• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thừa Thiên Huế phát triển trồng sen theo hướng đi bền vững

Kinh tế 16/03/2021 19:51

(Tổ Quốc) - Không chỉ hướng đến mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất các sản phẩm từ sen Huế, kế hoạch phát triển trồng sen tại Thừa Thiên Huế còn góp phần bảo vệ nguồn gen, kết hợp du lịch sinh thái và ẩm thực để nâng cao thu nhập cho người dân.

Có lợi thế nhưng chưa phát huy hết

Từ lâu, sen Huế được cả nước biết đến là loại cây thủy sinh cho các sản phẩm như hoa, hạt, trà sen… có hương vị đặc trưng mang đậm dấu ấn vùng đất xứ Huế. Ở Huế, sen không chỉ là cây trồng mang lại kinh tế cho người dân mà còn gắn bó với đời sống, văn hóa địa phương.

Thừa Thiên Huế phát triển trồng sen theo hướng đi bền vững - Ảnh 1.

Các sản phẩm như hoa, hạt, trà sen… có hương vị đặc trưng mang đậm dấu ấn vùng đất xứ Huế. Ảnh: Lê Chung

Đa số các giống sen Huế ngoài vẻ đẹp quyến rũ, hạt sen có phần xốp hơn sen Bắc, sen Nam và hạt sen có hương vị và không chát, chất lượng đặc biệt thơm ngon đã tạo thành một sản phẩm du lịch tạo nên thương hiệu "Sen Huế". Các bộ phận của cây sen từ hoa, lá cho đến ngó, gương, hạt đều được sử dụng để làm món ăn và vị thuốc có giá trị trong y học cổ truyền. Đặc biệt, ở khu vực Kinh thành Huế, sen còn được xếp vào hàng thực phẩm vô địch về hương vị so với sen của các xứ khác.

Trước đây, ở Huế, cây sen được đưa vào trồng để làm cảnh quan tại các hồ xung quanh Kinh thành Huế. Tuy nhiên, những năm gần đây thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cây sen với giá trị kinh tế cao đã được nhiều địa phương tin trồng như sản phẩm sen Tịnh Tâm, Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang…

Bên cạnh đó, do sen là loại cây dễ trồng và ít công chăm sóc, giá sen ổn định nên diện tích trồng sen ngày càng mở rộng. Số liệu thống kê từ năm 2017 đến nay cho thấy, diện tích trồng sen tại Thừa Thiên Huế không ngừng tăng lên. Năm 2019 diện tích trồng sen của địa phương này khoảng 494,5 ha, năng suất hạt ước tính 1,5-4,0 tấn/ha. Giá bán lẻ từ 30.000-60.000 đồng/kg, cao gấp 4-6 lần so với trồng lúa.

Thừa Thiên Huế phát triển trồng sen theo hướng đi bền vững - Ảnh 2.

Hầu hết diện tích trồng sen tại Thừa Thiên Huế hiện nay vẫn còn manh mún, mang tính tự phát. Ảnh: Lê Chung

Tuy vậy, theo ghi nhận, hầu hết diện tích trồng sen tại Thừa Thiên Huế hiện nay vẫn còn manh mún, mang tính tự phát. Thực tế, việc thiếu quy hoạch hoặc chưa được đầu tư đúng mức về kỹ thuật nên năng suất, hiệu quả trồng sen tại Huế vẫn còn thấp. Địa phương vẫn chưa phát huy hết lợi thế giá trị của cây sen trên địa bàn.

Hướng đến phát triển bền vững

Là một trong những hộ dân đầu tiên tại tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển kinh tế gia đình từ việc trồng sen, ông Hoàng Độ (thôn Sơn Tùng, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền) cho biết, giống sen đưa vào trồng trên địa bàn tỉnh lâu nay chủ yếu là sen truyền thống của Huế (sen trắng Tịnh Tâm) và sen hồng cao sản.

Hiện tại, Thừa Thiên Huế vẫn chưa có đơn vị sản xuất và cung cấp giống sen, nên nguồn giống hàng năm phần lớn là giống sen lưu gốc hoặc lấy từ các tỉnh phía Nam. Cũng có một số hộ dân dựa vào kinh nghiệm tự nhân giống được bằng hạt, tuy nhiên chỉ đủ cung cấp trong phạm vi hộ gia đình. Người trồng sen đang gặp khá nhiều khó khăn trong việc chủ động nguồn giống để tổ chức sản xuất theo thời vụ.

"Năm nay gia đình tôi cho trồng 15,5 ha sen, số giống sen chủ yếu là lưu gốc từ vụ trước. Tuy có giống để bán lại, nhưng nguồn giống này cũng chỉ đủ để cung ứng cho một số hộ trong vùng", ông Độ chia sẻ.

Thừa Thiên Huế phát triển trồng sen theo hướng đi bền vững - Ảnh 3.

Người trồng sen tại Thừa Thiên Huế gặp khá nhiều khó khăn trong việc chủ động nguồn giống để tổ chức sản xuất theo thời vụ. Ảnh: Lê Chung

Trong khi đó, theo anh Hoàng Diên Khởi (một hộ trồng sen khác ở thôn Sơn Tùng), sản phẩm sen Huế lâu nay mặc dù được đánh giá có chất lượng cao, có thương hiệu, nhưng giá thành vẫn còn phụ thuộc nhiều vào thị trường, lợi nhuận mang về cho người dân vẫn chưa thực sự cao và bền vững.

"Việc tiêu thụ hạt sen hiện nay chủ yếu do thương lái đến thu mua tận ruộng. Nhiều ruộng trồng sen còn được đặt hàng mua từ trước. Nhìn chung giá cả khá ổn định, nhưng cũng tùy theo vùng. Một số nơi vẫn còn bị tư thương ép giá", anh Khởi nói.

Mới đây, tin vui đã đến với những người trồng sen khi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có kế hoạch cụ thể để phát triển trồng sen trong thời gian tới. Theo đó, địa phương này sẽ ưu tiên đến các giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn hiện tại về kỹ thuật, giống, tổ chức sản xuất, thị trường tiêu thụ…

Thừa Thiên Huế phát triển trồng sen theo hướng đi bền vững - Ảnh 4.

Sen ở Thừa Thiên Huế được trồng từ tháng 2 đến tháng 7, cho hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa. Ảnh: Lê Chung

Cụ thể, trong các giải pháp, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khuyến khích phát triển liên kết hộ nông dân với các đơn vị để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ sen. Phát triển hệ thống phân phối tại các thị trường, đặc biệt là kết nối hệ thống các siêu thị, các điểm du lịch… làm khâu cầu nối để tiêu thụ sản phẩm.

Cùng với đó, sẽ mở rộng thị trường ngoại tỉnh theo hướng đa dạng hóa sản phẩm. Triển khai mạnh mẽ và thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thông qua các chương trình, lễ hội, hội thi đối với các sản phẩm từ cây sen. Hướng đến xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các địa phương vùng trồng có diện tích đủ lớn. Sớm tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể "Sen Huế" cho các sản phẩm sen của tỉnh.

Với những lợi thế sẵn có, người trồng sen tại Thừa Thiên Huế đang đặt nhiều hy vọng việc phát triển diện tích trồng sen trên địa bàn dựa trên những giải pháp cụ thể đã được đưa ra sẽ mạng lại nguồn lợi kinh tế cao và bền vững trong thời gian tới./.

Theo kế hoạch số 65/KH-UBND về việc phát triển trồng sen giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu sẽ thực hiện việc mở rộng diện tích trồng mới cây sen, đến năm 2025 ổn định diện tích đạt 745 ha, trong đó sen cao sản lấy hạt khoảng 85-90% diện tích, sen địa phương (sen Huế) từ 10-15% diện tích; năng suất bình quân 18-20 tạ/ha, sản lượng ước đạt khoảng 1.200-1.400 tấn hạt/năm.

Mục tiêu chung của kế hoạch này không chỉ nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả tiềm năng đất đai, trên cơ sở phát huy lợi thế giá trị của cây sen trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế mà còn tạo sự dịch chuyển mang tính bền vững từ phương thức sản xuất cũ sang phương thức sản xuất mới theo chuỗi giá trị, góp phần bảo vệ nguồn gen, kết hợp du lịch sinh thái và ẩm thực của Huế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Lê Chung

NỔI BẬT TRANG CHỦ