(Tổ Quốc) - Sau hơn 7 ngày triển khai giải pháp quản lý dịch bệnh Covid-19 bằng mã QR, đến thời điểm hiện tại đã có hơn 900 đơn vị trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tạo mã QR để người dân khi đến các địa điểm này có thể dùng ứng dụng Hue-S quét xác nhận điểm đến.
- 03.02.2021 Thêm 9 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng
- 03.02.2021 Diễn biến dịch ngày 3/2: Bộ Y tế công bố thêm 19 ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng; Xe khách ở Hà Nội không được chở quá 20 người
- 02.02.2021 Giữa mùa dịch COVID-19: Mâm cơm gia đình cần có những thực phẩm này để "gia cố" hệ miễn dịch, chống lại virus, vi khuẩn hiệu quả
- 02.02.2021 Đây là sai lầm phổ biến khi đeo khẩu trang phòng COVID-19 mà người Việt cần bỏ ngay kẻo "mở đường" cho virus xâm nhập
- 02.02.2021 Thêm 30 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng
Ngày 3/2, ông Nguyễn Xuân Sơn – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên Huế thông tin, sau hơn 7 ngày triển khai giải pháp quản lý dịch bệnh Covid-19 bằng mã QR, đến thời điểm hiện tại đã có hơn 900 đơn vị trên địa bàn tạo mã QR để người dân khi đến các địa điểm này có thể dùng ứng dụng Hue-S quét xác nhận điểm đến.
Trước đó, nhằm phòng, chống dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng và đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn; các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế triển khai giải pháp QR (mã thông tin phản hồi) trước 5/2/2021 để quản lý tình hình di chuyển, truy vết người nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh Covid-19.
Theo hướng dẫn của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, tất cả các cơ quan, đơn vị, trung tâm thương mại, chợ, cơ sở khám chữa bệnh, trường học, hộ kinh doanh… đều đặt bảng QR theo quy định của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh. Người dân khi đến các địa điểm trên dùng ứng dụng Hue-S để quét QR nhằm mục đích xác nhận điểm đến.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao Sở Y tế chủ trì triển khai giải pháp tại các cơ sở khám chữa bệnh; Sở GD&ĐT chủ trì triển khai giải pháp tại các cơ sở giáo dục; Sở Du lịch chủ trì triển khai giải pháp tại các cơ sở lưu trú; Sở Công thương chủ trì triển khai giải pháp tại các trung tâm thương mại, chợ, các doanh nghiệp, các điểm kinh doanh trên địa bàn; Sở Giao thông vận tải tổ chức triển khai giải pháp tại các điểm bến xe, nhà ga, cảng hàng không.
Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế có trách nhiệm tổ chức triển khai giải pháp cho những đơn vị trực thuộc, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn; Đại học Huế tổ chức triển khai giải pháp tại các cơ sở đào tạo trực thuộc trên địa bàn. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khi tổ chức sự kiện đông người cần chủ động áp dụng giải pháp này để kiểm soát mọi thành phần tham dự; Sở Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin, hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật cho các đơn vị trong quá trình thực hiện.
Ông Nguyễn Xuân Sơn – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên Huế cho biết, sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, tính đến nay đã có hơn 900 đơn vị triển khai tạo mã và hơn 11.270 lượt quét QR. Việc làm này sẽ giúp cho công tác truy vết khi có dịch xảy ra được nhanh chóng, hiệu quả và kịp thời.
Được biết, Hue-S là ứng dụng trên nền di động đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tích hợp, cung cấp các dịch vụ đô thị thông minh. Ứng dụng này được kết nối đồng bộ với Cổng thông tin dịch vụ đô thị thông minh. Tính đến nay, đã có trên 350.000 người dân trong tỉnh cài ứng dụng Hue-S.
Cùng với các giải pháp của Chính phủ nhằm phòng, chống dịch Covid-19, việc quản lý dịch bệnh bằng mã QR qua ứng dụng Hue-S mà Thừa Thiên Huế đang triển khai hứa hẹn sẽ là một giải pháp giúp tăng tính hiệu quả và phản ứng nhanh với các trường hợp xảy ra trên địa bàn./.