(Tổ Quốc) - Nghệ thuật thế giới có một tuần sôi động từ những sự kiện mang tính chính trị, cho đến các triển lãm, khám phá đơn thuần.
1. Anish Kapoor cùng 200 nghệ sỹ phát động phong trào chống lại chủ nghĩa dân túy cánh hữu
Hơn 200 nghệ sỹ, nhà phê bình, giám tuyển (curator)… hàng đầu thế giới, như Anish Kapoor, Wolfgan Tillmans, Steve McQueen, Laurie Anderson, Ed Ruscha, Mattew Barney, Rosalind Krauss, Okwui Enwezor, Iwona Blazwick và Catherine Wood…, đã bày tỏ sự ủng hộ với phong trào “Hands Off Our Revolution”. Do nghệ sỹ Adam Broomberg khởi xướng, phong trào này là “tiếng nói” của giới nghệ sỹ, trước một số sự kiện chính trị lớn của thế giới trong thời gian gần đây như Brexit, khủng hoảng chính trị và ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ… - thông qua một loạt các sự kiện và triển làm được phối hợp tổ chức với nhiều đơn vị nghệ thuật khác nhau trên toàn thế giới.
Nghệ sỹ người Anh gốc Ấn Độ Anish Kapoor |
“Điều quan trọng là, các sự kiện chính trị không chỉ là những vấn đề của Mỹ hay châu Âu, do đó, chúng tôi đang lên kế hoạch để tổ chức triển lãm tại cả Mexico và Lagos,” Broomberg cho biết. “Nghệ thuật của chúng tôi thể hiện lòng nhân đạo, bao gồm tất cả và dành cho tất cả. Chúng tôi kêu gọi những cá nhân có lương tâm cùng chống lại những chính sách mâu thuẫn, được ban hành bởi những chính phủ đang đại diện cho chúng tôi,” nghệ sỹ nổi tiếng người Anh gốc Ấn Độ, Anish Kapoor nói. “Nói Không với xã hội yêu cầu tất cả mọi người đều như nhau. Nói Không với việc ép buộc phải hòa hợp. Nói Không với thế giới nghiệt ngã khiến con người bị rơi vào thảm cảnh cô đơn… Nghệ thuật là sự thấu cả. Nghệ thuật là cơ hội để được sống,” nghệ sỹ Mark Tichner khẳng định.
2. Bức ảnh ám sát Đại sứ Nga đoạt giải World Press Photo 2017
Giải thưởng danh giá của tổ chức World Press được trao cho bức ảnh “ghi lại hoặc đại diện cho một sự kiện/ vấn đề vô cùng quan trọng của báo chí.” Được chọn ra từ 80.408 bức ảnh của 5.034 nhiếp ảnh gia đến từ 125 quốc gia, bức ảnh của phóng viên Burhan Ozbilici được chụp chỉ vài giây sau khi tên sát nhân bắn chết Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrei Karlov. Nói về lựa chọn của ban giám khảo, bà Mary F. Calvert cho biết: “Đây là một quyết định vô cùng khó khăn, nhưng cuối cùng, chúng tôi nhận thấy, bức ảnh của năm phải là một tác phẩm thực sự mang tính bùng nổ.”
Bức ảnh chấn động của Burhan Ozbilici |
3. Bảo tàng tiếp tục phản đối lệnh cấm nhập cư của Tổng thống Trump
120 tác phẩm do các nghệ sỹ nhập cư sáng tác hoặc quyên tặng đã bị tạm thời gỡ khỏi khu vực trưng bày của bảo tàng Davis tại Wellesley College (Mỹ). Đây là một sáng kiến mới có tên gọi “Art-Less”, được thực hiện từ ngày 16 – 21/2 nhằm tôn vinh sự đóng góp của các nghệ sỹ nhập cư người Mỹ. “Art-Less” cũng là sự kiện mới nhất, thể hiện sự phản đối của giới nghệ thuật trước sắc lệnh tạm thời cấm nhập cảnh du khách từ 7 quốc gia Hồi giáo vào Mỹ. Mặc dù, sắc lệnh này đã bị cấm thực hiện vô thời hạn, chính quyền Tổng thống Trump đã cho biết, ông sẽ tiếp tục đưa ra “một chỉ thị mới” để đạt được mục tiêu tương tự.
Một góc của bảo tàng Davis |
Tại bảo tàng Davis, mỗi tác phẩm thuộc danh sách sẽ đi kèm với một tấm thẻ đề “do một người nhập cư sáng tác” hoặc “do một người nhập cư quyên góp”. Các tác giả được nhắc đến bao gồm nghệ sỹ gốc Hà Lan Willem de Kooning, nghệ sỹ gốc Canada Agnes Martin, nghệ sỹ gốc Cuba Ane Mendieta, nghệ sỹ gốc Anh Thomas Cole…
4. Khám phá ngôi mộ cổ 3.000 năm tuổi từ thời Ai Cập
Các nhà khảo cổ tại thành phố Luxor (Ai Cập) đã khai quật được một ngôi mộ có niên đại 3.000 năm tuổi, trong đó chứa không ít những bức điêu khắc và tranh vẽ cổ đại trong tình trạng được bảo quản khá nguyên vẹn. Ngôi mộ được cho là của Khonsu, một người chép sử hoàng gia khá “nổi tiếng” trong thời đại của mình. Các nhà khảo cổ vẫn chưa mở được lối vào hiện đang bị chắn bởi các tảng đá lớn, dẫn đến phòng thờ phía trong của ngôi mộ. Đây là phát hiện khảo cổ mới nhất về thành phố Thebes – có vị trí hiện tại là thành phố Luxor, nằm dọc theo bờ sông Nile (Ai Cập).
5. “Tượng đài” nổi tiếng của phong trào nghệ thuật “dành cho người nghèo” qua đời
Tái hiện tác phẩm "Untitle" với 12 con ngựa sống của Jannis Kounellis |
Theo Bộ Văn hóa di sản và Du lịch Italy, nghệ sỹ Jannis Kounellis đã qua đời ở độ tuổi 80, tại Rome. Sinh ra tại Hy Lạp, nhưng hầu hết cuộc đời và sự nghiệp của Kounellis đều diễn ra tại thủ đô của Italy. Là một tượng đài của Arte Povera – một phong trào sáng tạo nghệ thuật từ những vật liệu hàng ngày, Kounellis thường có những cách vô cùng “thông minh” để tận dụng các đồ vật xung quanh, từ túi rác cho đến ngựa sống.., trong các tác phẩm của mình. Năm 2015, gallery Gavin Brown’s enterprise tại New York gây nhiều tranh cãi khi dựng lại tác phẩm nổi tiếng “Untitled” của Kounellis – bao gồm 12 con ngựa sống được buộc vào những bức tường trong phòng triển lãm.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!