(Tổ Quốc) -Sáng 19/9, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Ngọc Thiện đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo Dự án Luật Du lịch sửa đổi tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- 09.07.2016 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Những điểm nhấn nổi bật 6 tháng đầu năm 2016
- 16.07.2016 “Cần phải bỏ tư duy coi du lịch chỉ là ngành vui chơi giải trí“
- 10.08.2016 Phải thay đổi tư duy để du lịch không bị tụt hậu
- 17.08.2016 Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Cần phát huy sức mạnh của truyền thông đối với công tác xúc tiến quảng bá du lịch
- 12.09.2016 Thường vụ Quốc hội chuẩn bị xem xét dự thảo Luật Du lịch
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, sau 10 năm thực hiện, Luật Du lịch năm 2005 đã có nhiều tác động tích cực và hiệu quả đối với đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước và sự phát triển của ngành Du lịch. Đơn cử như năm 2015 lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 7,94 triệu lượt, tăng gấp 2 lần so với năm 2005; khách du lịch nội địa đạt 57 triệu lượt; tổng thu từ du lịch đạt 338.000 tỷ đồng; có 18.800 cơ sở lưu trú du lịch với 355.000 buồng…
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đọc tờ trình dự án Luật Du lịch sửa đổi tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội. |
Tuy nhiên, quá trình triển khai Luật du lịch 2005 đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng tới hoạt động và sự phát triển của ngành Du lịch. Trong đó, sự phát triển, thay đổi của hệ thống pháp luật Việt Nam cùng với quá trình hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ đã làm nhiều quy định của Luật du lịch về chính sách phát triển du lịch, quy hoạch du lịch, khu du lịch, tuyến du lịch, điểm du lịch, đô thị du lịch, kinh doanh du lịch, xúc tiến du lịch,… không còn phù hợp và thiếu tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đặt ra yêu cầu cần nghiên cứu sửa đổi toàn diện…
Nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập, theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, việc xây dựng và ban hành Luật du lịch (sửa đổi) là rất cấp thiết, đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật, góp phần tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thúc đẩy du lịch phát triển.
Dự thảo Luật Du lịch sửa đổi được thiết kế thành 10 Chương với 79 điều, bố cục theo hướng hợp lý hơn với các phần: Những quy định chung; Khách du lịch; Tài nguyên du lịch; Quy hoạch phát triển du lịch; Khu du lịch quốc gia, điểm du lịch; Lữ hành, vận tải khách du lịch và hướng dẫn du lịch; Cơ sở lưu trú du lịch, kinh doanh dịch vụ du lịch khác; Xúc tiến du lịch, hợp tác và hội nhập quốc tế về du lịch; Quản lý nhà nước về du lịch; Điều khoản thi hành. Dự thảo Luật du lịch (sửa đổi) lần này cũng sửa đổi, bổ sung 56 điều, quy định mới 21 điều và giữ nguyên 2 điều.
Tại phiên họp sáng 19/9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ý kiến bàn thảo đều đánh giá cao sự chuẩn bị của Ban soạn thảo dự án Luật Du lịch sửa đổi. Các ý kiến cũng nhất trí cao việc cần thiết phải ban hành Luật Du lịch sửa đổi để đáp ứng với nhu cầu phát triển của ngành Du lịch hiện tại cũng như tương ứng với tiềm năng hiện có.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp. |
Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Du lịch sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho hay, hồ sơ của dự án được Chính phủ chuẩn bị tương đối đầy đủ. Thường trực Ủy ban cơ bản tán thành với nội dung tờ trình Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật Du lịch, tên gọi, phạm vi điều chỉnh… Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bố trí lại các chương, mục, sắp xếp lại các điều, khoản một cách hợp lý và chặt chẽ hơn.
Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo rà soát các quy định pháp luật liên quan về ưu đãi đầu tư (theo Luật đầu tư 2014); đồng thời nghiên cứu chi tiết hóa các chính sách phát triển du lịch, huy động nguồn lực, hỗ trợ phát triển du lịch; lồng ghép phát triển du lịch trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm khai thác tốt tiềm năng du lịch.
Ngoài ra, Thường trực Ủy ban và các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo bổ sung một số nội dung về Quỹ hỗ trợ phát phát triển du lịch như về nguồn thu, chủ thể quản lý, nguyên tắc, cơ chế điều hành Quỹ để tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ trong việc hướng dẫn thực hiện, đảm bảo tính khả thi của điều luật.
Cũng tại buổi làm việc sáng nay, các đại biểu cũng đóng góp ý kiến về các mục Thanh tra du lịch; lữ hành; hướng dẫn viên du lịch; cơ sở lưu trú; kinh doanh dịch vụ du lịch khác; Văn phòng xúc tiến du lịch; quản lý nhà nước về du lịch…
Thường trực Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo hoàn thiện nội dung báo cáo đánh giá tác động; bổ sung dự thảo quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật cũng như cung cấp thêm các tài liệu tham khảo, các tài liệu so sánh, đối chiếu nội dung sửa đổi trong Luật với các quy định của hệ thống pháp luật hiện hành để các đại biểu Quốc hội có thêm căn cứ, thông tin trong quá trình thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật.
Tại buổi họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đánh giá cao công tác chuẩn bị dự án luật cũng như báo cáo thẩm tra và các ý kiến đóng góp. Chủ tịch Quốc hội đồng ý việc trình dự án luật xin ý kiến Quốc hội lần đầu bởi hiện nay việc khai thác chưa tương xứng với tiềm năng du lịch
“Luật lần này phải giải quyết được hoạt động du lịch theo hướng tốt hơn, đa dạng hóa sản phẩm du lịch đi đôi với nâng cao chất lượng, thu hút khách đến nhiều, quay trở lại nhiều hơn, tạo điều kiện cho kinh tế du lịch phát triển”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu. Chủ tịch Quốc hội đồng thời nhấn mạnh: “Phát triển du lịch không thể tách rời văn hóa thì mới thành công được”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng lưu ý Ban soạn thảo cần rà soát lại các nội dung ý kiến đóng góp để nâng cao chất lượng, đặc biệt là tính chặt chẽ của dự thảo luật./.
Song Đào, ảnh: Nam Nguyễn