• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thừa Thiên Huế: Nông dân lo lắng trước nguy cơ bùng phát bệnh khảm lá sắn

Thời sự 17/03/2021 17:06

(Tổ Quốc) - Thời gian gần đây, bệnh khảm lá sắn bùng phát tại một số địa phương của tỉnh Thừa Thiên Huế khiến diện tích trồng sắn của nông dân bị hư hại, nguy cơ thiệt hại nặng.

Ghi nhận trên các cánh đồng chuyên cây sắn và xen ghép đậu ở một số địa phương như thị xã Hương Trà, huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế), bệnh khảm lá sắn khiến đa số diện tích bị hư hại với mặt lá bị quăn, khảm vàng loang lỗ. Một số khu vực bị nặng khiến lá sắn xoăn, cong queo, kém sinh trưởng. Điều này khiến người nông dân không khỏi lo lắng.

Thừa Thiên Huế: Nông dân lo lắng trước nguy cơ bùng phát bệnh khảm lá sắn - Ảnh 1.

Bệnh khảm lá sắn khiến cây sắn chậm phát triển, kém năng suất.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hiền (huyện Phong Điền) thông tin, năm 2021 địa phương này trồng 217 ha cây sắn, đến nay theo thống kê bước đầu có khoảng 50% diện tích bị nhiễm bệnh khảm lá với tỷ lệ bệnh từ 50-60%. Một số diện tích người dân đã tiến hành nhổ bỏ theo khuyến cáo của địa phương. Được biết, việc sử dụng nguồn giống tại địa phương, từ nhà máy tinh bột sắn ở Hải Lăng và ở Phong An đều xảy ra dịch bệnh.

"Về kỹ thuật thì cần cơ quan bảo vệ thực vật thẩm định. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của địa phương thì niên vụ 2021 này nguồn giống lấy từ địa phương ít dịch bệnh hơn các giống mới mang từ các nơi về. Có thể dịch bệnh tồn tại trong đất nên rất khó xử lý", ông Dũng cho hay.

Theo Sở NN&PTNT Thừa Thiên Huế, năm 2021 bệnh khảm lá sắn đang tiếp tục gây hại tại các huyện Phong Điền, A Lưới, thị xã Hương Trà với tổng diện tích nhiễm bệnh khoảng hơn 1.000 ha. Trong đó, huyện Phong Điền hơn 588 ha, Hương Trà 405 ha, A Lưới 10 ha. Tỷ lệ nhiễm bệnh trên 70% lên đến 668 ha. Nguyên nhân chủ yếu do sử dụng nguồn giống bị nhiễm bệnh từ vụ trước để trồng.

Thừa Thiên Huế: Nông dân lo lắng trước nguy cơ bùng phát bệnh khảm lá sắn - Ảnh 2.

Diện tích xen canh sắn và đậu tại một số địa phương ở huyện Phong Điền xuất hiện bệnh khảm lá sắn.

Tuy bệnh khảm lá sắn diễn biến phức tạp, nhưng công tác tiêu hủy ở các địa phương đang diễn ra khá chậm. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng với việc tiến hành tiêu hủy cây sắn nhiễm bệnh chậm trong điều kiện thời tiết như hiện nay có thể khiến bọ phấn trắng (môi giới truyền bệnh) sẽ phát sinh gây hại. Dự báo nguy cơ bệnh khảm lá sắn tiếp tục phát tán, lây lan cho các vùng chưa nhiễm bệnh, diện tích bị hại sẽ tăng, gây nguy cơ mất trắng nhiều diện tích trồng sắn.

Hiện Sở NN&PTNT Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo cho các địa phương tăng cường phòng trừ bệnh khảm lá sắn. Trong đó, chỉ đạo khẩn trương nhổ bỏ cây sắn nhiễm bệnh, tiêu hủy bằng cách chất đống để đốt hoặc chôn lấp tiêu hủy nguồn bệnh; tăng cường kiểm tra, kiểm soát nguồn bệnh ngay sau khi trồng nhằm phát hiện sớm, khoanh vùng diện tích bị nhiễm bệnh.

Được biết, trước đó vào mùa vụ 2020, dịch bệnh khảm lá sắn đã từng gây thiệt hại nặng nề cho nông dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế/.

Bệnh khảm lá sắn là một đối tượng bệnh gây hại đặc biệt nguy hiểm trên cây sắn. Bệnh do virus có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic Virus gây ra.

Bệnh khảm lá sắn có khả năng phát tán và lây lan qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng và qua hom giống. Hiện nay, chưa có thuốc để diệt trừ virus gây bệnh khảm lá sắn, chỉ có phòng bệnh là chủ yếu và khi cây sắn bị bệnh thì phải tiêu hủy.

Lê Chung

NỔI BẬT TRANG CHỦ