(Tổ Quốc) - “Yêu cầu đặt ra hiện nay là phải xử lý nghiêm nếu có sai phạm, đồng thời cần làm rõ và quy trách nhiệm cụ thể đối với tổ chức, cá nhân liên quan khi để xảy ra những vi phạm nghiêm trọng, nhất là vi phạm kéo dài từ lâu mà không bị phát hiện”, ông Trần Hữu Linh khẳng định.
- 18.10.2018 Bộ Công Thương: Làm rõ việc tăng biên chế khi thành lập Tổng cục Quản lý thị trường và xử lý vi phạm cán bộ trong vụ Con Cưng
- 08.10.2018 Giảm số Cục Quản lý thị trường ở một số địa phương
- 04.10.2018 Xem xét xử lý 2 cục phó Cục Quản lý thị trường trong vụ Con Cưng
- 19.09.2018 Bộ Công Thương có tân Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường
- 22.08.2018 Bộ trưởng Công Thương: Một số bộ phận, cá nhân cán bộ quản lý thị trường có hành vi tiêu cực…là bài học “đau đớn và chua xót”
Ông Trần Hữu Linh: Một thực tế không thể phủ nhận là công tác chống buôn lậu, hàng giả và
gian lận thương mại không thể đạt hiệu quả như mong muốn nếu mỗi người
tiêu dùng, người sản xuất, kinh doanh không có ý thức cùng tham gia.
Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đến gần, nhu cầu mua sắm của người dân tăng lên. Đây là cơ hội cho nhiều thương lái "tuồn" hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vào thị trường. Nhân dịp này, Báo Điện tử Tổ Quốc đã có trao đổi với ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương):
-Thưa ông, cận Tết Nguyên đán luôn là thời điểm "nóng" của lĩnh vực quản lý thị trường khi mà số lượng hàng hoá nhập khẩu về hoặc sản xuất ra phục vụ Tết tăng mạnh. Đây cũng chính là thời điểm nhạy cảm khiến cho tình trạng gian lận thương mại "nở rộ". Xin ông cho biết đâu sẽ là những mặt hàng mà lực lượng Quản lý thị trường tập trung kiểm tra tại thời điểm này?
+ Thời gian trước, trong các dịp lễ, Tết, tình hình buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu thường diễn biến phức tạp, gây những tác động xấu đến sản xuất và phát triển kinh tế- xã hội, đến đời sống nhân dân và sức khỏe cộng đồng.
Thực hiện Kế hoạch số 454/KH-BCĐ389 ngày 30/11/2018 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019; Chỉ thị số 08/CT-BCT ngày 30/10/2018 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2018 và dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, ngày 10/12⁄2018, Tổng cục Quản lý thị trường ban hành văn bản chỉ đạo số 1274⁄TCQLTT-THKHTC về việc mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp cuối năm 2018; trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, trong đó yêu cầu lực lượng Quản lý thị trường: Quán triệt đầy đủ tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Bộ Công Thương về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để lập kế hoạch, phương án triển khai phù hợp.
Phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước, các lực lượng chức năng, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tổ chức các kênh thông tin để chủ động nắm tình hình cung cầu hàng hoá và giá cả, lượng hàng dự trữ của các đơn vị kinh doanh đóng trên địa bàn, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán.
Tập trung lực lượng kiểm tra, kiểm soát đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, kiểm tra, xử lý hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, đo lường, chất lượng và công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; hành vi vi phạm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, thương mại điện tử và các hình thức kinh doanh thông qua công nghệ số... không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; các đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân.
Tăng cường quản lý giám sát, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; nâng cao tinh thần trách nhiệm và hiệu quả giải quyết công việc; nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, xử lý kiên quyết không có "vùng cấm".
Lực lượng Quản lý thị trường tập trung kiểm tra, kiểm soát đối với các mặt hàng, lĩnh vực như: vật liệu nổ, pháo nổ, pháo hoa, động vật hoang dã; thuốc lá ngoại; vải, quần áo, giầy dép; nguyên phụ liệu may mặc; bánh kẹo; rượu, bia, nước giải khát; điện tử - điện máy; xăng dầu; tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền...; chống xuất lậu các loại than, khoáng sản, động vật hoang dã, gỗ và các lâm sản quý hiếm…
Về công tác an toàn thực phẩm: đặc biệt phối hợp với các lực lượng chức năng tập trung vào khu vực các chợ đầu mối, siêu thị, kho chứa hàng đông lạnh; các đơn vị nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm đông lạnh; các cơ sở sản xuất - kinh doanh thực phẩm đường phố. Tập trung vào các mặt hàng: rượu, bia, nước giải khát, sữa và các sản phẩm từ sữa, bánh mứt kẹo…; Kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.
-Trên thực tế, tình trạng doanh nghiệp nhập hàng hay đặt gia công xuất xứ từ Trung Quốc mang về gắn mác Việt không hiếm ở Việt Nam. Tuy nhiên, bóng dáng của lực lượng Quản lý thị trường trong phát hiện những vụ việc như Khai silk còn rất "thấp thoáng". Là người đứng đầu ngành, ông có thể chia sẻ về điều này?
+ Trong thời gian qua, lực lượng chức năng đã có nhiều cố gắng, nỗ lực đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, kiểm soát, phát hiện các vụ việc vi phạm, đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tuy nhiên, đôi khi lực lượng chức năng vẫn chưa chủ động trong công tác theo dõi diễn biến thị trường, năng lực và trình độ chuyên môn của công chức quản lý thị trường ở một số đơn vị chưa đồng đều. Lực lượng quản lý thị trường còn mỏng trong khi tình hình vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại và vi phạm an toàn thực phẩm ngày càng tinh vi, phức tạp.
Có thể nói, trong khi cơ quan chức năng đang đẩy mạnh hoạt động chống hàng giả, hàng lậu, lấy lại công bằng cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng, thì vẫn còn nhiều doanh nghiệp đã trực tiếp hoặc tiếp tay cho hành vi gian lận thương mại.
Yêu cầu đặt ra hiện nay là phải xử lý nghiêm nếu có sai phạm, đồng thời cần làm rõ và quy trách nhiệm cụ thể đối với tổ chức, cá nhân liên quan khi để xảy ra những vi phạm nghiêm trọng, nhất là vi phạm kéo dài từ lâu mà không bị phát hiện, nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.
Trong thời gian tới, lực lượng Quản lý thị trường thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và Bộ Công Thương về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách, phản ánh kịp thời đối với các phản ánh người dân và cơ quan truyền thông để chủ động phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để đấu tranh ngăn chặn.
Để công cuộc chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt hiệu quả như mong muốn, cần các hiệp hội/hội bảo vệ người tiêu dùng và người dân vào cuộc để cùng nhau tham gia góp phần đẩy lùi vấn nạn này.
-Người tiêu dùng không bao giờ muốn nghe lời khuyên "hãy là người tiêu dùng thông thái" thay vào đó, tâm lý của họ là lực lượng quản lý thị trường phải làm thật tốt vai trò, trách nhiệm của mình. Ông chia sẻ như thế nào về điều này?
+ Lực lượng Quản lý thị trường luôn xác định trọng trách của mình trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, là lực lượng chủ công trong đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại và dịch vụ trên thị trường trong nước.
Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại không thể đạt hiệu quả như mong muốn nếu mỗi người tiêu dùng, người sản xuất, kinh doanh không có ý thức cùng tham gia.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Kinh tế Đô thị)
Hiện nay ý thức cộng đồng, người dân đã được nâng lên, tuy nhiên hiểu biết về hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn nhiều hạn chế, đặc biệt là nhận thức người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn thấp nên những khu vực này là thị trường cho hàng giả, hàm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tiêu thụ. Trong khi đó, một bộ phận người tiêu dùng lại sẵn sàng mua hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để sử dụng vì giá rẻ.
Dịp lễ tết là dịp tiêu dùng lớn cuối năm, hàng hóa phong phú với nhiều chủng loại, chính vì vậy xin khuyến cáo người tiêu dùng tìm hiểu thật kỹ các thông tin về sản phẩm mình có nhu cầu như: chất lượng sản phẩm, xuất sứ hàng hóa, điều kiện bảo quản khi lưu trữ và sử dụng.
Đặc biệt, khi quyết định mua hàng hóa nên chọn các cửa hàng kinh doanh có uy tín, thương hiệu, hoặc chọn tại các điểm bán hàng chính hãng, các siêu thị, cửa hàng tiện ích. Để trong trường hợp đột xuất đối với khiếu nại sản phẩm chúng ta có thể đảm bảo quyền lợi của mình.
-Để ngăn chặn những nhân tố làm bất ổn thị trường nội địa năm 2019, Tổng cục QLTT sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa ông?
+ Để góp phần hạn chế việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các giải pháp cấp bách, trong năm 2019, lực lượng Quản lý thị trường sẽ tiếp tục tập trung tăng cường chất lượng công tác tham mưu xây dựng chính sách, pháp luật; gắn kết chặt chẽ hoạt động nghiệp vụ của đơn vị Quản lý thị trường các cấp với việc rà soát, phát hiện những bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý hoạt động thương mại và quản lý thị trường, không tham gia hoặc tiếp tay cho các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...
Chủ động nắm bắt diễn biến thị trường, dự báo tình hình, tiếp nhận thông tin từ thông tin đại chúng hoặc từ phản ánh của người tiêu dùng; thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin về dấu hiệu vi phạm hoặc hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh, nổi cộm trên thị trường, tập trung vào các mặt hàng và địa bàn trọng điểm.
Xây dựng và thực hiện các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát theo đặc điểm, tính chất từng địa phương đảm bảo công tác kiểm tra, xử lý vi phạm theo các chuyên đề có trọng tâm, trọng điểm để công tác đấu tranh ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng đạt hiệu quả. Tổ chức tổng kết, sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm của từng chuyên đề, mặt hàng để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm.
Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác, trao đổi thông tin, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực với các cơ quan chức năng của các nước và các tổ chức quốc tế trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; Tiếp tục xác định rõ yêu cầu cũng như kế hoạch cụ thể trong việc đào tạo, nâng cao phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ…nhằm nâng cao năng lực thực thi công vụ…
-Xin cảm ơn ông!