• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Đại hội XIII của Đảng là một trong những đại hội thành công nhất cả về nội dung và hình thức

Thời sự 01/02/2021 13:36

(Tổ Quốc) - Ngay sau phiên bế mạc, sáng nay (1/2), Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì buổi họp báo thông báo kết quả Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Có trường hợp hối lộ, xách vali tiền đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương, mở ra toàn đô la - Ảnh 1.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi họp báo.

Công tác nhân sự ra Đại hội được thống nhất rất cao

Mở đầu họp báo, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công rất tốt đẹp, hoàn thành sớm hơn nội dung chương trình gần 2 ngày đề ra. 

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng, Đại hội XIII là một trong những Đại hội thành công nhất, cả về nội dung, cả về hình thức, cách thức tổ chức, lề lối làm việc và kết quả cuối cùng là Đại hội đã thông qua Nghị quyết Đại hội. 

Đặc biệt, công tác chuẩn bị các văn kiện Đại hội đã được chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng. Văn kiện Đại hội đã được tổng hợp ý kiến của Đại hội Đảng các cấp, công bố lấy ý kiến của toàn dân. Văn kiện Đại hội là sản phẩm kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng cho hay, công tác nhân sự chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng được thực hiện rất chu đáo, cẩn thận, thận trọng, khách quan, công tâm, làm từng bước, làm từng việc, dễ tới khó. Công tác nhân sự đã được bắt đầu chuẩn bị từ năm 2018. 

“Việc chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương đã được thực hiện bài bản, từng bước, lấy ý kiến của các cơ quan. Do vậy, công tác nhân sự ra Đại hội được thống nhất rất cao” - Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng nêu và cho biết công tác nhân sự bầu một lần là xong, bầu đủ cả Uỷ viên chính thức và dự khuyết. 

Một điểm khác được Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đó là công tác tổ chức, phục vụ Đại hội rất tốt. Việc tổ chức Đại hội được thực hiện rất chu đáo, cẩn thận, tạo mọi điều kiện cho các đại biểu về dự, đồng thời đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các đại biểu nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. 

"Ai cũng thích của, thích tiền nhưng danh dự mới là điều thiêng liêng nhất"

Liên quan đến công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng ở nhiệm kỳ XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, chống tham nhũng là vấn đề rất lớn không chỉ Việt Nam mà ở nước nào cũng có, không chỉ thời nay mà thời nào cũng có, chỉ là nhiều hay ít và quy mô lớn hay nhỏ. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Có trường hợp hối lộ, xách vali tiền đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương, mở ra toàn đô la - Ảnh 2.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, phòng, chống tham nhũng phải “không trừ một ai, không vùng cấm và không ngừng nghỉ”.

"Đây là bệnh của người có quyền, có chức. Người nắm trong tay tiền của không chỉ dễ tham nhũng mà còn tiêu cực và lợi ích nhóm. Từ khi tôi được phân công làm Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của Đảng, liên tục có những vụ việc được xử lý liên quan đến Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, thậm chí thu hồi tài sản lên tới hàng triệu USD", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định, phòng, chống tham nhũng phải “không trừ một ai, không vùng cấm và không ngừng nghỉ”. Theo đó, gần thời điểm diễn ra Đại hội XIII của Đảng, các vụ việc tham nhũng liên quan đến Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư, Phó Bí thư các thành phố lớn vẫn được đưa ra xét xử. 

Nhắc lại lời nói của Bác Hồ: “Cưa một cành cây mọt, sâu để cứu cả một cái cây”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết: "Xử lý tham nhũng là hoàn toàn nhân văn, nhân đạo. Xử lý một vài người để răn đe, giáo dục, ngăn ngừa người khác không vi phạm. Để cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe ngăn ngừa là chính chứ không phải là cốt xử cho nhiều, xử cho nặng".

Kể lại câu chuyện mang tính cảnh tỉnh và răn đe nghiêm khắc về trường hợp hối lộ, xách vali tiền đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để biếu xén, lấp liếm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết: "Khi đồng chí cán bộ đó kiểm tra mở vali xem thì thấy toàn tiền đô la. Tôi đã yêu cầu khóa vali lại, niêm phong và lập biên bản". 

Khẳng định cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng rất phức tạp, khó khăn, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, nếu không có bản lĩnh, không có dũng khí, không có tình cảm chân chính thì sẽ không làm được. 

"Ai cũng thích của, thích tiền, nhưng danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất. Đây là cuộc đấu tranh còn lâu dài, gian khổ, quyết liệt. Chúng ta chỉ mới hạn chế, ngăn ngừa được một bước đầu. Nếu không rèn luyện tu dưỡng thì khó tránh khỏi cám dỗ", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định.

Chống tham nhũng tốt sẽ góp phần hạn chế tình trạng tự chuyển biến, tự chuyển hóa

Nói về nguyên nhân của những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ XII, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, văn kiện của Đại hội XIII đã nhấn mạnh đến những thành tựu quan trọng, mang lại dấu ấn toàn diện của nhiệm kỳ XII trên tất cả các lĩnh vực như kinh tế - xã hội, văn hóa con người, quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng.

Văn kiện nhấn mạnh mấy điểm, trong đó nêu bật sự đoàn kết thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy Đảng.

Nguyên nhân thứ hai là sự quản lý điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự đổi mới của Quốc hội, HĐND các cấp. Điều quan trọng nhất là Văn kiện nhấn mạnh vai trò của nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, sự nỗ lực của cán bộ đảng viên và nhân dân.

Về các thách thức trong thời gian tới, ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết, trong Văn kiện ghi rõ ngoài tụt hậu về kinh tế, tham nhũng lãng phí, diễn biến tự chuyển hóa thì còn có cả sự chống phá của các thế lực thù địch, Muốn xử lý thì phải làm bài bản, giải pháp tích cực, đồng bộ.

"Ví dụ như cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí, nếu chúng ta làm tốt sẽ góp phần hạn chế tình trạng tự chuyển biến, tự chuyển hóa" - ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh lấy ví dụ.

Về các giải pháp lâu dài và bền vững, ông Nguyễn Xuân Thắng cho rằng cần phải có khuôn khổ pháp luật, thể chế, chế tài để thực hiện. Ví dụ như chống tham nhũng thì pháp luật phải rất rõ để không dám tham nhũng. Cùng với chế tài xử lý nghiêm minh, cần phải thực hiện giáo dục tuyên truyền. Như vậy thì mới khắc phục được tình trạng tham nhũng.

"Ngoài ra, một thách thức mới mà chúng ta đang phải đối mặt đó là đại dịch Covid-19. Phòng chống dịch tốt sẽ giúp chúng ta thể hiện được ý chí, sự ưu việt của chế độ" - ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.


Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ