(Tổ Quốc) - Tìm thấy nhiều hiện vật quý thuộc văn hóa Đông Sơn tại Di chỉ Vườn Chuối; Khánh thành đường trục tâm linh lên Đền thờ Thái sư – Trạng nguyên Lê Văn Thịnh; Sơ kết công tác triển khai Đề án sân khấu truyền hình là những thông tin văn hóa nổi bật tại các tỉnh Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng.
- 02.07.2020 Hơn 250 giải thưởng sẽ được trao tại Cuộc thi "Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020"
- 02.07.2020 Phối hợp tổ chức "Triển lãm mỹ thuật học sinh sinh viên các cơ sở đào tạo VHNT toàn quốc" lần thứ Ba
- 02.07.2020 Bắc Giang: Hỗ trợ 10 tỷ đồng để tu bổ cho 31 di tích trên địa bàn tỉnh
- 02.07.2020 Đưa nghệ thuật Bài Chòi đến gần hơn với người dân và du khách
Hà Nội: Sau hơn một tháng tiến hành đợt khai quật khảo cổ học lần thứ 10, tại di chỉ Vườn Chuối (thuộc thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã tìm thấy nhiều hiện vật quý thuộc văn hóa Đông Sơn.
Đây là những chứng tích quan trọng khẳng định quá trình cư trú lâu dài và liên tục của những cư dân tiền - sơ sử trên khu vực này.
Theo đó, tại các hố khai quật H1 và H2, mỗi hố có diện tích 50 m², trên khu vực phía đông gò Vườn Chuối đã tìm thấy nhiều mảnh gốm thuộc văn hóa Đông Sơn (cách đây khoảng 1.800 đến 2.500 năm). Số lượng mảnh gốm được tìm thấy đã lên tới hàng vạn mảnh đang được phân loại, thống kê để tiếp tục nghiên cứu.
Cùng với số lượng lớn mảnh gốm còn tìm thấy những hiện vật đồng: lưỡi câu và những mảnh của lò nấu đồng cỡ nhỏ, ngoài ra còn tìm thấy một số đồ trang sức bằng đá (mảnh vòng tay, hạt chuỗi). Ở gần vách hố H1 đã xuất lộ dấu vết mộ cùng với đồ tùy táng bằng đá, gốm và đồng: vòng tay, mảnh vò gốm, hai lưỡi rìu (hình) "gót chân" bằng đồng đặc trưng của thời Đông Sơn.
Số lượng hiện vật khá lớn tìm thấy tập trung ở một điểm cho phép suy đoán về sự "giàu có" của chủ nhân ngôi mộ. Kích thước của chiếc vòng tay khá nhỏ có thể cho phép đoán về hình thể của người sở hữu nhỏ bé - rất có thể còn nhỏ tuổi, cơ thể chưa phát triển đầy đủ. Ở vị trí gần trung tâm của hố này cũng tìm thấy một bộ di cốt thuộc thời kỳ Đông Sơn được cải táng (các xương đã được sắp xếp lại, không giống như hình thể tự nhiên) còn khá nguyên vẹn đang chờ sự nghiên cứu của các nhà cổ nhân chủng học.
Với "trữ lượng" hiện vật dồi dào và tập trung như đã tìm thấy, có thể hy vọng tìm được những dấu vết văn hóa sớm hơn ở hố khai quật này - có thể thuộc thời kỳ Đồng Đậu (cách nay 3.000 đến 3.500 năm). Đây là những chứng tích quan trọng khẳng định quá trình cư trú lâu dài và liên tục của con người ở khu vực phía tây Hà Nội hiện nay.
Sự đa dạng phong phú của những hiện vật được tìm thấy (gốm, đá, đồng, di cốt) cũng cho phép các nhà khoa học mở rộng và nghiên cứu sâu hơn nhiều khía cạnh về cuộc sống sinh hoạt, phong tục và phương pháp mai táng, kỹ thuật chế tác công cụ, đồ trang sức và cả hình thể của những chủ nhân đã ở đây cách ngày nay hàng nghìn năm.
Cuộc khai quật lần thứ 10 ở di chỉ Vườn Chuối còn tiếp tục đến hết tháng 7-2020. Các nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu để có được câu trả lời chính xác về những thông tin khoa học từ các hiện vật mới tìm được. Đó là cơ sở để các nhà khoa học có ý kiến tham vấn với các nhà quản lý, cùng tìm phương án tối ưu cho việc bảo tồn di chỉ quý giá này.
Bắc Ninh: Sáng 02/7, đông đảo nhân dân xã Đông cứu, huyện Gia Bình đã dự Lễ khánh thành đường trục tâm linh lên Đền thờ Thái sư – Trạng nguyên Lê Văn Thịnh.
Công trình đường trục tâm linh lên Đền thờ Thái sư – Trạng nguyên Lê Văn Thịnh là một hạng mục công trình thuộc Dự án Khu du lịch sinh thái Thiên Thai. Được khởi công từ cuối tháng 8/2019, công trình được đầu tư xây dựng với chiều dài 141m, mặt cắt ngang rộng 30m, với tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng. Sau gần 8 tháng thi công, đến nay, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng dịp chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Công trình khi đưa vào hoạt động có ý nghĩa quan trọng tạo sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng của Khu du lịch sinh thái tâm linh, qua đó, góp phần vào sự phát triển du lịch của huyện Gia Bình cũng như tour du lịch ven sông Đuống của tỉnh.
Hải Phòng: Sở Văn hóa và Thể thao thành phố vừa tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác triển khai Đề án sân khấu truyền hình sau 6 tháng thực hiện, đề xuất phương hướng nhiệm vụ những tháng cuối năm 2020 và năm 2021.
Đề án sân khấu truyền hình được triển khai từ tháng 11/2019, đến nay đã có 8 chương trình sân khấu truyền hình được thực hiện thành công, trong đó 4 chương trình được truyền hình trực tiếp và 4 chương trình được ghi hình phát sóng.
Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng, đánh giá cao của cán bộ và đông đảo khán giả xem trực tiếp. Chương trình sân khấu truyền hình được thực hiện bên cạnh việc tạo sân chơi để các văn nghệ sỹ thỏa sức sáng tạo mà còn là cơ hội, là động lực để các nghệ sỹ, diễn viễn thể hiện niềm đam mê và cống hiến hết mình cho nghệ thuật, cho công chúng thành phố; góp phần phản ánh đời sống kinh tế xã hội đang đà phát triển của thành phố, khẳng định vị thế Hải Phòng không chỉ đi đầu, điểm sáng trong phát triển kinh tế mà còn là địa phương đầu tiên trong cả nước có những chính sách an sinh xã hội đột phá vì sự phát triển bền vững.
Hội nghị cũng chỉ ra những tồn tại, khó khăn trong việc triển khai thực hiện Đề án như lực lượng diễn viên của các đoàn còn mỏng chưa tương xứng với quy mô vở diễn, nhuận bút chi trả cho các tác giả sáng tác kịch bản theo quy định hiện hành rất khó khăn cho việc tìm kiếm tác phẩm chất lượng...
Căn cứ vào chủ đề và mục tiêu của Để án, Sở Văn hóa và thể thao thành phố đề xuất tăng gấp đôi số chương trình, vở diễn từ năm 2021; tăng tương tác với khán giả bằng cách tăng số lượng các chương trình trực tiếp...