(Tổ Quốc) - Sáng 20/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự và chỉ đạo tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2022.
Nhấn mạnh về những nhiệm vụ của ngành Y tế trong năm 2022 và thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành Y tế tiếp tục kiên trì kiên quyết thực hiện mục tiêu bảo vệ sức khỏe của người dân là trên hết, trước hết.
Tiếp tục tập trung phòng, chống dịch COVID-19, đây là nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu toàn ngành Y tế phải tiếp tục thực hiện chế độ “trực chiến”, sẵn sàng cho mọi tình huống và thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ.
Thủ tướng yêu cầu ngành Y tế triển khai nhất quán quy định về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và xây dựng hệ thống theo dõi, đánh giá. Tổng kết những kinh nghiệm quý, bài học hay, cách làm hiệu quả; khẩn trương nghiên cứu sửa đổi quy định về phòng, chống dịch phù hợp tình hình và mức độ bao phủ vaccine.
"Triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine nhanh chóng, an toàn, khoa học, hiệu quả, đẩy nhanh tiêm vaccine cho trẻ em, tiêm mũi tăng cường; hoàn thành các mục tiêu được giao, hoàn thành tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Tăng cường tự chủ trước hết là về thuốc, vaccine, các loại vật tư thiết yếu; thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế và sinh phẩm trong nước; Tập trung nâng cao năng lực điều trị nhằm giảm nguy cơ chuyển nặng và tử vong. Có phương án sẵn sàng tổ chức các trạm y tế lưu động tại các địa bàn diễn biến phức tạp; Tổ chức tốt việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe và điều trị F0.
Bảo đảm tất cả mọi người nhiễm COVID-19 đều được quản lý, theo dõi, hỗ trợ, chăm sóc y tế phù hợp. Sẵn sàng điều động lực lượng, hỗ trợ nhanh, kịp thời các địa phương; Tiếp tục đẩy mạnh thông tin, truyền thông, nâng cao ý thức người dân tích cực, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
"Cần tăng cường thanh tra, kiểm tra và khen thưởng, kỷ luật kịp thời; xử lý nghiêm các vi phạm, chú trọng phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm; không để “con sâu làm rầu nồi canh”. Chú trọng việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách. Khắc phục ngay các bất cập, hạn chế, tháo gỡ các vướng mắc trong hoạt động phòng, chống dịch như cấp phép lưu hành thuốc, vaccine, xây dựng các cơ sở y tế lưu động, bệnh viện dã chiến… và đặc biệt là cơ chế mua sắm" - Thủ tướng yêu cầu.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu ngành Y tế nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng, y tế cơ sở; tiếp tục đổi mới cơ chế, phương thức hoạt động của y tế cấp xã, trước mắt nhằm bảo đảm năng lực ứng phó dịch bệnh COVID-19.
Ngành Y tế cần tiếp tục hoàn thiện các quy định về tài chính, cung ứng dịch vụ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; đổi mới phương thức chi trả dịch vụ. Tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực dược, trang thiết bị y tế; Huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Thủ tướng nhấn mạnh, vừa qua, đội ngũ cán bộ y tế, cả người làm công tác quản lý và nhất là các y bác sĩ, thầy thuốc, người lao động của ngành trong cuộc chiến chống dịch chịu nhiều áp lực. Ngành y tế phải quan tâm hơn nữa, có các biện pháp hỗ trợ, tư vấn cả về tâm lý và có cơ chế, chính sách động viên, khen thưởng kịp thời.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến nay, tổng số vaccine đã tiếp nhận 209,6 triệu liều vaccine phòng COVID-19 từ các nguồn mua, viện trợ, tài trợ; đạt mục tiêu của Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine năm 2021. Đã phân bổ 187,6 triệu liều; còn khoảng 22 triệu liều mới được tiếp nhận cần tiến hành các thủ tục để kiểm định chất lượng, xuất xưởng vaccine.
Đến nay, cả nước đã tiêm được trên 168 triệu liều, tỷ lệ sử dụng đạt 89,6 % số vaccine phân bổ qua 119 đợt; trong đó mũi 1: 78.595.722 liều, mũi 2: 73.645.733 liều, mũi bổ sung: 5.033.774 liều, mũi 3: 10.727.934 liều.
Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 153.333.516 liều, trong đó có 70.487.591 liều mũi 1; 67.084.217 liều mũi 2, 5.033.774 liều mũi bổ sung; 10.727.934 liều mũi 3. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine là 100% và tỷ lệ tiêm đủ 02 liều là 94,0% dân số từ 18 tuổi trở lên. Có 60/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều cho trên 80% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó có 39 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ trên 95%.