• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tổng Bí thư đã đưa ra thông điệp toàn diện trên mọi lĩnh vực phát triển đất nước từ chuẩn mực văn hóa

Thời sự 18/08/2021 07:14

(Tổ Quốc) - Ngày 11/8/2021, trong phiên họp toàn thể đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 – 2026, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo rất quan trọng, mang tính gợi mở, định hướng và giao nhiệm vụ cho Chính phủ nhiệm kỳ này, thể hiện sự quan tâm đặc biệt, sự chia sẻ sâu sắc, sự kỳ vọng và tin tưởng lớn lao của Đảng, Nhà nước, nhân dân dành cho Chính phủ. Tổng Bí thư đã nhấn mạnh những nhiệm vụ quan trọng, trong đó, vấn đề phát triển văn hóa được đặt ngang tầm với phát triển kinh tế, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại…

Để thấm nhuần hơn tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết của GS Hoàng Chí Bảo- nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Chúng ta rất vui mừng được tiếp cận bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, ngay sau khi Quốc hội bế mạc kỳ họp thứ nhất, kỳ họp thứ XV. Việc Tổng Bí thư đến dự cuộc họp đầu tiên của Chính phủ cùng rất nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng, thể hiện một điều Đảng của chúng ta rất quan tâm đến hoạt động của Chính phủ trong điều kiện hiện nay của đất nước. Chúng ta biết là đất nước ta đã đổi mới trên 35 năm, Đại hội XIII của Đảng đã thành công tốt đẹp, đã đưa ra nhiều quyết sách lớn của đất nước trong thời gian tới, một trong những tinh thần chủ đạo đó là khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, dân tộc cường thịnh, trường tồn. Những tư tưởng này được Tổng Bí thư nhắc lại trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ. Trong bài phát biểu quan trọng này, chúng ta lưu ý một số vấn đề quan trọng sau, nhìn từ lăng kính văn hóa.

Tổng Bí thư đã đưa ra thông điệp toàn diện trên mọi lĩnh vực phát triển đất nước từ chuẩn mực văn hóa - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu tại Phiên họp toàn thể đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 – 2026 (ảnh TTXVN)

Thứ nhất, Tổng Bí thư đã điểm lại những bước ngoặt trong lịch sử phát triển đất nước, Chính phủ từ khi Bác Hồ khai sinh ra đất nước cách đây 75 năm. Sự phát triển ấy đều cho thấy một quan điểm nhất quán, nổi bật của Đảng, Nhà nước ta là làm tất cả vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự phát triển của đất nước, vì độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Hay nói như Bác Hồ, giá trị thiêng liêng của phát triển là độc lập, tự do, hạnh phúc.

Sau đó, Tổng Bí thư cũng nói đến mỗi một nhiệm kỳ của Chính phủ đều để lại những giá trị, dấu ấn cụ thể phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước. Tổng Bí thư cũng bày tỏ kỳ vọng, Chính phủ của nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ cố gắng nỗ lực, phấn đấu để đạt được những thành tựu xuất sắc hơn nữa, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, sự giao phó của Nhân dân.

Nếu nghiên cứu kỹ bài phát biểu của Tổng Bí thư, chúng ta thấy rằng, Tổng Bí thư đã đặt ra vấn đề lý luận rất cơ bản về sự phát triển đất nước trên tinh thần văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.

Những vấn đề rất quan trọng đó là:

Tổng Bí thư đặt ra vấn đề phát triển kinh tế và mô hình phát triển kinh tế ở nước ta là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Theo đánh giá của Tổng Bí thư, tư tưởng kinh tế thị trường định hướng XHCN là tư tưởng về nền kinh tế hiện đại, vừa tuân thủ quy luật thị trường, vừa tính đến nhu cầu phát triển đất nước, mục tiêu cao nhất là vì nhân dân, định hướng XHCN, hướng vào quyền làm chủ, lợi ích chính đáng của nhân dân. Đảng ta coi tư tưởng này là phát kiến lý luận có tính đột phá. Nhìn từ góc độ văn hóa, tư tưởng kinh tế thị trường định hướng XHCN cũng chính là thực hiện kinh tế trong văn hóa, văn hóa gắn liền với kinh tế. Trong đó, quan trọng là không hy sinh lợi ích của nhân dân để lấy tăng trưởng. Mỗi một bước tiến của kinh tế phát gắn liền với công bằng xã hội và thước đo quan trọng nhất là quyền làm chủ và lợi ích chính đáng của người dân. Cũng như sự phát triển kinh tế là sự phát triển đồng bộ các thành phần kinh tế, trong đó, ngoài kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, nền tảng, thì chú trọng kinh tế tập thể, tạo mọi điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển, đây là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế. Tư tưởng này được xuyên suốt qua nhiều kỳ đại hội của Đảng ta trước đây và đến Đại hội thứ XIII.

Tiếp theo, bài phát biểu của Tổng Bí thư đề cập đến một vấn đề quan trọng đó là phát triển văn hóa, xã hội. Đây là một điểm cốt lõi, quan trọng. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Chúng ta biết, tư tưởng cơ bản của Đảng ta hiện nay: phát triển kinh tế xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, quốc phòng an ninh là nhiệm vụ trọng yếu và thường xuyên.

Tổng Bí thư đã đưa ra thông điệp toàn diện trên mọi lĩnh vực phát triển đất nước từ chuẩn mực văn hóa - Ảnh 2.

Phiên họp toàn thể đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 – 2026 (ảnh TTXVN)

Đó là tổng hợp đồng bộ các hoạt động của xã hội từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng. Trong đối ngoại, trong đường lối đổi mới và hội nhập, chủ trương của Đảng ta là làm bạn với tất cả các nước, chủ động hội nhập quốc tế, tìm kiếm các khả năng để phát triển đất nước, kết hợp với nhân tố nội sinh trong nước với nhân tố ngoại sinh bên ngoài. Chủ động hội nhập để tạo điều kiện cho Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, hiện đại hóa đất nước. Chú trọng kết hợp đồng bộ các kênh ngoại giao khác nhau, ngoại giao của Đảng, của nhà nước, các đoàn thể quần chúng nhân dân để tăng thêm sự hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam với các nước. Nhân tố đối ngoại cực kỳ quan trọng. Đây cũng chính là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ rất sớm. Việt Nam làm bạn với tất cả các nước.

Tổng Bí thư đề cập đến vấn đề phát triển văn hóa, xã hội trong đó cốt lõi của văn hóa là con người. Nếu văn hóa là mục tiêu, là động lực của sự phát triển thì con người là giá trị cao nhất của văn hóa. Phát triển con người ở đây, Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh làm thế nào để tìm kiếm được nhân tài, những người đủ đạo đức, phẩm chất, năng lực uy tín và ngang tầm nhiệm vụ mà nhân dân giao phó, giữ cương vị trong Đảng, Chính quyền.

Ta nhớ một điều rất quan trọng, trong văn hóa, cái cốt lõi là đạo đức. Nhất là đạo đức trong Đảng, đạo đức trong nhà nước, trong hệ thống chính trị, trong đội ngũ cán bộ, công chức quản lý các cấp. Tổng Bí thư nhấn mạnh vấn đề "quyền anh quyền tôi", tìm kiếm lợi ích cá nhân vị kỷ, biểu hiện rõ nhất tham nhũng, quan liêu. Chúng ta cần lưu ý đến một điều mà Tổng Bí thư thiết tha đó là đạo đức trong đội ngũ cán bộ, đó là tiền của lắm nhưng khi chết đi có mang theo được đâu, điều quan trọng, thiêng liêng là danh dự. Đây là một thông điệp quan trọng và có ý nghĩa trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực chấn hưng đạo đức, chống lại sự suy thoái xuống cấp về đạo đức mà Đảng đi tiên phong, làm gương.

Đó là những tư tưởng lớn, cũng chính là sự gửi gắm, niềm tin của Tổng Bí thư-người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước ta dành cho Chính phủ, toàn Đảng, toàn dân.

Ngoài ra, tư tưởng của cán bộ, tư tưởng của tổ chức bộ máy, thực hiện cho được Nghị quyết quan trọng của Đảng như xây dựng chỉnh đốn Đảng, chống lại suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa và nhất là chúng ta thực hiện tổ chức bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị nói chung tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và quan trọng nhất là thước đo sự hài long của người dân. Đây là tư tưởng đột phá. Những điều đó đều mang giá trị văn hóa.

Theo nhận thức của chúng tôi, bài phát biểu của Tổng Bí thư nhìn nhận từ yếu tố tính chất tổng hợp của văn hóa được thể hiện trong mọi khía cạnh. Văn hóa chính trị, văn hóa kinh tế, văn hóa quản lý, lãnh đạo, văn hóa của Đảng cầm quyền, văn hóa ứng xử, chuẩn mực đạo đức, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Thực hiện cho được cuộc vận động xây dựng một môi trường đạo đức lành mạnh, kỷ luật công vụ, đạo đức công chức trong thi hành công vụ, phục vụ nhân dân. Nhất là thực hiện cho được kỷ cương, phép nước mà Đảng ta nêu trong Đại hội X: thực hành dân chủ, tăng cường kỷ cương.

Chúng tôi cho rằng, bài phát biểu của Tổng Bí thư nhận được sự đồng cảm sâu sắc của rất nhiều cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư. Chúng ta càng thấy rõ thêm nếu không chú trọng vấn đề văn hóa, đất nước khó có thể phát triển bền vững, hiện đại hóa.

Tổng Bí thư đã đưa ra thông điệp toàn diện trên mọi lĩnh vực phát triển đất nước từ chuẩn mực văn hóa - Ảnh 3.

GS Hoàng Chí Bảo- nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Điều này làm chúng ta nhớ lại một tư tưởng nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay những ngày đầu xây dựng nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Tháng 11 năm 1946, trong hoàn cảnh kẻ thù xâm lược đang tìm mọi cách để xâm lược trở lại Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đi dự Đại hội văn hóa cứu quốc tổ chức tại Nhà hát Lớn. Người đưa ra một luận điểm rất nổi tiếng, văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Người còn nói rõ, văn hóa không ở bên ngoài mà ở trong kinh tế và chính trị. Và muốn cho chính trị thấm sâu vào đời sống nhân dân thì chính trị đó phải nâng tầm của văn hóa lên.

Lần này, trong bối cảnh Đảng của chúng ta đã có sự đổi mới, sáng tạo, tiếp tục tư tưởng đổi mới của Đại hội XI, Tổng Bí thư đã đưa ra thông điệp toàn diện trên mọi lĩnh vực phát triển đất nước từ chuẩn mực văn hóa. Coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, coi văn hóa là mục tiêu, động lực phát triển, trong văn hóa thì văn hóa đạo đức, giá trị con người trong lối sống được đặc biệt nhấn mạnh.

Kỳ vọng của chúng ta là làm sao Chính phủ nhiệm kỳ này thực hiện xuất sắc nhiệm vụ quan trọng mà Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã nêu ra và Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ nhất vừa quyết nghị, để vượt qua khó khăn hiện nay, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang gây ra những khó khăn, trở ngại trong phát triển đất nước. Trong bối cảnh hiện nay, Đảng, Nhà nước tập trung mọi nỗ lực, huy động sức mạnh toàn dân, phát huy cho được truyền thống đạo đức, đạo lý của người Việt Nam trong lịch sử dựng nước, giữ nước đến nay. Chúng ta đã giành được những thành quả quan trọng trong phát triển đất nước. Chúng ta cũng giành những kết quả bước đầu trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 nhất là trước làm sóng thứ 4 dữ dội đang diễn ra. Từ chỗ nêu cao trách nhiệm trước cuộc sống của người dân. Lo cho cuộc sống hàng ngày của người dân, đảm bảo tính mạng cho nhân dân, nhất là thông điệp "Không để ai bị bỏ lại phía sau". Sức mạnh của tình đoàn kết, sức mạnh của cộng đồng, tinh thần tương thân tương ái, đó chính là giá trị của văn hóa.

Càng đi vào thực tiễn, càng trải nghiệm những điều đã qua, trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay, chúng ta càng nhận thấy văn hóa cực kỳ quan trọng trong đường lối phát triển đất nước, trong con đường đưa đất nước Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc năm châu như khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực hiện khát vọng đưa đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc, dân tộc cường thịnh, trường tồn. Đó là những điều mà chúng tôi nghĩ nên thấm nhuần tư tưởng của bài phát biểu của Tổng Bí thư. Đặc biệt nhấn mạnh văn hóa, lối sống, thức tỉnh lương tâm của mỗi người, mỗi cán bộ, Đảng viên, để chú trọng danh dự con người, chứ không phải là lợi ích vật chất!

Hà An (ghi)

NỔI BẬT TRANG CHỦ