• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng: Nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa phải đầy đủ, toàn diện và sâu sắc

Thời sự 17/12/2022 22:17

(Tổ Quốc) - Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho rằng, trong quá trình xây dựng thể chế, chính sách về văn hóa, cần quán triệt, nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của văn hóa, phải hiểu đúng, đầy đủ, toàn diện về văn hóa, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.

Chiều 17/12, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh, Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề: "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa'' tiếp tục với Phiên toàn thể. Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã có bài phát biểu quan trọng tại Phiên toàn thể Hội thảo.


Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhận định thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa vừa là nội dung lớn, quan trọng và thiết thực vừa là vấn đề khó, một trong những điểm nghẽn lớn trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng: Nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa phải đầy đủ, toàn diện và sâu sắc  - Ảnh 1.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu tại Hội thảo Văn hóa 2022

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho rằng, Hội thảo Văn hóa 2022 là hoạt động thiết thực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa Toàn quốc năm 2021.

Theo Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, nhân dân ta có nền văn hóa đặc sắc được kế thừa, bổ sung phát triển qua nhiều thế hệ, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được phát huy. Nền văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc là bệ đỡ, tạo sức mạnh nội sinh để đất nước vượt qua muôn vàn thử thách, gian nan, tiến lên theo dòng chảy của lịch sử.

Những năm qua đặc biệt từ thời kỳ đổi mới, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng và các cơ quan nhà nước, nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hoá, con người Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực. Thường trực Ban Bí thư cũng nhấn mạnh chủ trương của Đảng trên các lĩnh vực quan trọng của văn hóa được thể chế hóa, tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy văn hóa phát triển.

Tuy nhiên, vị trí, vai trò của văn hóa chưa thực sự được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Môi trường văn hóa có những mặt chưa thực sự lành mạnh. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chưa bị đẩy lùi. Văn hóa phẩm độc hại, thông tin tiêu cực trên Internet, mạng xã hội tác động xấu đến giới trẻ, gia đình và xã hội.

Thường trực Ban Bí thư nhận định thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa vừa là nội dung lớn, quan trọng và thiết thực vừa là vấn đề khó, một trong những điểm nghẽn lớn trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Để khơi thông và phát huy giá trị nguồn lực văn hóa, ông Võ Văn Thưởng cho rằng trong quá trình xây dựng thể chế, chính sách về văn hóa, cần quán triệt, nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của văn hóa, phải hiểu đúng, đầy đủ, toàn diện về văn hóa, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng: Nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa phải đầy đủ, toàn diện và sâu sắc  - Ảnh 2.

Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa vừa là nội dung lớn, quan trọng và thiết thực vừa là vấn đề khó, một trong những điểm nghẽn lớn trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nêu ra năm vấn đề cần thảo luận, nghiên cứu liên quan tới thể chế, chính sách và nguồn lực phát triển văn hóa:

Thứ nhất, trong quá trình xây dựng thể chế, chính sách về văn hóa phải quán triệt, nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của văn hóa. Phải hiểu đúng, đầy đủ, toàn diện về văn hóa. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.

Thứ hai, thể chế, chính sách phát triển văn hóa vừa phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn, coi trọng các yếu tố đặc thù của văn hóa, vừa phải giữ gìn, kế thừa hồn cốt, các giá trị cao đẹp của văn hóa dân tộc; đồng thời, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm giàu thêm kho tàng văn hóa Việt Nam.

Thứ ba, thể chế, chính sách về văn hóa phải đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, thực sự hiệu lực, hiệu quả, tạo lập môi trường thuận lợi cho phát triển văn hóa; phân cấp, phân quyền minh bạch, xác định rõ quyền hạn, nghĩa vụ của các chủ thể thực hiện; quy định rõ trách nhiệm kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Thứ tư, nguồn lực cho phát triển văn hóa không chỉ là tài chính, cơ sở vật chất, mà còn là nguồn lực con người, vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, truyền thống dân tộc...; không chỉ là nguồn lực của nhà nước, mà còn nguồn lực của toàn xã hội. Vì thế, nếu có được thể chế, chính sách đúng đắn, phù hợp, bao quát, sẽ khơi thông được nguồn lực to lớn của đất nước cho phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Thứ năm, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị phải nhận thức đầy đủ, xác định rõ trách nhiệm của mình trong công tác xây dựng pháp luật, chính sách văn hóa; phải phối hợp chặt chẽ, thực chất trong quá trình xây dựng pháp luật, chính sách; nghiêm túc lấy ý kiến, tiếp thu và giải trình ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động của luật pháp, chính sách về văn hóa.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng: Nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa phải đầy đủ, toàn diện và sâu sắc  - Ảnh 3.

Quang cảnh Hội thảo

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng khẳng định: Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa là nội dung lớn, quan trọng và thiết thực. Đây cũng là vấn đề khó, được xác định là một trong những điểm nghẽn lớn trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Việc lựa chọn chủ đề và cách thức tổ chức Hội thảo cho thấy cách tiếp cận đúng đắn, khoa học và hiệu quả của Quốc hội trong tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Ông Võ Văn Thưởng tin tưởng rằng, với những đóng góp trí tuệ, tâm huyết cho Hội thảo của các đại biểu tham dự, kết quả đạt được của Hội thảo không chỉ có giá trị đối với các cơ quan tổ chức hội thảo, mà còn giúp các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân thấm nhuần hơn vị trí, vai trò của văn hóa trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ