(Tổ Quốc) - Sáng ngày 6/2, tại di tích quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng, Đảng bộ - chính quyền huyện Mê Linh đã tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm 1982 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Trong không khí toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang phấn khởi kỉ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ, chính quyền huyện Mê Linh tổ chức Lễ dâng hương kỷ niệm 1982 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Tham dự Lễ dâng hương có bà Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; bà Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; ông Trịnh Đình Dũng, nguyên Phó Thủ tướng Chính Phủ; bà Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; bà Phan Thị Kim Oanh, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; bà Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội.
Về phía đại biểu thành phố Hà Nội có các đồng chí: Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Phùng Thị Hồng Hà, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội; Chử Xuân Dũng, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Đỗ Đình Hồng, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, cùng các đồng chí lãnh đạo các Sở, ban, ngành thành phố và huyện Mê Linh..... cùng lãnh đạo các Bộ, ban ngành Trưng ương, địa phương.
Hai Bà Trưng và cuộc khởi nghĩa của Hai Bà (năm 40-43 sau Công nguyên) đã đi vào lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là cuộc khởi nghĩa đầu tiên trong lịch sử đấu tranh oanh liệt chống ách thống trị của ngoại bang của nhân dân ta, là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, ý chí hiên ngang, khí phách quật cường của dân tộc Việt Nam.
Đền Hai Bà Trưng là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh của nhân dân địa phương, qua đó những giá trị văn hóa phi vật thể đã được kết tinh và biểu hiện ở lễ hội và các trò diễn dân gian. Lễ hội đền Hai Bà Trưng được tổ chức hang năm, từ ngày 4 đến ngày mồng 10 tháng Giêng (Âm lịch). Trong đó, chính hội là ngày mồng 6, tương truyền, đây là ngày Hai Bà Trưng mở tiệc khao quân, cho nên sau này dân làng mở hội để kỷ niệm sự kiện đó, nhằm ôn lại truyền thống hào hung của các bậc tiền nhân trong buổi đầu dựng nước và giữ nước. Cứ năm năm một lần, nhân dân trong làng lại tổ chức rước kiệu Hai Bà Trưng, kiệu Thành hoàng làng Hạ Lôi.
Hằng năm, Lễ hội đền Hai Bà Trưng thường diễn ra vào mùng 6 Tết Nguyên đán, thu hút sự tham gia của hàng vạn du khách và người dân địa phương. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, năm nay TP. Hà Nội đã quyết định chỉ tổ chức phần lễ để đảm bảo phòng chống dịch. Lễ dâng hương tưởng nhớ Hai Bà Trưng của Đoàn đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội được thực hiện ngắn gọn, đảm bảo đúng các quy định phòng dịch.
Di tích Hai Bà Trưng chứa đựng những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, kiến trúc,.... Đây là nơi gắn bó mật thiết với đời sống cộng đồng trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tự hào dân tộc, sự cố kết cộng đồng… của cư dân Hạ Lôi. Di tích đã được Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 2383/QĐ -TTg, ngày 09 tháng 12 năm 2013).
Trong không khí trang nghiêm, linh thiêng của Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Hai Bà Trưng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội đã dâng hương, tưởng nhớ Hai Bà Trưng - hai nữ anh hùng kiệt xuất của dân tộc.
Sau buổi lễ, Đoàn đại biểu TP Hà Nội và Lãnh đạo lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Mê Linh... đã tổ chức lễ phát động tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ năm Nhâm Dần 2022./.