• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tổng Bí thư: 'Bất cứ ai cũng không có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật'

Thời sự 25/06/2018 20:51

(Tổ Quốc) -'Cán bộ lãnh đạo phải ghi nhớ, bất cứ ai cũng không có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật, bất kỳ ai sử dụng quyền lực đều phải phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân'.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh yêu cầu trên khi phát biểu kết thúc Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng chiều nay, 25.6. 

Cái gì nhân dân căm ghét thì phải ngăn ngừa, uốn nắn



Đề cập đến các phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Tổng bí thư lưu ý:



Dù công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã đạt những kết quả rất quan trọng, rất đáng mừng, nhưng PCTN là công việc hệ trọng, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên quyết, kiên trì. Chúng ta tuyệt nhiên không được tự thỏa mãn với những kết quả đã đạt được.



Mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu, phải gương mẫu, đi đầu, có sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong đấu tranh PCTN; không sợ mất uy tín, không sợ khuyết điểm; trái lại, phải mạnh dạn làm để giữ gìn uy tín, củng cố niềm tin của nhân dân và phải công khai để nhân dân biết, ủng hộ và giám sát.



Phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân, cái gì mà quần chúng nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì chúng ta phải quyết tâm làm và làm cho bằng được; ngược lại, cái gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm.



Bên cạnh việc xử lý nghiêm đối với những trường hợp sai phạm, chúng ta cũng cần có cơ chế để bảo vệ, khuyến khích những cán bộ, đảng viên, người đứng đầu dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, mạnh dạn, đi đầu trong đổi mới vì sự phát triển của đất nước; việc đánh giá, nhìn nhận về các sai phạm cũng cần phải đặt trong những điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể để có quan điểm xử lý khách quan, phù hợp.



Đồng thời, cần kiên quyết đấu tranh với những quan điểm sai trái, phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phần tử xấu muốn lợi dụng cuộc đấu tranh PCTN để chia rẽ nội bộ, nói xấu, bôi nhọ Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Xử lý nghiêm cán bộ sai phạm không làm “chậm lại” sự phát triển

 Trong phát biểu chỉ đạo, Tổng bí thư đặc biệt nhấn mạnh 6 nội dung cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.
 Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về PCTN.
 Theo Tổng bí thư, công tác tuyên truyền phải khẳng định rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước về PCTN; làm cho mọi người thấy rõ việc chỉnh đốn Đảng, xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm không làm “chậm lại” sự phát triển, mà ngược lại, càng làm trong sạch, tạo sức mạnh thật sự của bộ máy và đội ngũ cán bộ, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ, tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
 Ngoài yêu cầu tăng cường phối hợp, kịp thời cung cấp, công khai thông tin, định hướng tuyên truyền về PCTN, nhất là chủ động thông tin về kết quả kiểm tra, thanh tra, xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm; về khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế; về những vấn đề nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm trong xử lý tham nhũng,... Tổng bí thư cũng đề nghị khắc phục tình trạng thông tin một chiều, thông tin không chính xác, mang tính kích động, gây hoang mang hoặc quy kết về tội danh, mức án trước khi xét xử; kiên trì rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức...
 Thứ hai, phải tập trung chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTN; phấn đấu từ nay đến hết nhiệm kỳ cơ bản hoàn thành một bước về xây dựng một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”.
 Hoàn thiện quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm người đứng đầu khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm giải trình, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; quy định về việc ngăn chặn những người có chức, có quyền lợi dụng cương vị công tác để trục lợi; quy định về cho thôi, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; quy định về điều chuyển, thay thế cán bộ khi có dư luận hoặc biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp; cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung...
 Tổng bí thư đề nghị Quốc hội, Chính phủ tập trung chỉ đạo khẩn trương tiếp thu, đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, khắc phục những sơ hở trong quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, nhất là ở các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng.
 Kỷ luật là để "trị bệnh cứu người"
 Thứ ba là tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, nâng tầm nhiệm vụ trong tình hình mới.
 Tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa; đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ, vụ lợi, lợi ích nhóm. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước; đối với những người vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, nghiêm minh, công khai.
 Các cấp ủy, tổ chức đảng phải tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên để kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu sai phạm; tiến hành mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng.
 Theo Tổng bí thư, mục đích của kỷ luật là để “trị bệnh cứu người”, cảnh tỉnh, răn đe, do đó phải quán triệt phương châm phòng ngừa chặt chẽ, ngăn chặn từ gốc, phát hiện sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Tăng cường giám sát của tổ chức đảng từ trên xuống dưới, giám sát từ dưới lên, phát huy vai trò giám sát lẫn nhau trong cùng cấp, tăng cường quản lý, giám sát thường ngày đối với đảng viên và cán bộ lãnh đạo.
 Xử lý nghiêm kỷ luật của Đảng, đồng thời kỷ luật Đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật; đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.
 Đảng viên ở bất cứ cương vị công tác nào vi phạm đều phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới; nơi nào tự kiểm tra không phát hiện hoặc phát hiện nhưng xử lý vi phạm nương nhẹ thì cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đó phải chịu trách nhiệm và có hình thức xử lý đúng mức, không “rút kinh nghiệm” chung chung.
 Giao cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương có thể chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng xuống đến cả Đảng bộ cấp huyện và cơ sở khi cần thiết, tránh tình trạng bao che sai phạm trong nội bộ của các địa phương, cơ quan, đơn vị.
 Cần tập trung khắc phục bằng được những yếu kém trong công tác cán bộ, những sai phạm của cán bộ khiến dư luận bức xúc. Kiểm tra toàn diện công tác cán bộ; chú trọng kiểm tra, giám sát cán bộ có biểu hiện tham nhũng; có nhiều dư luận quần chúng phản ánh, tố cáo tham nhũng; cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và cán bộ được quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo, quản lý...
 Thứ tư, tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, kiểm soát quyền lực để PCTN.
 Theo Tổng bí thư, quyền lực luôn có nguy cơ bị tha hóa, tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, cho nên phải thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao, trách nhiệm càng lớn.
 Do vậy, phải tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát để bảo đảm quyền lực được vận hành công khai, minh bạch, đúng đắn, không bị tha thóa; phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, đồng thời thực hiện nghiêm việc xử lý, điều chuyển, miễn nhiệm, thay thế cán bộ có biểu hiện tham nhũng gây nhiều dư luận; xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách; và quan trọng hơn là phải ngăn ngừa tận gốc những sai phạm, khuyết điểm một cách căn cơ, bài bản bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nói một cách hình ảnh là phải “nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế”...
 “Không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ”
 Thứ năm, theo Tổng bí thư, phải nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, nhất là ở các địa phương, cơ sở; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tệ “tham nhũng vặt”; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.
 Cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn trong phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở, khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.
 Tập trung chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, kiểm toán vào những nơi có vấn đề phức tạp, dư luận quan tâm, các lĩnh vực nhạy cảm, dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, gợi ý, lót tay, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
 Đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ.
 Bổ sung, hoàn thiện quy định về xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, kiểm toán nhưng không phát hiện được sai phạm, sau đó sai phạm này lại được phát hiện bởi các đoàn kiểm tra, thanh tra, kiểm toán khác. Có các giải pháp phù hợp, thận lợi, an toàn để khuyến khích và kịp thời xử lý thông tin do người dân phát hiện, phản ánh, tố cáo.
 Tích cực xác minh, kịp thời áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, thu hồi triệt để tài sản tham nhũng trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; khuyến khích người phạm tội tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
 Tham nhũng nhất định sẽ được ngăn chặn và từng bước đẩy lùi
 Thứ sáu là tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN.
 Theo Tổng bí thư, đấu tranh phòng, chống tham nhũng là công việc khó khăn, phức tạp và lâu dài. Từ những kinh nghiệm, kết quả đạt được trong thời gian qua, nhất là từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, chúng ta có cơ sở để tin tưởng với quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác PCTN thời gian tới sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, rõ rệt hơn nữa; tham nhũng nhất định sẽ được ngăn chặn và từng bước đẩy lùi; góp phần xây dựng Đảng ta, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và niềm mong đợi của nhân dân.
 "Tôi đề nghị các đồng chí, trên từng cương vị công tác của mình, hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và đất nước, gương mẫu, đi đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, nhất là tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi tiêu cực, tham nhũng ngay trong bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị mình, góp phần vào thành công chung của cả nước", Tổng bí thư chỉ đạo.

NỔI BẬT TRANG CHỦ