(Tổ Quốc) - Nhiều năm qua, mặc dù chính quyền địa phương tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống nhưng tình trạng mang thai ngoài ý muốn dẫn đến tảo hôn vẫn trở nên nhức nhối, đáng báo động.
- 25.10.2023 Ninh Thuận: Xây dựng 48 mô hình Câu lạc bộ về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số
- 23.10.2023 Khánh Hòa: Các ngành, các cấp cùng chung tay thực hiện giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết
- 21.10.2023 Đa dạng các hoạt động phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại nhiều địa phương
Tảo hôn là những hủ tục hiện vẫn còn tồn tại, nhất là ở vũng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực trạng này đã và đang là một trở ngại đối với sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, sự tiến bộ của xã hội. Tảo hôn không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn để lại nhiều hệ lụy đối với cá nhân, gia đình và xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực, dân số, việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Tỉnh Đắk Lắk có dân số hơn 1,8 triệu người, với 49 dân tộc cùng sinh sống. Dân tộc thiểu số chiếm 35,7% dân số của tỉnh. Theo Nghiên cứu của Liên hiệp hội Đắk Lắk (DAKUSTA) và Trung tâm Tư vấn Sức khỏe và Phát triển Cộng đồng (CHD) tại Dự án "Tăng cường năng lực truyền thông thay đổi hành vi và sức khỏe sinh sản cho vị thành niên nhằm giảm thiểu tình trạng kết hôn sớm, kết hôn cận huyết thống trong cộng đồng dân tộc thiểu số" cho thấy: Trong những năm qua, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống diễn ra phổ biến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Về tảo hôn: Đắk Lắk có 1.753 cặp, tập trung tại các huyện như: Ea Súp, Krông Búk, Ea H'leo, Krông Bông, M'Drắk, Lắk, Cư M'gar, Krông Năng… Các dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn cao là: Êđê, M'nông và HMông ở các xã vùng III. Các thôn, buôn đặc biệt khó khăn có tỷ lệ tảo hôn cao hơn so với những khu vực khác.
Điển hình như tại xã Ea Dăh, huyện Krông Năng, năm 2022, chính quyền đã làm việc với 11 trường hợp tảo hôn, phạt hành chính 1 trường hợp và chuyển hồ sơ sang cơ quan công an 2 trường hợp. Trong đó, thôn Giang Đông là địa phương xảy ra nhiều vụ việc tảo hôn nhất xã Ea Dăh; chủ yếu là các em ở độ tuổi vị thành viên mang thai trước và về sống chung với nhau. Chỉ tính riêng trong năm 2022, tại thôn Giang Đông đã có đến 6 trường hợp tảo hôn xảy ra.
Theo Bí thư Chi bộ thôn Giang Đông Sùng A Thọ cho biết: Các em phần lớn có thai trước khi cưới và lấy nhau khi chỉ mới 15 - 18 tuổi, thậm chí nhiều em có con khi mới 14 tuổi. Khi sinh con ra, vì không thể đăng ký kết hôn nên giấy khai sinh của con thường mang họ mẹ.
Có thể kể đến trường hợp của em V.T.N.Ph. lấy chồng khi chỉ mới 15 tuổi, cả hai vợ chồng năm nay 17 tuổi. Trước đó, Ph. có đi học nhưng trong thời gian nghỉ dịch Covid ở nhà, em đã quen biết đi chơi với X.A.T (chồng Ph.) và có thai nên cả hai phải cưới. Vì lấy chồng khi còn quá nhỏ nên khi sinh con hai vợ chồng ra còn rất nhiều bỡ ngỡ. Không những thế, vì con nhỏ nên Ph. chưa thể đi làm việc, trong khi đó chồng Ph. là X.A.T., hiện vẫn đang học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Krông Năng nên tất cả mọi sinh hoạt của hai vợ chồng đều do bố mẹ chồng chu cấp, mặc dù gia đình cũng nằm trong diện hộ nghèo của thôn, bố mẹ các em vẫn phải nuôi ba đứa con ăn học.
Tương tự như vậy, em S.A.S. lấy vợ và có con khi cả hai vợ chồng mới 16 tuổi. Khi được hỏi về việc liệu có lo sợ sẽ bị pháp luật xử lý vì đã vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình không? S.A.S. lắc đầu và cười nói: "Các bạn xung quanh em ai cũng như vậy".
Từ các trường hợp trên, có thể thấy, nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn do nhận thức về Luật Hôn nhân gia đình, sức khỏe sinh sản… của các em còn hạn chế. Trong khi đó, việc kết hôn sớm làm mất đi cơ hội về học tập, cơ hội về cải thiện điều kiện sống và chăm sóc sức khỏe của người trẻ tuổi, bà mẹ và trẻ em. Tình trạng hôn nhân cận huyết thống ảnh hưởng nghiêm trọng đến giống nòi, chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số.
Đặc biệt, tảo hôn, sinh con khi còn quá nhỏ sẽ khiến đời sống kinh tế của nhiều gia đình khó khăn chồng chất và còn ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm sinh lý của tất cả các đối tượng liên quan. Thực tế cho thấy, các huyện nghèo, các xã vùng sâu vùng xa, những nơi có tỷ lệ đói nghèo cao thì tỉ lệ tảo hôn cũng gia tăng. Qua đó, có thể khẳng định rằng, tảo hôn vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả của đói nghèo, thất học và suy giảm chất lượng cuộc sống.
Chính vì thế, để khắc phục tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống trong thời gian tới đòi hỏi phải có cách tiếp cận toàn diện và hệ thống giải pháp đồng bộ, cũng như phải kiên trì thực hiện với sự tham gia của các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể, tổ chức, cá nhân. Bên cạnh việc can thiệp bằng các biện pháp pháp luật và hành chính từ chính quyền, cần đổi mới nội dung, phương pháp, cách thức truyền thông phù hợp với tập quán, văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy nét đẹp truyền thống, các tập tục có lợi trong hôn nhân và gia đình của các dân tộc nhằm gắn kết cộng đồng tham gia vào việc đẩy lùi và xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống./.
Trong thời gian qua, để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với UBND các địa phương tăng cường tổ chức hội nghị tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho gần 3.900 lượt học viên tại địa bàn 30 xã có tỉ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao.
Đồng thời, Ban Dân tộc cũng đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thẩm định nội dung và yêu cầu Sở Thông tin và truyền thông cấp giấy phép biên soạn, in ấn và cấp phát 133.300 tờ rơi tuyên truyền về tảo hôn; 133.300 tờ rơi tuyên truyền về hôn nhân cận huyết thống; 18.800 cuốn Sổ tay hỏi – đáp về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; lắp đặt trên 100 áp phích tuyên truyền tại các xã có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao trên địa bàn tỉnh.