• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tiếp tục kiểm kê, lưu giữ các giá trị văn hóa dân gian của các dân tộc

Văn hoá 21/04/2020 16:22

(Tổ Quốc) - Tiếp tục kiểm kê, lưu giữ các giá trị văn hóa dân gian của các dân tộc; Thực hiện tốt công tác tuyên truyền trong tháng 4; Tuyên truyền công tác thông tin đối ngoại, công tác tuyên truyền biển, đảo và công tác biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia năm 2020 là những thông tin văn hoá tiêu biểu tại tỉnh Cao Bằng.

Tiếp tục kiểm kê, lưu giữ các giá trị văn hóa dân gian của các dân tộc

Theo Báo cáo Kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Cao Bằng năm 2019, nhiều giải pháp đã được Sở VHTTDL đưa ra nhằm bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể.

Cụ thể, tỉnh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc quan tâm, bảo vệ giá trị di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa phi vật thể nói riêng. Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ văn hóa cơ sở; Chính quyền địa phương phải thực sự quan tâm đến các giá trị văn hóa phi vật thể trong cộng đồng dân tộc tại địa phương và phải coi trọng các nghệ nhân có tâm huyết với việc gìn giữ phát huy các di sản văn hóa.

Mở lớp truyền dạy các giá trị văn hóa dân gian dân tộc thiểu số cho thanh thiếu niên dân tộc như: Dạy hát dân ca, múa dân gian, nghề thủ công truyền thống…Cấp ủy, chính quyền và các cơ quan tại địa phương cần phải có trách nhiệm cao trong vấn đề này.

Tiếp tục kiểm kê, lưu giữ các giá trị văn hóa dân gian của các dân tộc - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ/Nguồn: Báo Cao Bằng

Với những nghề thủ công truyền thống đặc sắc cần có định hướng để đồng bào bảo tồn và phát triển phục vụ cho phát triển du lịch cộng đồng. Đặc biệt quan tâm đến các nghề thủ công truyền thống trong vùng công viên địa chất Non nước Cao Bằng.

Tiếp tục kiểm kê, lưu giữ các giá trị văn hóa dân gian của các dân tộc, có sự khen thưởng khích lệ thỏa đáng, tạo điều kiện tốt nhất cho việc bảo tồn và nghiên cứu phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một.

Lựa chọn để phục dựng di sản văn hóa phi vật thể để bảo tồn tại chỗ và tư liệu hóa, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống vốn có của các dân tộc thiểu số.

Có kế hoạch tôn vinh giá trị các loại hình di sản trong các dịp diễn ra lễ hội với sự tham gia của người dân địa phương. Xây dựng kế hoạch đưa các loại hình trình diễn dân gian, nhất là dân ca các dân tộc vào giảng dạy tại các trường học.

Thực hiện tốt công tác tuyên truyền trong tháng 4

Theo Báo cáo Kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác tháng 4, Chương trình công tác trọng tâm tháng 5 năm 2020 của Sở VHTTDL Cao Bằng, trong tháng 4, đơn vị đã chỉ đạo tuyên truyền, tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn: Kỷ niệm ngày thành lập chi bộ Đảng đầu tiên tỉnh Cao Bằng (01/4/1930-01/4/2020); ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước 30/4, ngày Quốc tế Lao động 01/5, Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4)... Triển khai kế hoạch tổ chức ngày Sách Việt Nam 21/4.

Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 06/2020/QĐ-UBND ngày 27/3/2020 Ban hành quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; Báo cáo thi hành Luật Điện ảnh trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn trong quý II năm 2020; Kế hoạch tuyên truyền công tác thông tin đối ngoại, công tác tuyên truyền biển, đảo và công tác biên giới trên đất liên Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia năm 2020; Kế hoạch triển khai nội dung bảo tồn văn hóa phi vật thể Dự án "Bảo tồn bản văn hóa truyền thống dân tộc Lô Lô, xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng";…

Hệ thống thư viện thực hiện có hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền, trưng bày sách nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và của địa phương, tuyên truyền băng rôn hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam 21/4.

Bảo tàng tỉnh phối hợp với UBND thành phố tiếp tục tiến hành trưng bày bổ sung tại di tích Địa điểm nền nhà Tỉnh ủy Cao Bằng tại phố Vườn Cam, phường Hợp Giang, thành phố Cao Bằng. Hoàn thành Bộ ảnh Triển lãm Kỷ niệm 90 năm thành lập chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Cao Bằng.

Ban quản lý các di tích Quốc gia đặc biệt đón tiếp 39 đoàn khách, với tổng số khách khoảng 1.900 lượt người, trong đó có 98 lượt khách Quốc tế. Xây dựng bài thuyết minh ngoài trời Khu di tích QGĐB rừng Trần Hưng Đạo và Khu di tích điểm chiến thắng Biên giới 1950; kế hoạch triển lãm "Non nước Cao Bằng in bóng Già Thu" phục vụ Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tuyên truyền công tác thông tin đối ngoại, công tác tuyên truyền biển, đảo và công tác biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia năm 2020

Sở VHTTDL đã ban hành Kế hoạch Tuyên truyền công tác thông tin đối ngoại, công tác tuyên truyền biển, đảo và công tác biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia năm 2020.

Việc tuyên truyền nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, địa phương, các tổ chức đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của công tác thông tin đối ngoại; tình hình đất nước và tỉnh Cao Bằng đến bạn bè quốc tế; giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu chính xác đầy đủ quan điểm, chủ trương, chính sách của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề liên quan đến biển, đảo, biên giới phù hợp với qui định của Việt Nam và pháp luật quốc tế; củng cố, nâng cao niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân phát huy nội lực, sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, vượt lên khó khăn thách thức, tranh thủ hơn nữa sự đồng tình, ủng hộ của các cộng đồng quốc tế và kiều bào ta ở nước ngoài đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước; giữ vững ổn định chính trị, xã hội, môi trường hòa bình, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, biên giới, biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; giữ gìn quan hệ đối ngoại tốt đẹp với các nước láng giềng, tạo môi trường thuận lợi để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam;…

Căn cứ vào tình hình, nhiệm vụ, điều kiện cụ thể của địa phương, đơn vị để lựa chọn hình thức tuyên truyền phù hợp, thiết thực và có hiệu quả. Chú trọng các hình thức tuyên truyền như: sách, báo, tài liệu tuyên truyền, panô, áp phích, tờ rơi, triển lãm, thi tìm hiểu, thi sáng tác những tác phẩm văn học, nghệ thuật về công tác biên giới, biển đảo; tổ chức các cuộc trao đổi, tọa đàm, đối thoại...

Công tác tuyên truyền đa dạng, hướng tới vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, khu vực biên giới, nhất là người có uy tín trong cộng đồng; tuyên truyền bằng tiếng dân tộc, lồng ghép các hoạt động tuyên truyền về biên giới với tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Tận dụng, khai thác hiệu quả ưu thế của báo chí điện tử, mạng xã hội và các phương thức thông tin hiện đại; đổi mới nội dung, hình thức, phương thức tuyên truyền phù hợp với đối tượng, địa bàn tuyến biên giới khác nhau và trong bối cảnh, tình hình cụ thể.

Hằng Đinh (T/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ