(Tổ Quốc) - Các công ty Đức muốn Thủ tướng Angela Merkel giảm thiểu thiệt hại do các lệnh trừng phạt cứng rắn nhiều năm của Mỹ đối với Nga, theo tờ DW.
Chủ tịch một tập đoàn kinh doanh có ảnh hưởng của Đức cho biết Mỹ đang ưu tiên lợi ích kinh tế của chính mình.
Các biện pháp trừng phạt "phản tác dụng" của Mỹ đối với Nga đã khiến các công ty Đức thiệt hại hàng tỷ euro từ các cơ hội kinh doanh bị mất, Phòng Thương mại Đức-Nga (AHK) cho biết hôm thứ Tư.
Hơn 140 công ty tham gia vào một cuộc khảo sát gần đây đã báo cáo thiệt hại hơn 1,1 tỷ euro (1,25 tỷ USD) kể từ khi các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga có hiệu lực 5 năm trước, nhóm này cho biết.
Các công ty Đức đã thiệt hại nhiều do các lệnh trừng phạt Mỹ nhằm vào Nga. Nguồn: TASS
"Tổng số tiền lên tới vài tỷ euro khi tính toán những con số này với toàn bộ nền kinh tế Đức và hơn 4.500 công ty đang hoạt động tại Nga," Giám đốc điều hành AHK Matthias Schepp nói thêm.
Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đã áp đặt các lệnh trừng phạt vào Moscow sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào đầu năm 2014.
Chủ tịch AHK Rainer Seele cáo buộc Hoa Kỳ sử dụng các biện pháp trừng phạt để theo đuổi lợi ích kinh tế của chính mình và để các công ty vừa và nhỏ của Đức phải trả giá.
Còn theo ông Schepp, các lệnh trừng phạt của EU có tác động tương đối hạn chế đối với các công ty Đức hoạt động ở Nga.
Ông Seele cho hay, "các biện pháp trừng phạt này là phản tác dụng, không phục vụ được mục đích chính trị của họ, dẫn đến sự xa cách giữa Mỹ và châu Âu và gây hại cho các bên trong dài hạn", ông nói. EU nên bắt đầu với việc chấm dứt các lệnh trừng phạt của riêng mình đối với Nga.
AHK cho biết 87% thành viên của mình muốn Thủ tướng Đức Angela Merkel theo đuổi mối quan hệ tốt hơn với Nga bằng cách tham dự nhiều sự kiện kinh tế ở nước này.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier đã ký cam kết cải thiện quan hệ kinh tế với Nga tại hội nghị thượng đỉnh kinh tế lớn nhất nước này tại St. Petersburg hồi đầu tháng này. Ông là bộ trưởng cao cấp đầu tiên của Đức tham gia một hội nghị như vậy kể từ năm 2014.
Schepp cho biết hầu hết các thành viên AHK vẫn đang kinh doanh tốt ở Nga, và "các công ty hy vọng doanh thu và lợi nhuận sẽ tăng" trong tương lai gần. Khoảng 39% các công ty muốn đầu tư nhiều hơn vào Nga, ông nói thêm.
Đức hiện cũng đang ủng hộ dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 từ Nga trực tiếp châu Âu. Động thái này đã bị Mỹ và Ukraine cực lực phản đối và chỉ trích.