• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nghệ thuật thế giới tuần qua: “Đổ máu” bảo tàng, người nhện bị xét xử, nghệ sỹ không thể đi lại...

Thế giới 06/02/2017 20:06

(Tổ Quốc) - Những sự kiện đáng chú ý nhất của văn hóa – nghệ thuật thế giới trong tuần qua

1. Nổ súng xảy ra trong một vụ tấn công tại Bảo tàng Louvre, Paris

An ninh được thắt chặt tại bảo tàng Louvre

Hôm thứ Sáu (3/2), cảnh sát Pháp đã nổ súng vào một người đàn ông có ý định tấn công bằng dao bốn bảo vệ, trong khi hô to “Đáng tối cao vĩ đại” bằng tiếng Arab, tại Carrousel du Louvre - một khu mua sắm thuộc bảo tàng Louvre (Paris). Khoảng 250 du khách có mặt trong thời điểm đó đã được di chuyển đến các khu vực an toàn. Sau vụ tấn công, bảo tàng Louvre đã bị đóng cửa tạm thời, và bắt đầu mở lại vào hôm Chủ nhật. Những vụ tấn công trong thời gian gần đây tại Paris, đã khiến số lượng khách tham quan các bảo tàng, trung tâm văn hóa nổi tiếng của thành phố này, suy giảm mạnh.

2. Ảnh hưởng ngay lập tức từ lệnh cấm nhập cư của Tổng thống Trump đến giới nghệ thuật

Hôm thứ Sáu (27/01), Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một sắc lệnh ngừng tiếp nhận người tị nạn trong vòng bốn tháng và tạm thời cấm hàng triệu người từ bảy quốc gia Hồi giáo lớn (Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen) nhập cảnh vào Mỹ. Quyết định này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ, trong đó bao gồm cả từ giới làm nghệ thuật trong và ngoài nước Mỹ. Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan New York bày tỏ sự lo lắng về vấn đề cho mượn các tác phẩm nghệ thuật giữa các bảo tàng quốc tế trong tương lai, đặc biệt về một dự án khảo cổ đang hợp tác với Iraq và Iran. Bảo tàng nghệ thuật Los Angeles cho rằng, lệnh cấm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến một cuộc triển lãm lớn về nghệ thuật Iran sắp diễn ra tại bảo tàng này.

Biểu tình phản đối sắc lệnh cấm nhập cư của ông Trump

Nhiều nghệ sỹ nổi tiếng đến từ các quốc gia bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh của ông Trump, sẽ mất đi cơ hội di chuyển quốc tế, trong đó có Asghar Farhadi – đạo diễn người Iran của bộ phim được đề cử Oscar “The Salesman” (Farhadi cho biết, ngay cả khi được đặc cách nhập cảnh, ông cũng sẽ không tham gia lễ trao giải Oscar để thể hiện sự phản đối). Shahpour Pouyan, một nghệ sỹ người Iran khác hiện đang sống tại New York, cũng sẽ không kịp tham dự các buổi triển lãm của mình tại Toronto và Paris. Bảo tàng nghệ thuật hiện đại New York thậm chí đã tổ chức một buổi trưng bày đặc biệt, với các tác phẩm của các nghệ sỹ đến từ các quốc gia nằm trong phạm vi của sắc lệnh cấm di chuyển.

3. “Người nhện” ăn trộm siêu tranh bắt đầu bị xét xử

Vjeran Tomic bị buộc tội ăn cắp tài sản văn hóa, và đang đối mặt với một án tù có thể lên tới 20 năm. Năm 2010, năm kiệt tác nghệ thuật của Picasso, Léger, Braque, Matisse, và Modigliani - có giá trị ít nhất 100 triệu Euro - đã bị đánh cắp khỏi Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Paris. Kẻ trộm, Vjeran Tomic – còn được mệnh danh là “người nhện” - đã vượt qua hệ thống an ninh và bảo vệ một cách tài tình, không khác gì trong phim.

"Người nhện" Vjeran Tomic trong vòng vây của báo chí

Sau sáu năm, giờ đây Tomic và đồng bọn đang bị xét xử và sẽ phải chịu những hình phạt nghiêm khắc nhất. Một trong những đồng phạm cho biết, do quá hoảng loạn, tên này đã vất các tác phẩm nghệ thuật vào trong thùng rác. Theo kế hoạch, tòa sẽ tuyên án vào ngày 20/2 tới đây.

4. Bảo tàng Uffizi, Florence tăng cường trưng bày tác phẩm của các nữ họa sỹ

Bên trong Bảo tàng Uffizi, Florence

Theo Giám đốc Eike Schmidt, Uffizi hiện đang sở hữu bộ sưu tầm lớn nhất tác phẩm “của các nữ họa sỹ từ trước thế kỷ 19,” bên cạnh các bậc thầy như Botticelli, Michelangelo và Leonardo da Vinci… Nỗ lực để trưng bày thêm các tác phẩm của các nữ họa sỹ được bắt đầu từ những cuộc đối thoại vào năm 2015, giữa Schmidt và The Guerrilla Girlds – một nhóm nữ nghệ sỹ luôn đấu tranh cho bình đẳng nữ giới trong nghệ thuật. Thông qua trưng bày vĩnh viễn và các hoạt động triển lãm thường xuyên, Uffizi sẽ tăng cường giới thiệu các nữ họa sỹ đến với người yêu nghệ thuật trong và ngoài Italy. “Đây không phải là một sáng kiến đặc biệt trong 3 hay 5 năm,” Schmidt cho biết, “chúng tôi sẽ tiếp tục trong vòng 20 năm tới.” Sự kiện đầu tiên là cuộc triển lãm các tác phẩm của nữ tu thời Phục hưng Plautilla Nelli, sẽ được khai mạc vào ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 tới đây.

5. Israel bất ngờ từ chối tham dự chương trình văn hóa châu Âu

Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Thể thao Israel, bà Miri Regev

Miri Regev, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Thể thao Israel cho biết, bà không ủng hộ nước này tham dự chương trình Creative Europe (Châu Âu sáng tạo), trước thông tin một chiến dịch tẩy chay các nghệ sỹ đến từ những khu vực Israel đang chiếm đóng tại bờ Tây, Đông Jerusalem và Cao nguyên Golan - sẽ được tổ chức. Theo đó, ngân sách tài trợ sẽ chỉ được cung cấp cho các nghệ sỹ Israel, cư trú trong phần lãnh thổ quy định bởi các đường biên giới thiết lập từ năm 1967. “Bất kỳ hiệp định quốc tế nào với Israel phải bao gồm cả phần bờ Tây,” bà Regev nói. Động thái này được cho là phù hợp với những gì chính quyền Israel đang theo đuổi, đặc biệt khi nước này tuyên bố sẽ mở rộng các khu vực định cư tại bờ Tây, sau khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, quyết định không tham gia Creative Europe cũng sẽ ảnh hưởng lớn tới giới văn hóa – nghệ thuật Israel, do chương trình này cho phép nghệ sỹ được kêu gọi tài trợ từ châu Âu.

6. Nghi phạm đầu tiên trong vụ siêu tranh giả Knoedler đã bị kết án

Glafira Rosales, một nhà buôn tranh có liên quan đến vụ án tranh giả Knoedler từng gây chấn động giới nghệ thuật toàn cầu năm 2011 sẽ không phải đi tù. Thay vào đó, bà Rosales chỉ chịu án treo 9 tháng tại nhà. Đây là lời tuyên án được đưa ra bởi Thẩm phán Katherine Polk Failla, sau một loạt lời khai về rửa tiền, trốn thuế, âm mưu…, liên quan tới việc bà Rosales đã từng giúp hai gallery nổi tiếng tại New York mua một số bức tranh giả, và bán với giá hàng chục triệu USD.

Vụ tranh giả Knoedler từng gây chấn động thế giới năm 2011

Cho đến thời điểm hiện tại, Glafira Rosales là người duy nhất trong số bốn nghi phạm của vụ án tranh giả bị kết án. Họa sỹ sao chép tranh Pei-Shen Qian được cho là hiện đang ở Trung Quốc, trong khi Jose Diaz và anh trai từng bị bắt giữ tại Tây Ban Nha vào năm 2014, nhưng vẫn chưa được dẫn độ về Mỹ.

(Theo báo nước ngoài)

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ