(Tổ Quốc) - “Năm nay, do Tết Nguyên đán và Tết Dương lịch gần nhau nên thời gian khá eo hẹp. Mọi năm, gần Tết hàng hóa mới về nhiều nhưng năm nay, trước Tết 2 – 3 tháng đã thấy có dấu hiệu gia tăng vận chuyển, sản xuất hàng lậu, hàng kém phẩm chất…Trước tình hình này, lực lượng quản lý thị trường đã yêu cầu 63 Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra”, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh (QLTT) cho hay.
- 07.12.2019 Phát hiện lô thuốc tân dược nhập lậu trị giá hơn 1,7 tỷ đồng tại Hà Nội
- 06.12.2019 Phát hiện hàng trăm kiện hàng có xuất xứ từ Trung Quốc không có hóa đơn chứng từ
- 13.11.2019 Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường lên tiếng về vụ việc SEVEN.AM: "Mất mát lớn nhất của doanh nghiệp là bị khách hàng “quay lưng”
Tết Nguyên đán Canh Tý đang đến gần, nhu cầu mua sắm của người dân tăng lên. Đây là cơ hội cho gian thương "tuồn" hàng giả, hàng nhái vào thị trường. Các cơ sở sản xuất tăng cường sản xuất hàng kém chất lượng…
Nhân dịp này, Báo Điện tử Tổ Quốc đã có trao đổi với ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương):
-Thưa ông, cận Tết Nguyên đán luôn là thời điểm "nóng" của lĩnh vực quản lý thị trường, khi mà số lượng hàng hoá nhập khẩu về hoặc sản xuất ra phục vụ Tết tăng mạnh. Đây cũng chính là thời điểm nhạy cảm khiến cho tình trạng gian lận thương mại "nở rộ". Xin ông cho biết đâu sẽ là những mặt hàng mà lực lượng quản lý thị trường tập trung kiểm tra tại thời điểm này?
+ Giáp Tết thì bao giờ lượng hàng hóa tiêu thụ trong dân cũng tăng lên đột biến. Ngay từ đầu tháng 11, lực lượng quản lý thị trường đã có kế hoạch cụ thể đối với khoảng thời gian cao điểm này.
Một trong những mặt hàng được tiêu thụ nhiều nhất là thực phẩm. Hiện đang xảy ra tình trạng nhập lậu thực phẩm không rõ xuất xứ, quá hạn sử dụng đang diễn ra. Tiếp đến là mặt hàng gia dụng, quần áo, giày dép, điện tử điện lạnh, rượu bia, thuốc lá… cũng được tiêu thụ nhiều. Những mặt hàng này đều có nguy cơ chém chất lượng, nhập lậu…
Những mặt hàng có nguy cơ tiếp theo là: xăng dầu, đường… do liên quan đến nguyên liệu sản xuất, hoặc mỹ phẩm…
Năm nay, do Tết Nguyên đán và Tết Dương lịch gần nhau nên thời gian cũng khá eo hẹp. Mọi năm, gần Tết hàng hóa mới về nhiều nhưng năm nay, trước Tết 2 – 3 tháng đã thấy có dấu hiệu gia tăng vận chuyển, sản xuất hàng lậu, hàng kém phẩm chất…
Trước tình hình đó, Tổng cục Quản lý thị trường đã yêu cầu 63 Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra.
Bên cạnh đó, dịp gần Tết, lực lượng quản lý thị trường còn thực hiện kiểm tra niêm yết giá tại các hội chợ, chương trình khuyên mại xúc tiến… bởi tại những chương trình này cũng tiềm ẩn nguy cơ rất nhiều vi phạm, gian lận thương mại.
Vì thế, dịp cận Tết, lực lượng quản lý thị trường rất bận rộn. Chúng tôi phải tỏa quân đi các địa bàn, những điểm nóng, tụ điểm, ổ nhóm… nhằm ngăn chặn kịp thời cũng như giải quyết các hành vi gian lận thương mại.
-Tổng cục Quản lý thị trường đã quát triệt Cục Quản lý thị trường tại 63 tỉnh thành cụ thể như thế nào, thưa ông?
+ Tổng cục phân chia rất rõ ràng. Theo đó, các địa bàn, đơn vị biên giới phải khác với các đơn vị trong nội địa.
Các đơn vị tại tuyến phía Bắc như: Lạng Sơn, Lào Cai… hay các đơn vị tuyến Tây Nam như: An Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh… đều được phân công công việc theo đặc thù. Ví như các đơn vị tuyến Tây Nam phải tập trung, chú trọng vào ngăn chặn buôn lậu các mặt hàng: thuốc lá, đường cát… Tuyến biên giới phía Bắc như: Lào Cai, Lạng Sơn… thì tập trung ngăn chặn đủ loại mặt hàng như thực phẩm, hàng tiêu dùng… Tuyến miền Trung thì ngăn chặn các mặt hàng liên quan đến ma túy, pháo nổ…
Nói chung, chúng tôi đều có yêu cầu cụ thể đối với từng đơn vị để làm thế nào ngăn chặn tối đa các hành vi gian lận thương mại.
-Năm 2020 là năm cuối cùng của nhiệm kỳ 2016 – 2020, xin ông cho biết Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tập trung vào những mục tiêu cơ bản nào?
+ Chúng tôi đã kiện toàn ổn định tổ chức xong. Vì vậy, năm tới, chúng tôi tiếp tục tập trung vào kiểm tra, kiểm soát thị trường với các nhiệm vụ như: chống buôn lậu, kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống hàng giả, an toàn thực phẩm… Trong đó, đặc biệt tập trung vào kiểm soát hàng giả, hàng nhái.
Bên cạnh đó, năm 2020 là năm cuối cùng của nhiệm kỳ 2016 – 2020 và tập trung chuẩn bị cho lực lượng giai đoạn 2021 - 2025 nên khá quan trọng. Chúng tôi sẽ tập trung thay đổi cách thức, cách làm sao cho hiệu quả hơn trong bối cảnh khối lượng công việc ngày một nhiều, hoạt động gian lận thương mại ngày một phức tạp, tinh vi hơn mà lực lượng thì vẫn như vậy.
Thời gian tới, Tổng cục Quản lý thị trường xác định sẽ phải làm việc khoa học hơn so với phương pháp truyền thống trước đây. Và muốn được như vậy thì trình độ của cán bộ phải tăng lên. Cùng với đó là phải ứng dụng công nghệ thông tin, đưa công nghệ thông tin vào công tác nghiệp vụ chuyên môn quản lý.
Ví như, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ xây dựng các hệ thống triển khai liên quan đến chứng từ điện tử. Hiện doanh nghiệp chở hàng trên đường vẫn phải mang kèm hồ sơ chứng từ giấy. Nếu sau này triển khai hệ thống chứng từ điện tử thì doanh nghiệp có thể không cần mang chứng từ giấy theo bởi quản lý thị trường sẽ phải kiểm tra online.
Cùng với đó, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp chế. Hiện văn bản quản lý quy phạm pháp luật đối với lĩnh vực quản lý thị trường rất nhiều. Có đến vài chục nghị định xử lý vi phạm hành chính của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ của quản lý thị trường. Do đó, sẽ phải rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật cho hiệu quả hơn.
-Người tiêu dùng không bao giờ muốn nghe lời khuyên "hãy là người tiêu dùng thông thái" thay vào đó, tâm lý của họ là lực lượng quản lý thị trường phải làm thật tốt vai trò, trách nhiệm của mình. Ông chia sẻ như thế nào về điều này?
+ Lực lượng quản lý thị trường luôn xác định trọng trách của mình trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, là lực lượng chủ công trong đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại và dịch vụ trên thị trường trong nước. Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại không thể đạt hiệu quả như mong muốn nếu mỗi người tiêu dùng, người sản xuất, kinh doanh không có ý thức cùng tham gia.
Hiện nay ý thức cộng đồng, người dân đã được nâng lên, tuy nhiên hiểu biết về hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn nhiều hạn chế, đặc biệt là nhận thức người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn thấp nên những khu vực này là thị trường cho hàng giả, hàm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tiêu thụ. Trong khi đó, một bộ phận người tiêu dùng lại sẵn sàng mua hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để sử dụng vì giá rẻ.
Dịp lễ tết là dịp tiêu dùng lớn cuối năm, hàng hóa phong phú với nhiều chủng loại, chính vì vậy chúng tôi khuyến cáo người tiêu dùng tìm hiểu thật kỹ các thông tin về sản phẩm mình có nhu cầu như: chất lượng sản phẩm, xuất sứ hàng hóa, điều kiện bảo quản khi lưu trữ và sử dụng.
Đặc biệt, khi quyết định mua hàng hóa nên chọn các cửa hàng kinh doanh có uy tín, thương hiệu, hoặc chọn tại các điểm bán hàng chính hãng, các siêu thị, cửa hàng tiện ích. Để trong trường hợp đột xuất đối với khiếu nại sản phẩm chúng ta có thể đảm bảo quyền lợi của mình.
-Xin trân trọng cảm ơn ông!