nếu doanh nghiệp có ý kiến trái chiều hay phản biện chính sách.
Sáng nay (23/12), tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia đã diễn ra Hội nghị "Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp: Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp – hội nhập – hiệu quả - bền vững" với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các Phó thủ tướng: Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh...
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong thời đại toàn cầu hóa và đột phá về công nghệ hiện nay, doanh nghiệp là động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế vì chính khu vực doanh nghiệp là nơi tạo ra giá trị gia tăng chủ yếu cho nền kinh tế, là nơi có động lực cạnh tranh, sáng tạo để phát triển mạnh mẽ nhất, là lực lượng tiên phong đưa khoa học công nghệ vào cuộc sống.
Chính vì vậy, không thể có một quốc gia hùng cường, hưng thịnh nếu không có doanh nghiệp hùng hậu. Không thể có nền kinh tế lớn khi thiếu vắng những thương hiệu nổi tiếng...
Điểm lại thành tựu kinh tế xã hội năm qua, Thủ tướng cho biết, trong bối cảnh kinh tế khu vực, toàn cầu suy giảm thì tăng trưởng năm 2019 trên 7% của Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất toàn cầu. Đặc biệt, môi trường kinh doanh vững chắc với lạm phát thấp, lãi suất và tỷ giá ổn định, thu hút vốn quốc tế tiếp tục tăng cao...
Việt Nam cán đích xuất nhập khẩu trên 500 tỷ USD, một kỷ lục chưa từng có. Dự trữ ngoại hối cũng đạt mức chưa từng có. Thâm hụt ngân sách và nợ công giảm đáng kể, năng lực tài chính nhà nước được củng cố…
Thủ tướng nhấn mạnh: "Đóng góp vào thành quả kinh tế xã hội năm 2019 cũng như hơn 3 thập niên đổi mới có vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam.
Tôi thay mặt Chính phủ trân trọng cảm ơn những đóng góp to lớn, nhiều mặt, có phần thầm lặng của doanh nghiệp chân chính đối với sự phát triển của đất nước", Thủ tướng nhấn mạnh.
Dù vậy, Thủ tướng cũng cho rằng, sự phát triển của doanh nghiệp không thể thiếu được vai trò quản lý của nhà nước. Ngược lại, sự yếu kém của doanh nghiệp chắc chắn có phần trách nhiệm của nhà nước với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, Chính phủ kiến tạo, phát triển sẽ phải không ngừng giảm mức độ rủi ro và chi phí cho doanh nghiệp. Đặc biệt là những rủi ro từ thể chế, chính sách và nhũng nhiễu của bộ máy hành chính gây ra.
"Chúng ta vui mừng khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam chuyển hướng đầu tư vào công nghệ, sáng tạo nâng cao giá trị. Nhiều sản phẩm, hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đã vươn ra thị trường toàn cầu. Rất nhiều doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam vượt khó đi lên khẳng định chính mình trong khó khăn. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp bắt đầu đầu tư ra nước ngoài cho thấy năng lực cạnh tranh quốc tế của Việt Nam đã được nâng lên.
Tuy nhiên, cũng cần phải hiểu rằng, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất nhiều những khó khăn trở ngại trên con đường phát triển. Mỗi năm có hàng vạn doanh nghiệp giải thể, phá sản. Đã có nhiều thương hiệu lớn ở Việt Nam đã bị thị trường đào thải...Đó là lý do vì sao Chính phủ liên tục tổ chức các hội nghị lớn nhỏ để phát triển doanh nghiệp. Hội nghị này cũng vậy, ta cần hành động gấp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển, để doanh nghiệp mạnh hơn, bền vững hơn, tăng về số lượng, phát triển hơn về chất lượng", Thủ tướng nói.
Thủ tướng nhấn mạnh năm 2020 là năm quan trọng về đối ngoại, đối nội của đất nước và cũng là năm hoàn thành nhiều mục tiêu trung hạn của nhiều doanh nghiệp. Vì vậy, người đứng đầu Chính phủ đã nêu 4 vấn đề để cộng đồng doanh nghiệp thảo luận.
Cụ thể, Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp nêu khó khăn, trở ngại, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh như quy hoạch, tiếp cận đất đai, tín dụng, sử dụng lao động, tiếp cận thị trường, thủ tục hành chính, thuế, hải quan, giấy phép, cung cấp điện nước, xử lý nước thải…
"Đặc biệt là vấn đề thanh tra, kiểm tra chồng chéo kéo dài gây khó khăn cho doanh nghiệp như thế nào, kể cả tình trạng bị cơ quan quản lý nhà nước dọa nạt khi doanh nghiệp có ý kiến trái chiều hay phản biện chính sách.
Xử lý sự trì trệ của nhiều sở ngành ở địa phương, đá qua đá lại, chậm chạp, làm mất thời cơ của doanh nghiệp. Cần chỉ rõ văn bản của bộ ngành nào bất hợp lý, mâu thuẫn, chồng chéo gây cản trở, không phù hợp với môi trường kinh doanh. Cơ quan nào gây nhũng nhiễu ở địa phương hay tập trung ở trung ương", Thủ tướng nêu
Thủ tướng cũng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp nêu những thách thức, sức ép đối với doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, chiến tranh thương mại, kinh tế đất nước ngày càng hội nhập, tác động của cách mạng 4.0 đến doanh nghiệp như thế nào? Đề xuất tham gia "hiến kế" giúp doanh nghiệp tăng sức đề kháng, cạnh tranh, vượt qua thách thức; đề nghị hiến kế cho Chính phủ hoàn thành mục tiêu năm 2020 và 5 năm tới. Cùng với đó là những đột phá về cơ chế khuyến khích doanh nghiệp...
Cuối cùng, Thủ tướng đề nghị nêu đề xuất giải pháp cải thiện nâng cao sự tương tác, năng lực phối hợp giữa bộ ngành và địa phương, giúp địa phương thu hút hiệu quả, bền vững...
"Doanh nghiệp phải kiến nghị tháo gỡ những vướng mắc về chính sách pháp luật qua thực tiễn không còn phù hợp với bối cảnh địa phương, đề xuất các giải pháp giúp giải phóng mọi nguồn lực, tháo gỡ mọi rào cản... để thúc đẩy phát triển. Thủ tướng, phó Thủ tướng, các vị bộ trưởng... lắng nghe, cam kết cùng tham gia đồng hành, đối thoại thẳng thắn tháo gỡ vướng mắc khó khăn, trở ngại để doanh nghiệp Việt Nam có thể bứt phá trong năm 2020 và những năm tiếp theo", Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh tại Hội nghị.