(Tổ Quốc) - “Họa vô đơn chí” – là những gì người thua cuộc trong lễ trao giải Oscar sẽ phải đối mặt.
Vào ngày 26/2 tới đây, lễ trao giải Oscar 2017 sẽ diễn ra tại nhà hát Dolby (Hollywood). Theo một tiết lộ của tờ The Guardian, đó sẽ là thời điểm “đau buồn nhân đôi” đối với những ứng cử viên thua cuộc. Ngoài việc mất đi cơ hội được cầm trong tay bức tượng vàng danh giá của giải thưởng điện ảnh uy tín nhất thế giới, họ còn có thể sẽ phải đối mặt với một hóa đơn thuế có giá trị lên tới 5 con số. Điều nực cười này lại xuất phát từ một “hảo ý” của ban tổ chức Oscar.
Nội dung bên trong của túi quà Oscar 2015 |
Theo thông lệ mỗi năm, những người thua cuộc sẽ không phải ra về “trắng tay hoàn toàn”; ngược lại, họ sẽ nhận được một túi quà không chính thức từ công ty marketing Distinctive Assets. Năm 2017, mỗi túi quà trị giá tới 160.000 bảng sẽ bao gồm 3 đêm nghỉ tại khu trang trại nghỉ dưỡng Lost Coast Ranch tại bắc California (có giá niêm yết là 17.600 bảng); 10 năm sử dụng sản phẩm trang điểm của một thương hiệu nổi tiếng (38.000 bảng) và 10 buổi tập với hướng dẫn viên thể hình nổi tiếng Alexis Seletzky (1.200 bảng). Ngoài ra, còn có một kỳ nghỉ 6 ngày trong một biệt thự sang trọng tại Hawaii, và 3 đêm (trị giá 800 bảng/đêm) trong khách sạn Grand Hotel Tremezzo tại Hồ Como (Italy) – nơi bạn có cơ hội làm hàng xóm với tài tử điển trai George Clooney…
Tuy nhiên, không có bữa ăn nào… thật sự là miễn phí. Từng được coi là một sản phẩm gắn mác Oscar, nhưng kể từ năm 2006, sau những cuộc điều tra của Sở thuế vụ Mỹ (IRS), Viện Hàn lâm điện ảnh Hoa Kỳ đã ngừng phân phát túi quà Oscar một cách chính thức. Các nhân viên điều tra của IRS cho rằng, túi quà nên được coi như một nguồn thu nhập, chứ không phải là quà tặng đơn thuần, bởi vì nguyên nhân tặng quà không phải chỉ xuất phát từ “tình cảm, lòng kính trọng…” Thời điểm đó, người phát ngôn của Viện hàn lâm trả lời kênh CNN: “Việc tặng quà, sau đó, lại gửi hóa đơn thuế cho họ, là điều không được thích hợp lắm.”
Trong thực tế, túi quà Oscar ra đời nhằm quảng bá cho những thương hiệu thuộc ngành công nghiệp “xa xỉ phẩm” – lĩnh vực hoạt động chính của Distinctive Assets. Năm ngoái, người sáng lập của công ty này là Lash Fary đã phải đối mặt với lời đe dọa kiện tụng từ Viện Hàn lâm, khi đưa một loạt sản phẩm gây tranh cãi vào trong túi quà, như đồ chơi tình dục, một chuyến nghỉ dưỡng 10 ngày đến Israel (nhận được vô số lời phàn nàn từ các nhóm ủng hộ Palestine), và một khóa trị liệu nâng ngực sử dụng chính máu của người tham gia… Có thể thấy, so với năm ngoái, năm này, các món quà đã được chọn lựa một cách “thận trọng” hơn rất nhiều.
Dĩ nhiên, thuế vẫn là một vấn đề nóng bỏng. Túi quà của Distinctive Assets vẫn luôn bị IRS “để mắt” tới – và năm nay, hóa đơn thuế cho túi quà giá trị 160.000 bảng chắc chắn sẽ không hề dễ chịu. Tuy nhiên, nếu không muốn phải dốc hầu bao, người nhận luôn có thể chọn cách quyên góp toàn bộ các món quà – kỳ nghỉ dưỡng, khóa tập gym… - cho các tổ chức từ thiện.
(The Guardian)