(Tổ Quốc) - Căng thẳng trừng phạt giữa Mỹ và Nga không chỉ làm tổn thương quan hệ mà còn ngăn cản bất cứ tiến bộ về Ukraine và Syria.
- 03.08.2017 Mỹ trừng phạt Nga, EU tính sẵn đáp trả
Căng thẳng trừng phạt giữa Mỹ và Nga không chỉ làm tổn thương quan hệ mà còn ngăn cản bất cứ tiến bộ nào trên các mặt trận then chốt như cuộc xung đột đang bị đóng băng ở Ukraine hay cuộc xung đột Syria, các nhà phân tích nói với Sputnik.
Tổng thống Trump ngày 2/8 đã kí một đạo luật nhằm thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, Triều Tiên và Iran.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev trong cùng ngày đã lên tiếng rằng đạo luật trừng phạt mới trên là lời tuyên bố về "cuộc chiến kinh tế toàn diện" giữa Mỹ và Nga. Ông Medvedev cũng cho biết hiện tại đã không còn hy vọng cải thiện mối quan hệ giữa Nga với chính quyền Mỹ mới.
Dự án Nord Stream 2 là một tâm điểm trong lệnh trừng phạt mới của Mỹ vào Nga. (Nguồn: Sputnik) |
Mâu thuẫn leo thang
Ngày 3/8, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc (LHQ) Vasily Nebenzya cho biết trong một cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ rằng các biện pháp trừng phạt không nên được sử dụng vì lý do kinh tế mà chỉ là một công cụ để giải quyết khủng hoảng.
Nhà phân tích Daniel Kovalik cũng nói với tờ Sputnik hôm thứ Năm rằng "Những biện pháp trừng phạt này trên thực tế là ... cuộc chiến kinh tế đối với Nga. "Những biện pháp trừng phạt này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động chung của Hoa Kỳ - Nga đối với các vấn đề như Ukraine và Syria."
Ông Trump đã không thành công trong việc ngăn chặn hoặc chỉ là làm chậm lại các chính sách của Quốc hội Mỹ nhằm gia tăng sức ép kinh tế, ngoại giao và quân sự với Moscow, Kovalik cho hay.
Ông Kovalik cũng nói rằng: "Hoa Kỳ đang tiếp tục đi sâu hơn trong cuộc đối đầu với Nga bằng các bằng chứng là những biện pháp trừng phạt này cũng như sự tăng cường quân đội của NATO và việc bố trí gần đây các tên lửa Patriot ở các nước Baltic."
Khó xử quan hệ Mỹ - EU
Đã có những dấu hiệu cho thấy biện pháp trừng phạt trên có thể có tác dụng ngược, gây ra những rạn nứt nghiêm trọng giữa Washington và các đồng minh châu Âu - những bên không muốn trả giá cho thiệt hại về kinh tế và mối quan hệ xấu đi với Nga khi thực hiện các động thái trên, Kovalik lưu ý.
“Xem xét phản ứng của EU đối với đạo luật của Mỹ, rõ ràng rằng Mỹ chưa hiểu được những quan ngại của EU về vấn đề này. Trên thực tế, Bộ trưởng Kinh tế Đức, Brigitte Zypries, đã yêu cầu EU phải chống lại các biện pháp trừng phạt mới, cho biết rằng, họ (Mỹ) đang chống lại luật pháp quốc tế", ông nói.
Các nhà lãnh đạo và nghị viện châu Âu cũng đã không hài lòng về việc Quốc hội Mỹ áp đảo thông qua các biện pháp trừng phạt mới và mong muốn châu Âu thực thi chúng.
"Thực tế là Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel, đã công khai chỉ trích các biện pháp trừng phạt này... ", Giáo sư Nicolai Petro của Đại học Rhode Island nói.
Các biện pháp trừng phạt nhắm mục tiêu vào dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 – dự án rất quan trọng đối với sự thịnh vượng tương lai của Nga cũng như cho các quốc gia lớn của châu Âu, Kovalik nhắc lại.
Ông nói: "Hoa Kỳ nhiều năm qua đã phản đối đường ống dẫn Nord Stream 2 từ Nga tới EU, và các biện pháp trừng phạt này nhằm mục đích làm suy yếu khả năng tồn tại của dự án này, và đe dọa sự sống còn của Nga."
Các biện pháp trừng phạt đã được thúc đẩy thông qua với lập luận rằng Hoa Kỳ cần phải "trừng phạt" Nga vì can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 – điều Nga hoàn toàn bác bỏ và trong khi Mỹ vẫn đang tiến hành điều tra, Kovalik cho biết.
Vấn đề về xung đột Ukraine
Giáo sư Nicolai Petro của Đại học Rhode Island nói với Sputnik rằng quyết định của ông Trump ký đạo luật trừng phạt thành luật đã làm giảm đáng kể hy vọng cho việc cải thiện quan hệ song phương như ông Trump từng bày tỏ khi còn chạy đua vào ghế Tổng thống Mỹ.
Thay vào đó, động thái này sẽ làm dấy lên cuộc đối đầu và xa cách giữa Washington và Moscow, đồng thời sẽ không giúp thúc đẩy tiến bộ để chấm dứt bế tắc ở Ukraine, Petro lưu ý.
"Các biện pháp trừng phạt sẽ duy trì nguyên trạng ở Đông Ukraine và Crimea," ông nói.
Ông Trump đã phá hủy mong muốn của chính ông trong việc cải thiện quan hệ song phương với Nga khi ký vào đạo luật khắc nghiệt nhằm tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Nga, ông Kovalik cũng nhận định.
"Trong tình hình như vậy, Nga sẽ có ít động lực để làm việc với Hoa Kỳ về Ukraine hoặc bất kỳ vấn đề nào khác ... Tôi nghĩ rằng triển vọng cải thiện quan hệ với Nga bây giờ là khá mờ nhạt," ông Kovalik nói.
Điểm mấu chốt là ông Trump sẽ nhận thấy rằng Nga không còn sẵn sàng hợp tác với ông nữa vì các nhà lãnh đạo ở Moscow đã nhận thấy sự khó xử về chính trị của Tổng thống Mỹ, Petro đánh giá.
"Những động thái như vậy (luật trừng phạt) làm giảm sự quan tâm của Nga trong hợp tác vì họ nhận thấy sự khó xử chính trị của Trump", ông nói.
(Theo Sputnik)