(Tổ Quốc) - Bên cạnh tỷ lệ hộ nghèo vượt chỉ tiêu phấn đấu đề ra, kết quả rà soát toàn tỉnh Thừa Thiên Huế không ghi nhận hộ tái nghèo, cho thấy tác động tích cực và hiệu quả của chủ trương thoát nghèo bền vững.
Nhiều kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo
Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, huy động tối đa các nguồn lực của Trung ương, địa phương, cộng đồng và người dân, các nguồn xã hội hóa để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo theo tinh thần Nghị quyết 11-NQ/TU về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và các văn bản của Trung ương, bộ ngành.
Qua việc triển khai quyết liệt, đồng bộ những giải pháp giảm nghèo cùng với sự chung tay, hỗ trợ, sẻ chia của cộng đồng đã tác động tích cực đến công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, tạo điều kiện cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo. Người nghèo từng bước tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được hưởng các chính sách về bảo hiểm y tế, trợ cấp xã hội, hỗ trợ tiền điện, miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định. Kết quả giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những chuyển biến tích cực.
Theo số liệu chuẩn mới đầu kỳ (cuối năm 2021), toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 16.006 hộ nghèo (50.660 khẩu nghèo), tỷ lệ 4,93%; 12.803 hộ cận nghèo (41.043 khẩu cận nghèo), tỷ lệ 3,94%, thì đến cuối năm 2022, kết quả rà soát hộ nghèo cho thấy, toàn tỉnh còn 11.735 hộ nghèo (36.708 khẩu nghèo), tỷ lệ 3,56 %; 10.854 hộ cận nghèo (33.579 khẩu cận nghèo), tỷ lệ 3,30%. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 1,37%, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đặt ra. 16 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25% đều có tỷ lệ giảm nghèo từ 7% trở lên, vượt chỉ tiêu phấn đấu đề ra, hiện tại còn 13 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25%.
Bên cạnh tỷ lệ hộ nghèo vượt chỉ tiêu phấn đấu đề ra, kết quả rà soát toàn tỉnh Thừa Thiên Huế không ghi nhận hộ tái nghèo, cho thấy tác động tích cực và hiệu quả của chủ trương thoát nghèo bền vững.
Đặc biệt, công tác giảm nghèo ở huyện miền núi A Lưới, một trong 74 huyện nghèo quốc gia đạt kết quả đáng ghi nhận. Theo kết quả rà soát, tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2022 của A Lưới là 38,20%, giảm 11,78% so với năm 2021, vượt chỉ tiêu phấn đấu đề ra. Kết quả này là tiền đề để thực hiện mục tiêu đưa huyện A Lưới thoát khỏi danh sách huyện nghèo vào cuối năm 2024.
Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp
Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế, để tổ chức thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh giảm còn 2,0 - 2,2%, các xã có tỷ lệ nghèo cao trên 25% giảm bình quân từ 3,5 - 4,0%/năm và khắc phục những khó khăn còn tồn tại, trong thời gian đến, địa phương cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp.
Trong đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ quan, đơn vị, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giảm nghèo; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền những chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về Chương trình giảm nghèo nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị và người dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu giảm nghèo đã đề ra; đảm bảo kết quả giảm nghèo thật sự bền vững….
Bố trí kịp thời kinh phí để thực hiện tốt các chế độ, chính sách giảm nghèo, chú trọng huy động đóng góp của các doanh nghiệp và tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Tăng cường lồng ghép các hoạt động giữa các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm tăng nguồn lực cho công tác giảm nghèo; Thường xuyên chỉ đạo thực hiện tốt công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm làm cơ sở cho việc tiếp tục thực hiện chương trình giảm nghèo đến năm 2025; thường xuyên năm tâm từ, nguyện vọng của người dân để có giải pháp cụ thể, thoát nghèo bền vững.
Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đồn đốc, xử lý các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai chương trình tại các cấp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân toàn bộ kế hoạch vốn đã được giao trong năm 2023…; Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo tại các thôn, xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao nhận thức và hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo, đối tượng yếu thế tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Tập trung phát triển kinh tế - xã hội, tạo cơ hội cho người nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội. Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển hải đảo, tạo điều kiện cho người nghèo mở rộng sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống; Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội trên địa bàn nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, thực hiện đa dạng hóa, lồng ghép các nguồn lực để triển khai thực hiện công tác giảm nghèo, ưu tiên bố trí vốn từ ngân sách nhà nước, tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác, chú trọng huy động sự đóng góp của doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Kịp thời phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến và những sáng kiến, kinh nghiệm, mô hình hay, những cách làm sáng tạo trong thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo; đồng thời, biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân, hộ gia đình có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua./.