(Tổ Quốc) - Theo trang Eco-business, một số quốc gia ở châu Á như Bali và Bhutan đã áp dụng thuế đối với du lịch sinh thái để hạn chế những tác động bất lợi cho ngành du lịch.
Điển hình là Bali sẽ áp thuế 150.000 rupiah (10 USD) đối với khách du lịch đến "Đảo của các vị thần" từ năm 2024 để bảo vệ môi trường và di sản văn hóa của nơi này.
Theo thống kê , từ tháng 1/2022 đến tháng 3/2023, khoảng hơn 1 triệu khách du lịch quốc tế đã đến thăm Bali, một bước nhảy vọt so với 51 lượt khách du lịch nước ngoài vào năm 2021, khi điểm đến nổi tiếng một thời này bị cản trở bởi các hạn chế di chuyển do đại dịch Covid-19.
Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, lượng khách du lịch đến Bali tăng đều đặn. Năm 2019, hòn đảo này đón kỷ lục 6,28 triệu khách du lịch nước ngoài.
Tuy nhiên tình trạng du lịch quá tải đã khiến tài nguyên thiên nhiên của Bali bị ảnh hưởng. Theo một cuộc điều tra của Al-Jazeera, nguồn cung cấp nước ngọt đã được chuyển từ các khu vực nông nghiệp sang các khu du lịch.
Theo trang South China Morning Post (SCMP), một khách du lịch sử dụng 1.785 lít nước mỗi ngày so với 14 lít mà người dân địa phương Bali sử dụng. Lượng tiêu thụ tăng vọt lên 4.000 lít mỗi ngày đối với khách du lịch lưu trú tại khách sạn.
Du lịch cũng trở thành một nguồn gây ô nhiễm lớn, với các bãi biển Kuta và Legian của Bali tràn ngập tới 60 tấn rác nhựa mỗi ngày.
Khi được hỏi liệu mức thuế mới áp dụng cho hoạt động du lịch có hạn chế du khách đến hay không, Thống đốc hòn đảo Bali Wayan Koster khẳng định số lượng du khách đến hòn đảo sẽ không giảm.
"Không vấn đề gì. Chúng tôi sẽ áp dụng quy định này vì môi trường và văn hóa, đồng thời sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng tốt hơn để khách du lịch đến Bali sẽ cảm thấy thoải mái và an toàn hơn", ông Wayan Koster khẳng định.
Du lịch sinh thái
Zhang Jiajie, Trợ lý giáo sư về địa lý con người tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore cho biết thuế du lịch sinh thái có thể tạo ra "hai cú hích cùng một lúc" nếu được thực hiện đúng cách.
Thuế không chỉ hạn chế tình trạng suy thoái môi trường do du lịch quá mức gây ra mà còn tài trợ cho các sáng kiến bảo tồn môi trường bằng số tiền thu được.
Ông Noreen Breakey, Giảng viên trường kinh doanh tại Đại học Queensland khẳng định giá trị chính của thuế du lịch sinh thái là khách du lịch thường không phải trả toàn bộ chi phí cho việc sử dụng và tác động của chúng.
"Bản thân thuế được sử dụng để nhắc nhở du khách rằng bất kỳ chuyến ghé thăm nào cũng có tác động tích cực đến môi trường", Christopher Khoo, Giám đốc điều hành công ty tư vấn du lịch MasterConsult Services cho biết.
Tuy nhiên, thuế du lịch sinh thái có thể hạn chế số lượng khách du lịch đến các nước và dẫn đến tổn thất doanh thu cho các doanh nghiệp phụ thuộc vào du lịch, vốn đóng góp tới 60% nền kinh tế Bali.
Theo Hội đồng Du lịch & Lữ hành Thế giới (WTTC), vào năm 2022, ngành Du lịch & Lữ hành đã đóng góp 7,6% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Du lịch cũng là nguồn tạo việc làm chính do tính chất sử dụng nhiều lao động và tác động cấp số nhân lên thị trường việc làm trong các lĩnh vực liên quan.
Ông Zhang nói rằng sẽ là phiến diện khi cho rằng du khách quốc tế là thủ phạm duy nhất gây suy thoái môi trường hoặc thuế du lịch "xanh" sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương.
"Cần thiết lập khuôn khổ vững chắc để báo cáo chính xác về khoản tiền thu được từ thuế mang lại lợi ích cho hoạt động bảo tồn và sinh kế địa phương. Mặt khác, hiệu ứng nhỏ giọt là điều đáng nghi ngờ. Gần đây, một số ý kiến còn cho rằng thuế du lịch sinh thái thường được hiểu là 'trả tiền để gây ô nhiễm' đối với khách du lịch, tương tự như những lời chỉ trích mà thị trường tín dụng carbon phải đối mặt", ông Zhang nói.
Những quốc gia châu Á đã áp dụng thuế du lịch
Bhutan và Đảo Jeju (Hàn Quốc) mới đây đã áp dụng thuế trong hoạt động du lịch. Vương quốc Bhutan nhỏ bé trên dãy Himalaya, được xem là một trong những điểm đến du lịch độc đáo nhất thế giới, đã tăng thuế du lịch vào tháng 9/ 2022 khi nước này mở cửa biên giới trở lại.
Du khách quốc tế đến Bhutan giờ đây sẽ phải chịu thuế phí phát triển bền vững (SDF) là 200 USD/đêm, tăng đột biến so với mức 65 USD/đêm duy trì trong suốt 3 thập kỷ qua.
Các quan chức chính phủ nước này cho rằng doanh thu sẽ được sử dụng để bù đắp lượng khí thải carbon của du lịch, cải thiện cơ sở hạ tầng trung hòa carbon và duy trì cảnh quan thiên nhiên của đất nước.
Tuy nhiên, việc tăng thuế cũng nhận được một số thông tin trái chiều. Các nhà quan sát cho rằng mức thuế cao hơn sẽ ngăn cản khách du lịch đến đây, đặc biệt là những người từ các quốc gia láng giềng có thu nhập thấp như Bangladesh và Ấn Độ, đến thăm Bhutan.
Ông Khin Omar Win, người đồng sáng lập và chủ sở hữu khách sạn 5 sao Gangtey Lodge Bhutan cũng nhận định việc triển khai có thể được thực hiện xen kẽ để cho phép ngành phục hồi nhanh hơn và để thị trường điều chỉnh theo sự thay đổi chính sách.
Vì vậy, quốc gia Nam Á này đã tiếp tục điều chỉnh thuế du lịch vào tháng trước để đối phó với phản ứng đa chiều về vấn đề này.
Hay tại đảo Jeju (Hàn Quốc), vào tháng 4, chính quyền địa phương của hòn đảo này cũng cho biết đang có kế hoạch áp thuế du lịch để hỗ trợ các nỗ lực bảo tồn môi trường. Khách du lịch có thể sớm phải trả thuế du lịch sinh thái khoảng 8.170 won (6,45 USD) mỗi ngày để vào đảo Jeju của Hàn Quốc.
Tuy nhiên, trên trang The Strait Times, một khách du lịch người Singapore đến Jeju vẫn cho rằng mức phí là hợp lý và bà sẽ tiếp tục lên kế hoạch cho chuyến thăm Jeju, nơi được mệnh danh là "Hawaii của châu Á" vào năm 2024. Tuy nhiên, những người khác lại không chấp nhận và phàn nàn rằng lệ phí quá cao.
Thuế du lịch sinh thái có hợp lý không?
Theo dữ liệu từ Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc (UN WTO), hơn 900 triệu khách du lịch đã đi du lịch quốc tế vào năm 2022 – gấp đôi con số được ghi nhận vào năm 2021 mặc dù chỉ bằng 63% so với mức trước đại dịch.
Trong khi mọi khu vực đều ghi nhận sự gia tăng đáng kể về số lượng khách du lịch quốc tế thì châu Á và Thái Bình Dương là khu vực tăng trưởng chậm nhất, chỉ đạt 23% mức trước đại dịch.
Các chuyện gia cho rằng thuế du lịch sinh thái đóng vai trò quan trọng ở châu Á hậu đại dịch Covid-19.
"Bản chất của du lịch cũng sẽ có một số tác động đến môi trường dù ít hay nhiều. Ngay cả trước đại dịch, thế giới đã phải vật lộn với tình trạng khủng hoảng môi trường. Các chính sách như thuế du lịch sinh thái có thể và cần được tích cực nghiên cứu", các chuyên gia nhận định.
Trong khi đó, chuyên gia Zhang nhấn mạnh sẽ thật ngờ nghệch khi nghĩ rằng du lịch quá tải không còn là vấn đề sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Thay vào đó, các nhà quy hoạch du lịch và các nhà hoạch định chính sách nên tận dụng thời gian ngừng hoạt động này để đánh giá lại chiến lược phát triển du lịch bền vững và thúc đẩy các hoạt động du lịch có trách nhiệm nhiều hơn.