(Tổ Quốc) - Tiếp theo chương trình làm việc tại Phiên họp thứ 37, sáng 24/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, lĩnh vực quảng cáo đã được xác định là 1 trong 12 ngành công nghiệp văn hóa của nước ta, luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng phát triển gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế.
Đây cũng là luật có nội dung mang tính chất thực tiễn rất cao nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, quan điểm của Đảng, đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Quảng cáo hiện hành.
Hồ sự dự án Luật đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét
Tại phiên họp, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Về sự cần thiết, Bộ trưởng cho biết, dự án Luật được xây dựng nhằm thể chế hóa văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước liên đến văn hóa, công nghiệp văn hóa và xây dựng pháp luật.
Đồng thời, khắc phục những bất cập, hạn chế sau hơn 10 năm thực hiện Luật Quảng cáo năm 2012, như: Một số quy định của pháp luật về nội dung và hình thức quảng cáo chưa phù hợp với sự phát triển đa dạng của hoạt động quảng cáo; các quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới cần điều chỉnh để đáp ứng sự phát triển về kinh tế - xã hội và xu thế hội nhập; quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời đã bộc lộ bất cập, chưa phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành khác.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, về sự cần thiết của dự án Luật, Thường trực Ủy ban tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo năm 2012 với những lý do được nêu tại Tờ trình của Chính phủ.
Hồ sơ dự án Luật đảm bảo yêu cầu về thời hạn; các tài liệu trong Hồ sơ dự án Luật cơ bản phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện một số tài liệu của hồ sơ dự án Luật, bảo đảm đầy đủ, chính xác.
"Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhận thấy Hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến" - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh.
Làm rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cơ quan soạn thảo lý giải rõ hơn về việc không tiếp tục quy trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo.
Một vấn đề thứ hai mà Chủ tịch Quốc hội đề nghị lý giải đó là làm rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo bởi vì luật sửa đổi, bổ sung quy định Bộ VHTTDL là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo, quy định trong luật hiện hành là Bộ VHTTDL chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo.
Theo bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Ban công tác đại biểu, trong suốt thời gian qua Luật Quảng cáo đã phát huy được hiệu quả, đóng góp cho xã hội phát triển cũng như nguồn thu của các cơ quan, tổ chức nói chung. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay Luật Quảng cáo đã không theo kịp sự phát triển của các loại hình quảng cáo trên thực tế, do đó việc sửa là thật sự cần thiết.
Nêu ý kiến tại phiên họp, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá rất cao Bộ VHTTDL đã chuẩn bị rất kỹ dự án luật này. Hồ sơ rất đầy đủ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có cả các dự thảo, các nghị định để ban hành khi luật này được Quốc hội thông qua.
Phát biểu ý kiến, Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thanh Lâm khẳng định sẽ cùng với Bộ VHTTDL tiếp thu các ý kiến góp ý mà các đại biểu đã chỉ ra để thống nhất về các nội hàm, khái niệm với các luật pháp có liên quan và đảm bảo có tính bao quát, không phụ thuộc cụ thể vào một phương thức truyền đưa mà có thể sẽ diễn biến theo thời gian, bởi vì đây là lĩnh vực vừa là kinh tế, vừa là công nghệ và biến đổi liên tục trong rất nhiều năm qua.
"Chúng ta vừa làm vừa học theo cách quản lý của các quốc gia khác trên thế giới trong bối cảnh công nghệ đi trước rất nhiều" - ông Nguyễn Thanh Lâm nói.
Rà soát, bổ sung trách nhiệm của các Bộ có liên quan
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm, kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo và Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã có sự chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng xây dựng hồ sơ dự án luật tương đối đầy đủ, bảo đảm tính khách quan, khoa học được tiếp thu, chỉnh sửa nhiều lần trên cơ sở góp ý của các bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất một số nội dung. Thứ nhất là về hồ sơ dự án luật đủ điều kiện để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục hoàn thiện Báo cáo tổng kết thi hành luật, Báo cáo đánh giá tác động và các tài liệu có liên quan.
Thứ hai là về phạm vi sửa đổi, bổ sung, Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo theo Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, cần tiếp thu và đề nghị tiếp tục rà soát các lĩnh vực, các phương tiện, phương thức, cách thức để nhận diện một cách bao quát hơn hoạt động quảng cáo, dự lường những phát sinh trong thực tiễn và tương lai phát triển công nghệ.
Thứ ba, tính thống nhất của hệ thống pháp. Luật Quảng cáo có liên quan đến nhiều luật chuyên ngành khác, do đó đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát để đảm bảo sự thống nhất với một số luật có liên quan.
Thứ tư, về một số nội dung cụ thể của dự án luật. Một số quy định của dự thảo luật cần được tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động kỹ lưỡng trên cơ sở bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm của người tiêu dùng, của doanh nghiệp và công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực quảng cáo, như quy định về diện tích quảng cáo trên báo in, thời lượng quảng cáo trên báo hình, trên phim truyện, cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo.
Về quảng cáo trên mạng, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, hiện nay thị trường quảng cáo trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đang có sự chuyển dịch từ quảng cáo trên các phương tiện truyền thống, như quảng cáo ngoài trời, quảng cáo trên báo chí sang quảng cáo trên mạng hay không gian mạng hay nền tảng số.
Do đây là nội dung sửa đổi rất quan trọng, cần tiếp tục đối chiếu, rà soát với các luật chuyên ngành, như Luật Công nghệ thông tin, Luật Viễn thông, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng; rà soát với các cam kết quốc tế, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời bao quát hết các đối tượng hoạt động quảng cáo trên mạng hay không gian mạng hay nền tảng số, đảm bảo tính khả thi và dự báo cao.
Về quy định đối với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, các ý kiến đều nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung khái niệm quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, trong đó có người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng.
Tuy nhiên, về các quy định cụ thể, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, rà soát, tiếp thu ý kiến cơ quan chủ trì thẩm tra, các ý kiến tại phiên họp để hoàn thiện, bảo đảm tính khả thi khi thực hiện luật, khắc phục được thực tế hiện nay nhiều người dùng mạng xã hội, bao gồm cả người có ảnh hưởng giới thiệu, mời chào, quảng cáo cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng, không đúng sự thật, gây bức xúc, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
"Các ý kiến cơ bản thống nhất với việc sửa đổi, phân định, làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương đối với hoạt động quảng cáo. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, bổ sung trách nhiệm của các bộ có liên quan, như Bộ Công Thương, Bộ Công an và các bộ khác vào dự thảo nghị quyết để đảm bảo các yêu cầu về an ninh tư tưởng, an ninh văn hóa, an ninh kinh tế, an ninh trật tự." - bà Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh./.