(Tổ Quốc) - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng: quyền lực của Nhà nước là của nhân dân, Nhà nước là của dân, do dân, vì dân.
Nhận thức rõ bản chất của dân chủ xã hội chủ nghĩa ngay từ những ngày đầu chính quyền nhân dân mới được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng: quyền lực của Nhà nước là của nhân dân, Nhà nước là của dân, do dân, vì dân. Trong tổ chức bộ máy Nhà nước có thang, bậc, quyền hạn khác nhau nhưng đều là một công cụ thể hiện quyền lực nhân dân. Cán bộ từ trên xuống dưới làm đầy tớ cho nhân dân, phải xứng đáng là người công bộc trung thành của nhân dân. Người đặc biệt chú ý tới việc thực hiện quyền lực của nhân dân ở cơ sở. Điều đó được thể hiện ở nhiều bài viết, bài nói của Người với cán bộ và nhân dân ta. Chỉ bằng những mệnh đề giản dị, hàm súc, ngắn gọn mà đầy đủ ý nghĩa Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát bằng cách riêng của mình những giá trị văn hoá dân chủ của nhân loại từ cổ đại đến hiện đại mà lại rất Việt Nam, cụ thể và thực tế, nên ai đọc cũng có thể nhận thức được ngay.
Từ quan niệm mọi "lực lượng đều ở nơi dân", nhìn thấy và tin tưởng ở sức mạnh của nhân dân, nên Người yêu cầu phải "vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho"(1). Để nhân dân có điều kiện tham gia trực tiếp vào việc thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước với tư cách là người chủ thực sự, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu cán bộ, đảng viên phải luôn luôn: vì nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Người luôn ý thức rằng: Dân là quý nhất, là quan trọng hơn hết. Dân là gốc của nước. Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Trong cuốn Đường cách mệnh (1927) Người đã khẳng định: Cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người. Đó là tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ cơ sở nhận thức khoa học: Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân. Vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng là vấn đề đoàn kết, tập hợp được đông đảo nhân dân. Đảng dù vĩ đại đến mấy cũng chỉ là một bộ phận của nhân dân, một bộ phận tiên phong, tiên tiến nhất.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ rằng: dân chủ là vì dân, tất cả vì lợi ích của nhân dân. Người thường nói: "Ngoài lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân thì ta hết sức tránh". Đó cũng chính là mục đích của Người: "Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân". Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Dân chủ là tư tưởng cơ bản xuyên suốt quá trình cách mạng. Cái cốt lõi trong tư tưởng dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là lấy Dân làm gốc. Bản chất dân chủ là quyền làm người. Người nói: "Lãnh đạo một nước mà để cho nước mình lạc hậu, bị thiệt thòi trong hưởng hạnh phúc con người cũng là mất dân chủ". Dân là gốc thì dân phải là chủ và dân phải làm chủ. Nhân dân có quyền lợi làm chủ thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân. Người đánh giá rất cao về dân chủ: Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân. Thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc chúng ta: Nước lấy dân làm gốc, dân lấy cuộc sống làm đầu, chế độ ta là chế độ của dân, do dân. Dân theo Đảng đứng lên đánh đuổi kẻ thù giành lấy chính quyền mà có được. Các cấp chính quyền và đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, cơ sở là do nhân dân bầu cử ra. Do vậy, mỗi cán bộ phải vì dân, hết lòng phục vụ mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Theo Người phương thức cơ bản của dân chủ cơ sở là "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".
Trên cơ sở nhận thức sâu sắc dân là chủ và là phương pháp dân chủ chứ không phải là những thủ thuật chính trị. Người đã đưa ra một quy định làm việc khoa học như sau: Trước hết phải làm cho dân biết: "phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ rằng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được"(2). Hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của quần chúng nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm khơi dậy sức mạnh của nhân dân bằng cách giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa lợi ích và trách nhiệm, quyền hạn và bổn phận. Xuất phát từ lợi ích, coi lợi ích là động lực tực tiếp thúc đẩy mọi hành động chính trị của quần chúng, Người yêu cầu: "phải đặt lợi ích dân chúng lên trên hết, trước hết"(3) và "việc gì có lợi cho dân thì phải làm cho kỳ được. Việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh"(4). Lợi ích của mỗi người dân được đảm bảo ngày càng đầy đủ hơn và nhờ vào vị thế của họ đã giành được trong quá trình đấu tranh lâu dài, gian khổ, hy sinh, mất mát để giành lấy Độc lập, Tự do, để trở thành người chủ và làm chủ xã hội. Người nói: Dân chủ có nghĩa dân là chủ và dân làm chủ. Vì vậy, trong nội hàm của khái niệm "dân hiểu", Chủ tịch Hồ Chí Minh như muốn làm cho mọi người thấy rõ, hiểu thấu ý nghĩa lớn lao của vị thế "là chủ" đó, nhất là với nông dân là những người vốn có trình độ học vấn thấp nhưng lại chiếm số đông trong xã hội "làm sao cho bà con hiểu mình là người chủ tập thể, làm chủ hợp tác xã, làm chủ Nhà nước"(5). Thấy rõ được vai trò, vị trí của nông dân, nông nghiệp, nông thôn đối với sự phát triển của nền dân chủ trong một nước nông nghiệp lạc hậu như nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: "Bao giờ nông thôn, nông dân thực sự nắm chính quyền, nông dân được giải phóng thì mới dân chủ thực sự"(6). Sau những diễn biến phức tạp của xã hội nông thôn Việt Nam xuất hiện những điểm nóng chính trị-xã hội ở nông thôn như năm 1998, 1999, 2011, 2012, chúng ta càng thấy ý nghĩa lớn lao trong chỉ dẫn đó của Người.
Thứ hai, khi dân đã được biết, được hiểu thì phải tạo điều kiện cho dân được bàn bạc thật sự, bàn tất cả mọi vấn đề và mọi người đều được tham gia bàn bạc: "Bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt ra kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương"(7).
Cần hiểu rõ nguyện vọng của dân. Họ muốn được tôn trọng, được bày tỏ ý kiến. Họ rất tốt, rất khôn khéo, họ biết rất nhiều điều mà chúng ta không biết. Hơn nữa: "Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do... Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý" và từ đó họ "tự do phục tùng chân lý"(8). Phải chăng năng suất, chất lượng, hiệu quả của mọi công việc đều có nguồn gốc từ đây bởi ở đây, nhân dân đã phát huy được quyền dân chủ bằng năng lực và sức sáng tạo của mình.
Thứ ba, sau khi dân được biết, được hiểu, được bàn bạc và xây dựng kế hoạch của địa phương mình, cơ sở mình, họ sẽ dùng chính sức lao động của họ vào những việc làm, hành vi, nhiệm vụ cụ thể một cách tự giác... Lúc này nhiệm vụ của cán bộ lãnh đạo là: "động viên và tổ chức cho toàn dân ra thi hành, phải theo dõi, gúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân", phải biết "đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân" có như vậy mới động viên được đông đảo nhân dân tích cực tham gia và thực hiện mọi kế hoạch của địa phương cơ sở.
Thứ tư, "Khi thi hành xong phải cùng với nhân dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng"(9). Đây là công đoạn cuối cùng của quy trình tiến hành thực hiện dân chủ của mỗi tổ chức, đơn vị, địa phương, cơ sở. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng việc kiểm tra, rút kinh nghiệm là vô cùng quan trọng và cần thiết giúp chúng ta tiếp tục thực hiện tốt những nhiệm vụ khác. Dân kiểm tra cán bộ, cán bộ kiểm tra dân, dân và cán bộ cùng kiểm tra mọi hoạt động và lề lối làm việc sao cho dân chủ, cấp trên phải thường xuyên kiểm tra cấp dưới, cấp dưới phải phê bình cấp trên, nhất là phê bình từ dưới lên. Kiểm tra chỉ có hiệu lực nếu được thực hiện một cách nghiêm túc, được đánh giá một cách khách quan, được tiến hành bằng những giải pháp khéo léo, tinh tế mà người gọi là "phải kín đáo". Thanh tra chỉ có hiệu lực nếu được tiến hành một cách đột xuất và bất ngờ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm kiểu mẫu cho phương pháp kiểm tra, thanh tra khoa học và có hiệu quả ấy. Đồng thời, với mong muốn của Chính phủ: "đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để cán bộ làm tròn nhiệm vụ... người đầy tớ trung thành, tận tuỵ của nhân dân"(10), Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên kêu gọi nhân dân giám sát công việc của Chính phủ từ Trung ương đến cơ sở. Bằng tình cảm chân thành nhất, Người nói: "Từ ngày thành lập Chính phủ, trong nhân viên có nhiều khuyết điểm. Có người làm quan cách mạng, chợ đỏ, chợ đen, khinh dân, mưu vinh thân, phì gia ... Xin đồng bào hãy phê bình giúp đỡ giám sát công việc Chính phủ"(11).
Dân kiểm tra là một nội dung về quyền dân chủ nhằm dựa vào dân mà xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước và các tổ chức đoàn thể nhân dân thật sự vững mạnh, trong sạch; nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Việc đấu tranh chống tham ô, lãng phí, quan liêu, cậy thế, trái phép... chỉ có thể thực hiện hiệu quả nếu biết dựa vào sự kiểm tra, giám sát của quần chúng nhân dân.
Trong quá trình mở rộng và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân ở nước ta hiện nay, Đảng ta coi dân chủ ở cơ sở là khâu quan trọng nhất. Quan điểm đó được xây dựng trên cơ sở nền tảng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân chủ nói chung, dân chủ ở cơ sở nói riêng và yêu cầu thực tiễn của cách mạng Việt Nam hiện nay. Cơ sở (xã, phường, cơ quan, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp...) là nơi trực tiếp thực hiện mọi đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, là địa bàn nhân dân sinh sống, lao động, sản xuất, công tác và học tập. Cơ sở là nơi diễn ra sự tiếp xúc mối quan hệ nhiều mặt giữa các tầng lớp nhân dân với Đảng bộ và chính quyền, với cán bộ công chức điều hành xử lý công việc hàng ngày.
Cơ chế quản lý tập trung, quan liêu, bao cấp kéo dài trước thời kỳ đổi mới đã hạn chế dân chủ, làm cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội có nguy cơ chệch hướng. Ngày nay, đông đảo nhân dân ở cơ sở có những yêu cầu bức xúc về dân chủ, có những nguyện vọng và lợi ích thiết thân trong cuộc sống hàng ngày. Họ đòi hỏi được biết, được bàn, được tham gia giải quyết những vấn đề đặt ra ở cơ sở, đồng thời có yêu cầu kiểm tra, giám sát những việc làm hàng ngày của cán bộ lãnh đạo. Lê-nin đã chỉ ra rằng: không chỉ tuyên truyền về dân chủ, tuyên bố và ra sắc lệnh về dân chủ là đủ, không phải chỉ giao trách nhiệm thực hiện chế độ dân chủ cho "những người đại diện" nhân dân trong những cơ quan đại biểu là đủ. Cần phải xây đựng chế độ dân chủ, bắt đầu từ cơ sở, dựa vào sáng kiến của bản thân quần chúng, sự tham gia thực sự của quần chúng vào mọi công việc của Nhà nước.
Thực tế cho thấy, ở đâu và lúc nào thực hiện tốt dân chủ cơ sở thì ở đó đoàn kết, tập hợp được quần chúng nhân dân, tích cực tham gia và đạt kết quả toàn diện, vững chắc. Ngược lại, nơi nào xem nhẹ dân chủ, để mất dân chủ, cán bộ xa rời quần chúng nhân dân, quan liêu, cửa quyền, thiếu trách nhiệm, thiếu đạo đức, không lắng nghe, tôn trọng và không quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng, lợi ích của quần chúng nhân dân… thì nơi ấy sẽ rất khó thực hiện đúng và đưa ra chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với người dân, sẽ không thể nào có kết quả cao.
Dân chủ ở cơ sở cũng là một trong những tư tưởng cơ bản xuyên suốt trong tư tưởng dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng dân chủ của Người luôn xuay quanh cái cốt lõi: Dân là gốc. Bản chất dân chủ là quyền làm người. Dân là gốc thì dân phải là chủ và dân phải làm chủ. Nhân dân có quyền lợi làm chủ thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân. Người đánh giá rất cao về dân chủ: Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân. Thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn. Điều đáng mừng là, hiện nay, chúng ta đang thực hiện dân chủ ở cơ sở, thông qua việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đã và đang thực hiệt tốt hơn chức năng và nhiệm vụ của mình theo đúng đường lối của Đảng và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhiều nội dung và hình thức phong phú, đạt được những kết quả tốt.
Chú thích:
(1.2). HCM toàn tập, Nxb CTQG, HN. 2000 Tập.5, tr.698.
(3. 4). .............................................................T. 6, tr. 90, 88.
(5). .................................................................T.10, tr. 404.
(6). .................................................................T. 7, tr. 25.
(7). .................................................................T. 5, tr. 698-699.
(8). .................................................................T. 8, tr.216.
(9). .................................................................T. 5, tr. 699.
(10). ...............................................................T. 7, tr. 361-362.
(11). ...............................................................T. 5, tr. 61.