• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tín hiệu vui cho người yêu Xẩm

Giải trí 09/06/2013 06:47

(Toquoc)- Bộ môn Hát Xẩm lần đầu tiên sẽ được đưa vào đào tạo bài bản như một khóa học.

(Toquoc)- Bộ môn Hát Xẩm lần đầu tiên sẽ được đưa vào đào tạo bài bản như một khóa học.

Đây là chương trình hợp tác giữa Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc (thuộc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam) với Học viện âm nhạc quốc gia và công ty IMC.

Nhiều người “sành” nghe Xẩm cho rằng, bộ môn nghệ thuật này đã mất đi cùng với sự qua đời của báu “vật” Hà Thị Cầu. Cùng với đó, Xẩm hiện nay đang được hát với giọng Chèo. Nỗi lo về sự biến mất của một trong những loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc nhất Việt Nam là có thật. Tuy nhiên, đã có những người tâm huyết với bộ môn nghệ thuật này bắt tay vào “cứu” Xẩm.





Cần một chính sách để người Hát Xẩm sống được bằng nghề

Nghệ sỹ Mai Tuyết Hoa- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc- học trò của nghệ nhân Hà Thị Cầu đang bắt tay với một Công ty TNHH tư vấn y dược quốc tế IMC thực hiện một dự án nhằm bảo tồn Xẩm.

Trước đó, Công ty TNHH tư vấn y dược quốc tế IMC thành lập một Nhóm hỗ trợ phát triển văn hóa Hát Xẩm với ba tiêu chí: bảo tồn, duy trì và phát triển Hát Xẩm. Ở nhiệm vụ bảo tồn: Nhóm hỗ trợ triển khai việc sưu tầm, nghiên cứu các nghệ nhân hát Xẩm thông qua việc triển khai các hoạt động dã ngoại để thăm hỏi các nghệ nhân và tìm  hiểu, thu thập các chứng tích để lưu hồ sơ. Để thực hiện nhiệm vụ duy trì, nhóm hỗ trợ phát triển các thế hệ đội ngũ kế cận để tiếp nối thông qua hoạt động đào tạo nghiên cứu sinh bậc đại học và trên đại học nghiên cứu sâu về nghệ thuật Hát Xẩm. Việc quảng bá nghệ thuật Hát Xẩm thông qua hoạt động tổ chức các buổi biểu diễn Hát Xẩm cũng được tổ chức nhằm phát triển nghệ thuật này. Tuy nhiên, công ty IMC chỉ thực hiện độc lập bằng các nguồn nhân lực là các tình nguyện viên chứ chưa có nguồn là các nghệ nhân.

Trong khi đó, phía Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc thì các nghệ nhân lại phải tự bỏ tiền túi ra để duy trì Hát Xẩm. Mong muốn truyền dạy mà không đủ kinh phí. Doanh nghiệp có kinh phí, người nghệ sỹ có tâm huyết, cộng thêm sự hỗ trợ bài bản từ một đơn vị đào tạo lớn nhất về âm nhạc của nhà nước là Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam thì chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng, đây sẽ là một bước góp phần hồi sinh nghệ thuật Hát Xẩm.







 Nghệ thuật Hát Xẩm vẫn nhận được sự yêu mến của công chúng 

Ông Lê Văn Toàn- Giám đốc Học viện âm nhạc quốc gia cho biết: “Hát Xẩm là nghệ thuật dân gian đặc sắc nhưng đang đứng trước nguy cơ thất truyền. Cần bảo tồn gấp nếu không chúng ta sẽ vĩnh viễn mất đi di sản này. Là cơ quan đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp, chúng tôi đã có các chương trình ngoại khóa đào tạo về các loại hình âm nhạc truyền thống có nguy cơ thất truyền như Ca trù, nhưng quả thực, với Hát Xẩm thì chưa có lớp đào tạo nào. Học viện Âm nhạc quốc gia sẽ phối hợp với Trung tâm để đưa Hát Xẩm vào chương trình ngoại khóa trong trường học, mời những nghệ nhân, nghệ sĩ tạo sức hút cho cả cộng đồng, mọi đối tượng”. Tuy nhiên, về lâu dài, để bảo tồn và phát triển Hát Xẩm một cách bền vững, theo ông Toàn, cần có một chính sách phù hợp, có kế hoạch lâu dài và làm từng bước.

Nghệ sỹ Mai Tuyết Hoa tỏ ra quyết tâm với việc thực hiện các biện pháp và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật này. Chị cho biết: “Ngoài biện pháp giáo dục từ nhỏ cho thế hệ trẻ thì các nhà quản lý, nghiên cứu, nghệ nhân, nghệ sĩ đều cho rằng nghệ nhân phải sống được bằng nghề này, có như vậy thì Hát Xẩm mới tồn tại lâu dài trong cộng đồng”.

GS Hoàng Chương- Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam chia sẻ, nghệ thuật hát Xẩm đã đi vào trong lòng nhân dân, là nhu cầu sinh hoạt văn hoá không thể thiếu của các tầng lớp trong xã hội. Trước đây, ra bến đò gặp Xẩm, ra chợ gặp Xẩm chợ, lên tàu điện gặp Xẩm tàu điện… Nhưng đời sống hiện đại đã khiến loại hình nghệ thuật này đã dần bị mai một. Khôi phục lại hát xẩm là việc làm cần thiết để bảo tồn văn hoá truyền thống của dân tộc. Theo GS Chương cũng cho biết, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ hỗ trợ việc thành lập một Câu lạc bộ Xẩm Hà Nội để thu hút những người yêu Xẩm đến sinh hoạt định kỳ.

Tất cả mới chỉ là ý tưởng nhưng có vẫn hơn không. Hy vọng, với sự vào cuộc và phối hợp của nhiều phía, những người yêu nghệ thuật Hát Xẩm sẽ được chứng kiến nghệ thuật này hồi sinh./.

Dạ Minh





NỔI BẬT TRANG CHỦ