(Tổ Quốc) - Ngày 27/4, tại trụ sở Thành ủy Hà Nội, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII tiếp tục thực hiện chương trình Hội nghị lần thứ mười hai.
Trước đó, trong ngày làm việc đầu tiên, hội nghị đã nghe tờ trình, báo cáo và thảo luận, cho ý kiến tại tổ về 5 nội dung quan trọng, gồm: Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); Sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ và Thường trực Thành ủy khóa XVII; Điều chỉnh Kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2023 Đảng bộ Thành phố.
Tổng hợp kết quả thảo luận, ngày 26/4, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, có 73 lượt đại biểu phát biểu thảo luận với 147 ý kiến về các nội dung trên. Các đại biểu cơ bản tán thành với các nội dung tờ trình, báo cáo và thống nhất với dự thảo Nghị quyết Hội nghị do Ban Thường vụ Thành ủy chuẩn bị.
Hội nghị đã nghe các báo cáo giải trình đối với các ý kiến khác được đại biểu nêu trong các phiên thảo luận.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn đã giải trình về các ý kiến đối với Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, có 57 ý kiến tham gia đóng góp vào các nội dung Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ban Cán sự đảng UBND Thành phố sẽ tiếp thu đầy đủ các nội dung đại biểu góp ý để tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh nội dung điều chỉnh quy hoạch. Trong đó, Thành phố sẽ rà soát tính toán cụ thể hơn về dự báo quy mô dân số, bao gồm cả tính toán số lượng sinh viên, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, người lao động không đăng ký tạm trú trên địa bàn...
Thành phố cũng sẽ nghiên cứu, làm sâu sắc hơn những nét đặc trưng văn hiến, văn minh, hiện đại; nghiên cứu tiếp trong chương trình phát triển đô thị đối với mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô; làm rõ 5 trục không gian phát triển chính của Thủ đô.
Đối với việc nghiên cứu sân bay thứ hai, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, sở dĩ quy hoạch đưa vào nội dung này vì Quy hoạch cảng hàng không sân bay toàn quốc có xác định Hà Nội là thủ đô lớn, mà thủ đô lớn thì có 2 sân bay được bố trí theo trục Bắc - Nam, vì vậy, sân bay thứ hai sẽ được nghiên cứu ở khu vực phía Nam thành phố. Đây cũng là vị trí thuận lợi để kết nối với các tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam, đường sắt đô thị, các tuyến đường cao tốc kết nối vùng và quốc gia khác.
Đối với các trục phát triển, Thành phố nhất trí với ý kiến đại biểu cho rằng trục sông Hồng có ý nghĩa rất quan trọng, vừa bảo tồn vừa phát triển, nhất là có ý nghĩa trong bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu, Ban Cán sự đảng UBND Thành phố sẽ chỉ đạo các cơ quan tham mưu hoàn thiện nội dung trục phát triển bảo đảm thống nhất với Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tổng hợp ý kiến thảo luận của các tổ đại biểu về Báo cáo dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn cho biết, các đại biểu cơ bản đánh giá cao việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), đồng thời, tập trung vào 12 nội dung Ban Cán sự đảng UBND thành phố xin ý kiến. Đặc biệt, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ về việc hoàn thiện bộ máy chính quyền, khai thác công tư, phân quyền trong các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn tổng hợp 11 nhóm ý kiến, trong đó, nhiều đại biểu đã nêu ý kiến về: Chính sách cải cách tiền lương, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao cả lĩnh vực công và tư; phân cấp, phân quyền cao hơn đối với cấp huyện… Một số đại biểu cũng nêu các ý kiến đóng góp về lĩnh vực quy hoạch nông nghiệp, đất rừng, bố trí nhà đất tái định cư ở nơi khác cho người dân bị thu hồi đất.
Một số đại biểu cũng nêu ý kiến về tỷ lệ đất để xây dựng công trình kiên cố trên đất nông nghiệp để làm kho bãi, nơi chế biến, bảo quản nông sản; duy trì bảo dưỡng công trình, tài sản công; đãi ngộ nghệ nhân thủ công làng nghề, trùng tu di sản văn hóa; xây dựng trung tâm y tế chất lượng cao; phát triển nhà ở xã hội; xây dựng cơ chế tài chính thuế phí miễn giảm thuế một số lĩnh vực để phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng công nghệ cao, hiện đại; tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực sự nghiệp đầu tư công; quản lý nhân khẩu theo Luật Cư trú; hoàn thiện các quy định về quản lý tổ chức bộ máy…
Tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy tiếp thu, giải trình các ý về nội dung Sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc số 05-QC/TU của Thành ủy khóa XVII.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, đã có 27 ý kiến tham gia phát biểu về việc sửa đổi quy chế làm việc của Thành ủy. Tất cả các ý kiến đều cơ bản thống nhất các nội dung đề xuất sửa đổi quy chế làm việc của Thành ủy.
Các ý kiến đều thống nhất việc sửa đổi, bổ sung các nội dung trong dự thảo Quy chế mới theo hướng tăng cường đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền hợp lý, tăng cường tính chủ động trong giải quyết công việc của UBND Thành phố theo thẩm quyền, nhưng vẫn bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của các cấp ủy Đảng, phát huy dân chủ, trách nhiệm, trí tuệ tập thể và đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện các nhiệm vụ được giao gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ; đồng thời, phân bổ, điều tiết hợp lý đối với nhiệm vụ thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy cho các cơ quan, đơn vị đảm bảo khoa học, hiệu quả, rút ngắn quy trình văn bản hóa ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy sau Hội nghị Thường trực Thành ủy là phù hợp với các quy định của Trung ương và điều kiện thực tiễn của Thành phố.
Tổng hợp các ý kiến thảo luận tại tổ về điều chỉnh kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, qua thảo luận tại 4 tổ, các ý kiến phát biểu đều nhất trí về việc điều chỉnh Kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố, cụ thể đối với nội dung 2 điều chỉnh từ giám sát về công tác cán bộ thành kiểm tra về công tác cán bộ để phù hợp với Kết luận của Đoàn kiểm tra số 01 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã trình bày dự thảo Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười hai, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVII (nhiệm kỳ 2020-2025). 100% đại biểu dự họp đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Hội nghị./.