(Tổ Quốc) - Tổ chức Không gian văn hóa, du lịch và thương mại tỉnh Hà Giang tại TP. Hồ Chí Minh; Tuyên Quang duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động các đội văn nghệ quần chúng; Bắc Giang tập trung đầu tư cơ sở vật chất cho các khu di tích, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong tổ chức lễ hội là những thông tin văn hóa đáng chú ý.
Tổ chức Không gian văn hóa, du lịch và thương mại tỉnh Hà Giang tại TP. Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa, du lịch và thương mại tỉnh Hà Giang tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ diễn ra từ ngày 16-19/7/2020 tại Công viên Lê Văn Tám, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Các hoạt động nhằm kích cầu du lịch Hà Giang sau dịch Covid-19, góp phần đưa ngành kinh tế du lịch Hà Giang hoạt động ổn định trở lại; quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa, di sản đặc trưng của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Hà Giang, những di sản địa chất, địa mạo hùng vĩ, những thửa ruộng bậc thang, những sản phẩm hàng hóa đặc sản…Đặc biệt giới thiệu, quảng bá sự kiện Tuần lễ văn hóa du lịch ruộng bậc thang Hoàng Su Phì và Lễ hội hoa Tam giác mạch năm 2020 tỉnh Hà Giang đến với thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế.
Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thương mại, các công ty lữ hành trong tỉnh có điều kiện tiếp cận, trao đổi, hợp tác kinh doanh với các đơn vị doanh nghiệp thị trường Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, các tỉnh, thành khu vực miền Nam – Tây Nguyên nói chung.
Sự kiện bao gồm các hoạt động: Giao lưu văn hóa nghệ thuật ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, con người, giới thiệu nét văn hóa đặc sắc, tiêu biểu các dân tộc tỉnh Hà Giang; Hoạt động giới thiệu, quảng bá văn hóa, du lịch và thương mại tỉnh Hà Giang, Hội nghị kích cầu du lịch nội địa đến Hà Giang tại khu vực miền Nam, Tây Nguyên.
Tuyên Quang: Duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động các đội văn nghệ quần chúng, góp phần tạo môi trường văn hóa lành mạnh
Sở VHTTDL đã có Báo cáo tình hình thi hành Chỉ thị số 814/CT-TTg ngày 12/12/1995 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, thiết lập trật tự kỷ cương trong các hoạt động văn hóa, đẩy mạnh bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Theo đó, hằng năm, Sở VHTTDL đã chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở và Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao các huyện, thành phố biên tập trên 100 tài liệu tuyên truyền, tổ chức trên 1.500 buổi tuyên tuyền; trên 1.600 buổi chiếu phim tại các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (trước các buổi chiếu phim đều duy trì thực hiện tốt công tác tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị, tăng cường quản lý, thiết lập trật tự kỷ cương trong các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa, đẩy mạnh bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng trong nhân dân). Công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh trong việc bài trừ các văn hóa phẩm độc hại, hướng tới các hoạt động văn hóa lành mạnh.
Ngành VHTTDL đã tập trung tham mưu, phối hợp, tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", trọng tâm là phong trào xây dựng "Gia đình văn hóa"; "Thôn, bản, tổ dân phố văn hóa"; "Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa", gắn với việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Cuộc vận động "Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", tiếp tục đẩy mạnh "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Kết quả, số hộ đạt gia đình văn hóa; thôn, bản, tổ dân phố; cơ quan, đơn vị văn hóa ngày càng tăng. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong cưới, việc tang đã được đại bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương và các tổ chức chính trị xã hội hằng năm tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ thiết thực, ý nghĩa thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia thông qua thực hiện các phong trào thi đua, các Hội thi, Hội diễn, Liên hoan văn nghệ quần chúng,…Duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động các đội văn nghệ quần chúng, góp phần tạo môi trường văn hóa lành mạnh, làm thay đổi nhận thức và hành vi của mỗi người phù hợp với luật pháp, đạo đức và truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Bên cạnh đó, Sở VHTTDL đã thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Chủ động đấu tranh phòng chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, sự chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa, góp phần đảm bảo định hướng lớn của Đảng trong việc "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" ngăn chặn sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội.
Bắc Giang: Tập trung đầu tư cơ sở vật chất cho các khu di tích, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong tổ chức lễ hội
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội, Tỉnh ủy Bắc Giang đã đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp. Cụ thể, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh tới cơ sở tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về tầm quan trọng của việc triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Chỉ thị 41-CT/TW gắn với thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác quản lý và tổ chức lễ hội một cách hiệu quả, thiết thực.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với việc tổ chức, quản lý lễ hội gắn với hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý và tổ chức lễ hội, kiểm tra, giám sát các di tích được xếp hạng, tu bổ, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép.
Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa các cấp; tập trung đầu tư cơ sở vật chất cho các khu di tích; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, thu hút nguồn lực từ nhân dân, cá nhân, doanh nghiệp…trong tổ chức lễ hội, tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh; trong công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tốt đẹp của dân tộc….