(Tổ Quốc) - Tối 16.6, tại Hà Nội, Ban Tổ chức chương trình “Điểm tựa của bản làng” lần thứ II năm 2024 đã tổ chức Lễ tôn vinh người có uy tín tiêu biểu khu vực biên giới, biển, đảo. Chương trình do Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp tổ chức.
- 14.06.2024 Phát huy vai trò của người có uy tín trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật và bài trừ hủ tục lạc hậu
- 06.06.2024 Phát triển văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giúp rút ngắn khoảng cách giữa miền ngược và miền xuôi
- 05.06.2024 Đẩy mạnh thu hút đầu tư cho hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi
- 20.04.2024 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín
- 19.04.2024 Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín
Tham dự chương trình có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư, Đại tướng Lương Cường; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang; cùng các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng; đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo thành phố Hà Nội và gần 200 đại biểu là người có uy tín tiêu biểu khu vực biên giới, biển đảo.
Về phía Bộ VHTTDL, tham dự chương trình có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng.
Phát biểu tại chương trình, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thường trực Ban Bí thư, Đại tướng Lương Cường nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những thành tích mà đội ngũ những người có uy tín đã đạt được trong thời gian qua.
Thường trực Ban Bí thư khẳng định: "Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm tới công tác vận động, phát huy vai trò của người uy tín trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều đóng góp trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, là những cá nhân ưu tú, có hiểu biết sâu sắc các phong tục, tập quán ở địa phương, được cộng đồng mến mộ, kính trọng, suy tôn".
Theo Thường trực Ban Bí thư, người có uy tín thực sự là cầu nối giữa Đảng và dân, làm tăng thêm lòng tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước, Quân đội và Bộ đội Biên phòng. Sự bình yên và phồn vinh của biên cương Tổ quốc có công lao, đóng góp và hy sinh to lớn của đồng bào các dân tộc nói chung và của người uy tín các dân tộc nói riêng. Đây thực sự là những “Điểm tựa của bản làng” ở những vùng đất trọng yếu của Tổ quốc chúng ta.
Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, cộng đồng 54 dân tộc trên đất nước Việt Nam luôn kề vai sát cánh, chia ngọt sẻ bùi, thủy chung, đoàn kết keo sơn. Truyền thống đoàn kết được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử đã trở thành cội nguồn sức mạnh của dân tộc ta.
"Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số chính là sợi dây kết nối bền chặt tình đoàn kết keo sơn đó. Bác Hồ của chúng ta cũng đã từng khẳng định khi “có đại đoàn kết thì tương lai chắc sẽ vẻ vang” - Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.
Thường trực Ban Bí thư Lương Cường cũng khẳng định: Những hành động tốt, việc làm hay của đội ngũ người có uy tín, các già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc tôn giáo thực sự có sức lay động lòng người, truyền cảm hứng để những điều hay, lẽ phải ngày càng được nhân lên trong cuộc sống.
Để phát huy tốt hơn nữa vai trò của người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở vùng biên giới, biển, đảo trong thời gian tới, Thường trực Ban Bí thư, Đại tướng Lương Cường đề nghị các ngành, các địa phương và người có uy tín cần thực hiện tốt một số nội dung: Các Ban, Bộ, ngành, lực lượng vũ trang và Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò hết sức quan trọng của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Cấp ủy, chính quyền các cấp phải quan tâm hơn nữa đối với những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Sớm phát hiện, bồi dưỡng và chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho những nhân tố có triển vọng để trở thành những người có uy tín kế cận, kế tiếp dồi dào và vững mạnh. Các chính sách đến với những người có uy tín cần kịp thời, đầy đủ và thiết thực. Ngoài quy định chung của Trung ương, Cấp ủy, chính quyền các cấp cần nghiên cứu thêm những chính sách với người có uy tín phù hợp với đặc điểm, tình hình riêng của đơn vị, địa phương.
Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp quan tâm công tác xây dựng, bồi dưỡng, phát huy vai trò của người có uy tín, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh. Lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an gắn bó và phối hợp chẽ với đội ngũ người có uy tín ở khu vực biên giới, tùy thuộc vào đặc điểm vùng miền, đặc điểm dân tộc, điều kiện của địa phương để đổi mới cách thức phối hợp cho phù hợp, đa dạng, linh hoạt và hiệu quả.
Thường trực Ban Bí thư, Đại tướng Lương Cường mong muốn và đề nghị các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, các vị chức sắc tôn giáo, người có uy tín tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm, gương mẫu trong lời nói và việc làm, để gia đình, dòng họ, thôn bản, cộng đồng noi gương học tập và làm theo; tích cực phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cộng đồng các dân tộc; trực tiếp hướng dẫn, vận động nhân dân phát triển sản xuất, làm giàu chính đáng, thực hiện nếp sống văn hóa, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, tệ nạn mê tín dị đoan; vận động con cháu trong gia đình, dòng họ, thôn bản tham gia các tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới; phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Công an tổ chức tuần tra, bảo vệ biên giới, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển.
Đại tướng Lương Cường cũng đề nghị Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Ủy ban Dân tộc định kỳ tổ chức chương trình 2 năm 1 lần để kịp thời tôn vinh, động viên những người có uy tín tiêu biểu cùng với đồng bào các dân tộc và lực lượng chức năng đang ngày đêm sát cánh cùng thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc.
Thường trực Ban Bí thư mong muốn người có uy tín luôn ghi nhớ lời căn dặn sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi gặp mặt của Chương trình “Điểm tựa của bản làng” lần thứ I, năm 2018 là “Mong bà con luôn tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tin tưởng vào tiền đồ tốt đẹp của dân tộc, không nghe kẻ xấu xúi giục, không làm điều gì ảnh hưởng tới khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực sự là những “Điểm tựa của bản làng".
Tại chương trình, Ban Tổ chức đã trao Biểu trưng và Giấy chứng nhận của Chương trình “Điểm tựa của bản làng” tặng 200 đại biểu người có uy tín tiêu biểu ở khu vực biên giới, biển, đảo thuộc 47 dân tộc thiểu số đến từ 43 tỉnh, thành phố biên giới, vùng biển, đảo.
Đây là những người có uy tín tiêu biểu trong bảo vệ đường biên, mốc giới, tham gia giữ gìn an ninh, trật tự, phòng, chống các tệ nạn xã hội, các loại tội phạm trên biên giới, phát triển kinh tế, giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa vùng dân tộc thiểu số, thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...
Chương trình “Điểm tựa của bản làng” lần thứ II, năm 2024 được tổ chức ở quy mô toàn quốc. Các đại biểu là người có uy tín tiêu biểu khu vực biên giới, biển đảo tham dự các hoạt động gồm: Gặp mặt Chủ tịch nước; Tham quan Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông (K9); Tham dự Lễ Tôn vinh trao Giấy chứng nhận và biểu trưng của chương trình./.