• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tìm giải pháp cho tình trạng chây ỳ, gây khó trong việc cấp sổ đỏ tại Hải Dương

Thời sự 29/03/2018 11:00

(Tổ Quốc) - Mua bán, chuyển nhượng đất đai hợp pháp, đóng thuế và hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước… thế nhưng, hơn 8 năm trôi qua là những tháng ngày ròng rã, khốn khổ của 6 hộ dân tại thành phố Hải Dương phải cậy cục khắp các nơi để làm sổ đỏ, cũng từng đó thời gian, “quả bóng” trách nhiệm cứ lăn đi, lăn lại đều đặn giữa các cấp, các ngành của tỉnh Hải Dương.

Lô đất số 0.28 trong khu đô thị mới phía Đông, thành phố Hải Dương.

Chính quyền vô cảm, đến việc cấp sổ đỏ cũng phải “chết lâm sàng”

Các hộ dân nhận quyền chuyển nhượng các ô đất (mỗi ô hơn một nghìn m2, đất sản xuất, kinh doanh, thời hạn sử dụng lâu dài) thuộc lô đất số 0.28 trong khu đô thị mới phía Đông thành phố Hải Dương đã có quy hoạch chung được Chính phủ chấp thuận và quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 do UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt. Thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) được hoàn tất qua các cơ quan công chứng, nộp tiền sử dụng đất, thuế chuyển nhượng và gửi hồ sơ hoàn chỉnh tới Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Hải Dương từ cuối năm 2009, đầu năm 2010. Nhưng đến nay chính quyền vẫn chưa cấp sổ đỏ cho các hộ dân và cũng không trả lời chính thức lý do vì sao.

Đơn kiến nghị của các hộ dân đã được gửi nhiều lần tới các cơ quan và cấp có thẩm quyền. Các cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương đã nhiều lần có bài phản ánh vụ việc. Nhưng “phớt lờ” tất cả, chính quyền địa phương đã chọn cách im lặng không gặp gỡ đối thoại với người dân, không trả lời đơn kiến nghị và cũng không có phản hồi gì tới các cơ quan báo chí.

Dường như chính quyền địa phương không hề quan tâm tới các quy định của Luật Đất đai cũng như quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân.

Với cách hành xử của chính quyền địa phương như trên, các hộ dân không chỉ thất vọng, bất bình, gánh chịu thua thiệt mà còn không biết kêu ai.

Thực tế có 08 hộ dân mua 8 ô đất thuộc lô đất số 0.28 khu đô thị mới phía Đông thành phố Hải Dương. Sau khi các bộ hồ sơ mua bán được chuyển tới Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố, vào cuối năm 2009 và đầu năm 2010 đã có 02 hộ được UBND thành phố cấp sổ đỏ.

Tưởng rằng sau đó 06 hộ còn lại đương nhiên sẽ được cấp sổ đỏ bởi điều kiện và hồ sơ pháp lý mua bán đất của 8 hộ là như nhau. Nhưng không hiểu lý do nào đã khiến việc cấp sổ đỏ co 6 hộ dân này vẫn “treo” vô thời hạn.

Đây là trường hợp điển hình cho ta thấy biểu hiện vô cảm, tự diễn biến, suy thoái... của một bộ phận cán bộ công chức nhà nước trong thực thi công vụ. Họ “làm xiếc” về mặt văn bản, về câu chữ để trốn tránh trách nhiệm trước những quy định của pháp luật cũng như những đòi hỏi quyền lợi chính đáng của người dân.

“Quả bóng” trách nhiệm hết “đá” lên trên lại “ném” xuống dưới

Trước yêu cầu của các hộ dân, ngày 16/3/2012, UBND thành phố Hải Dương đã có công văn số 185/ BC-UBND và ngày 19/3/2012 Sở Xây dựng có công văn số 78/ SXD-QHKT gửi Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Theo đó cả UBND thành phố và Sở Xây dựng đều báo cáo việc chuyển quyền sử dụng đất cho các hộ dân ở lô đất số 0.28 là hoàn toàn hợp lý, hợp pháp, đề nghị Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh cho ý kiến để người dân được cấp sổ đỏ. Rất tiếc sau đó lãnh đạo tỉnh không có ý kiến chỉ đạo gì.

Sự việc tiếp tục bị trì hoãn kéo dài. Bất thường hơn, ngày 04/7/2013, Sở Xây dựng (đã có Giám đốc Sở mới) lại có Tờ trình số 64/TTr-SXD gửi Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh: “Xin chủ trương điều chỉnh mục đích sử dụng đất tại lô đất số 0.28 từ đất sản xuất - kinh doanh sang đất công cộng và công viên cây xanh”.

Lý do Sở Xây dựng có tờ trình trên cũng bởi nhiều ý kiến chưa đồng tình của người dân về việc bố trí các ô đất sản xuất kinh doanh ở vị trí này. Tờ trình trên của Sở xây dựng đã không hề xem xét tính pháp lý của lô đất 0.28 trong quy hoạch và thực tế việc mua bán đất đã hoàn tất chưa kể nội dung tờ trình trên mâu thuẫn với chính quan điểm của Sở Xây dựng và UBND tỉnh trước đó. Và cũng chính từ Tờ trình số 64/TTr-SXD ngày 04/7/2013 của Sở Xây dựng là nguyên nhân dẫn đến việc vòng vo, đùn đẩy trách nhiệm giữa các cấp, các ngành sau đó.

Cụ thể, ngày 7/8/2013, UBND tỉnh có công văn số 1407/UBND-VP giao Sở Xây dựng chủ trì cùng các cơ quan đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất phương án cụ thể, báo cáo UBND tỉnh trong tháng 8/2013, nhưng đến nay Sở Xây dựng vẫn chưa có báo cáo theo ý kiến chỉ đạo trên của UBND tỉnh.

Trước sự im lặng của Sở Xây dựng, ngày 21/10/2014, UBND tỉnh có công văn số 2126/UBND-VP giao Sở Tài Nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND tỉnh về việc giải quyết vướng mắc trong việc cấp sổ đỏ cho 06 hộ dân ở lô đất số 0.28.

Tiếp đó, ngày 03/11/2014, Sở Tài nguyên và Môi trường có báo cáo gửi UBND tỉnh nêu rõ việc cấp sổ đỏ cho các hộ dân là thuộc thẩm quyền của UBND thành phố Hải Dương; còn về quy hoạch lô đất 0.28 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Nếu muốn điều chỉnh quy hoạch thì phải từ Sở Xây dựng tham mưu.

Từ sự bế tắc trong chỉ đạo điều hành, ngày 14/11/2014, UBND tỉnh lại có công văn số 2381/UBND- VP giao ngược lại cho Thành phố Hải Dương phải phối hợp với các ngành hữu quan rà soát lại về cơ cấu sử dụng đất khu đô thị mới phía Đông thành phố Hải Dương (tổng diện tích hơn 70 ha)... báo cáo UBND tỉnh. Trong thời gian rà soát, để xuất phương án điều chỉnh quy quy hoạch lô đất số 0.28, tạm thời chưa thực hiện việc chuyển nhượng, cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các ô đất thuộc lô số 0.28.

Một lần nữa UBND tỉnh Hải Dương lại mắc sai lầm khi giao UBND thành phố Hải Dương rà soát cơ cấu sử dụng đất của khu đô thị, bởi nó thuộc trách nhiệm của các ngành chức năng chứ không thuộc thẩm quyền của UBND thành phố Hải Dương. Mặt khác, UBND tỉnh yêu cầu UBND thành phố ngừng không thời hạn việc làm thủ tục pháp lý cho các hộ dân mua  đất ở lô  số 0.28 là có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Đất đai.

Sau đó, UBND tỉnh Hải Dương tiếp tục có công văn số 2464/UBND-VP ngày 20/10/2015 giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng các cơ quan, đơn vị hữu quan xem xét phương án bồi thường giải phóng mặt bằng lô đất số 0.28. Đây là chuyện lạ, khi mà chưa có quyết định điều chỉnh quy hoạch lô đất 0.28, chưa có quyết định thu hồi đất mà lại đi chỉ đạo xem xét phương án bồi  thường giải phóng mặt bằng...

Tồn tại thứ văn hóa “không nhúc nhích” tại tỉnh Hải Dương

Trong khi câu chuyện chỉ đạo vòng vo của UBND tỉnh Hải Dương với các ngành và địa phương, chưa biết đến bao giờ mới kết thúc. Đối với các hộ dân, họ biết chắc rằng chính quyền đang trì hoãn việc cấp sổ đỏ cho họ trái với thực tiễn và những quy định của pháp luật. Họ mong muốn các cấp có thẩm quyền quan tâm vào cuộc, xem xét cách hành xử như trên của UBND tỉnh Hải Dương với cấp dưới và người dân.

Qua vụ việc này, dư luận cũng có thể hình dung được rằng, những đến vấn đề dân sinh cấp bách, các có thẩm quyền tỉnh Hải Dương vẫn giữ thái độ có phần hời hợt, nếu không muốn nói là rất hình thức, chuyển qua, chuyển lại, làm cho xong chuyện.

Văn bản của Cục Kiểm soát quản lý và sử dụng đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai gửi UBND tỉnh Hải Dương.

Liên quan đến vụ việc này, ông Nguyễn Văn Trị - Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát quản lý và sử dụng đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai đã ban hành văn bản đề nghị UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo, kiểm tra, làm rõ phản ánh, thông báo cho cơ quan báo chí biết theo quy định; đồng thời gửi kết quả kiểm tra về Cục Kiểm soát quản lý và sử dụng đất đai.

Văn bản của Văn phòng Chính phủ gửi UBND tỉnh Hải Dương.

Sau khi tiếp nhận thông tin, UBND tỉnh Hải Dương “đá quả bóng” trách nhiệm cho UBND thành phố Hải Dương báo cáo, trả lời.

Thậm chí, Thừa lệnh của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, bà Trần Bích Ngọc - Vụ trưởng Vụ I (Vụ Theo dõi công tác thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) đã chuyển đơn thư của công dân đến UBND tỉnh Hải Dương để được xem xét, giải quyết. Tuy nhiên, đến nay, mặc cho các văn bản của cơ quan Trung ương liên tiếp chuyển về, hồi âm duy nhất của tỉnh Hải Dương là văn bản 550/UBND-VP thông tin đã chuyển cho UBND thành phố Hải Dương kiểm tra vụ việc.

Rộng đường dư luận, phóng viên Tạp chí Mặt trận đã có buổi làm việc với ông Vũ Tiến Phụng - Chủ tịch UBND thành phố Hải Dương.

Ông Phụng cho biết, hiện nay chúng tôi đang báo cáo tỉnh để xin ý kiến và đang giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường để có trả lời. Đây là hệ quả đã tồn tại nhiều năm. Quan điểm của tỉnh dự kiến làm khu vực công cộng.

Trước đây đã ký cho các hộ ở. Tỉnh sau này ý kiến về quy hoạch, mà cụ thể là Sở Xây dựng chứ không phải là Thành phố. Bây giờ có vấn đề quy hoạch, thì Thành phố không cấp “sổ đỏ” cho các hộ dân được. Hỏi tỉnh, tỉnh không trả lời. Nếu di dời, nhưng Thành phố Hải Dương không có quỹ đất nào để bố trí; nếu đền bù, kinh phí tạm tính phải hơn 200 tỷ đồng, Thành phố Hải Dương cũng không có tiền, vì vậy, có muốn cũng cần phải đợi ngân sách của tỉnh.

“Trước tỉnh giao cho Sở Xây dựng, sở này cũng buông. Thành phố đứng giữa, cấp cho các hộ không được, các hộ kiện thì cũng không xong. Chúng tôi đang soạn văn bản báo cáo tỉnh rồi, thực chất “quả bóng” đang trong chân tỉnh chứ không phải trong chân thành phố”- Ông Vũ Tiến Phụng thông tin.

Ông Phụng nói, về mặt phân cấp thẩm quyền, UBND thành phố là đơn vị cấp giấy, nhưng trên cơ sở quyết định của tỉnh. Cái gốc của vấn đề là ở tỉnh, mặc dù tỉnh chưa có quyết định cuối cùng công khai nhân dân biết, nhưng tỉnh lại có chỉ đạo, là cấp dưới chúng tôi phải tuân thủ theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Thực tâm chúng tôi rất chia sẻ với người dân.

Trong vấn đề này, phía chính quyền Hải Dương đang vin vào cái cớ làm theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương để bảo vệ lý lẽ của mình.

Tuy nhiên, người dân đang phải chịu hệ quả rất nặng nề từ những quan điểm trái chiều của các cấp, các ngành của tỉnh Hải Dương qua các thời kỳ.

Dù thực hiện theo quy định của Luật Đất đai hay Luật Tổ chức chính quyền địa phương đi chăng nữa thì việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc có gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh. Rõ ràng, quyền lợi, tài sản mồ hôi, nước mắt của nhân dân đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, vậy tại sao các cấp chính quyền lại vô cảm đẩy cái khó cho người dân phải gánh chịu.

Nên chăng, UBND tỉnh Hải Dương thay vì thoái thác, “đá quả bóng” trách nhiệm xuống thuộc cấp, thì cần có các giải pháp giải quyết dứt điểm vụ việc trong phạm vi chỉ đạo, điều hành, quản lý của mình.

Ngoài ra, cũng cần phải làm rõ trách nhiệm của những người đứng đầu cơ quan hành chính của tỉnh Hải Dương khi để quá trình cấp sổ đỏ cho người dân kéo dài, đi ngược lại với chủ trương, chính sách của Chính phủ, mà nhiều địa phương hiện nay đang nỗ lực và làm rất tốt.

Để củng cố, tạo niềm tin trong nhân dân và sớm đưa vụ việc này vào hồi kết, đã đến lúc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cần có những chỉ đạo trực tiếp, làm rõ các phản ánh của người dân và cơ quan báo chí về tình trạng có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai nói chung và tình trạng gây nhũng nhiễu trong quá trình thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như đã nêu.

Xuân Sơn - Phan Anh Tuấn

Theo Mặt trận Tổ Quốc

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ